Ông Nam ngồi lặng yên bên khung cửa sổ, hướng đôi mắt ra ngoài trời đang mưa rả rích. Đã nhiều giờ đồng hồ trôi qua, người đàn ông vẫn trầm ngâm ở một góc riêng như thế, với khuôn mặt u buồn và những dòng suy nghĩ miên man.
Nghe bác sĩ Chỉnh gọi với, ông Nam chậm rãi rời khỏi góc quen thuộc, tiến đến để trò chuyện với chúng tôi
Ông Nguyễn Văn Nam* (57 tuổi, Hà Nội) là bệnh nhân trầm cảm nặng. Người đàn ông là phạm nhân, đang trong thời gian thi hành án ở một trại giam.
Khoảng cuối tháng 8, ông có hành vi tự sát, lén lấy 1 mảnh sắt cứa rất sâu vào cổ tay trái. May mắn, người đàn ông được các phạm nhân khác và cán bộ phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau đó, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tiếp tục điểu trị tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh, Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, ông Nam nhập viện hôm 1/9 với những triệu chứng rất điển hình của bệnh trầm cảm.
Bệnh nhân giảm khí sắc, buồn bã, bi quan, vận động chậm chạm, ăn uống kém, gầy sút cân. Khi tâm sự với bác sĩ, người đàn ông chia sẻ cảm thấy cuộc sống không còn tươi đẹp, bản thân không có giá trị. Ông chính là gánh nặng cho gia đình, là kẻ vô dụng nên muốn kết thúc mọi chuyện.
Một bệnh nhân trầm cảm tại Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I |
Sau 2 tuần điều trị, bệnh của ông Nam đã cải thiện hơn, tuy nhiên các triệu chứng vẫn còn. Đặc biệt, ý tưởng tự sát đôi lúc vẫn nhen nhóm trong suy nghĩ của người đàn ông.
Trầm ngâm một lúc, người đàn ông kể với chúng tôi về chuỗi ngày bi kịch kể từ thời điểm ông bắt đầu mắc trầm cảm.
Ông Nam trước đây vốn là lái xe đường dài, làm việc trong một cơ quan Nhà nước. Năm 1996, công ty đột ngột giải thể, ông Nam thất nghiệp, chạy vạy đủ nơi nhưng không xin được việc mới. Đang lao động với cường độ cao, lại bỗng nhiên phải sống trong những ngày dài chỉ “ngồi không”, ông Nam sinh chán nản, buồn bã.
Dần dần, ông mắc trầm cảm, đã đi chữa nội trú, ngoại trú ở nhiều nơi nhưng bệnh liên tục tái phát. Ông luôn ủ rũ, không muốn giao tiếp với bất cứ ai, một khó khăn nhỏ cũng cảm thấy trầm uất tới không thể sống,
Trong suốt 24 năm mắc bệnh, ông Nam thường xuyên có ý định tìm đến cái chết, trong đó có 3 lần đã thực hiện được nhưng đều có người phát hiện kịp thời.
Lần đầu tiên là vào năm 2004, người đàn ông lén lấy 2 vốc đầy thuốc trầm cảm, uống cùng một lúc. Hồi tỉnh ở bệnh viện, ông chia sẻ không thấy hối hận, chỉ u uất, buồn bã vì không thể ra đi.
Năm 2018, ông tự sát lần 2 bằng cách tuyệt thực. Ông nhốt mình trong phòng, nhịn ăn liên tục suốt 16 ngày, người thân thuyết phục ra sao cũng nhất định từ chối ăn. Từ sáu mấy kg, ông gầy rộc, chỉ còn trên 30kg. Tới khi ngất xỉu vì kiệt sức, ông được đưa đi cấp cứu và điều trị gần 1 tháng tại bệnh viện.
Trở về nhà một thời gian, ông Nam có mâu thuẫn với người hàng xóm, trong lúc kích động đã khiến đối phương thương tích, phải nhận bản án 2 năm tù giam. Sau khi vào trại, ông tìm cách quyên sinh thêm một lần nữa.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết, bệnh trầm cảm thường do yếu tố nội sinh, trong đó sự khởi phát đầu tiên đa phần liên quan đến stress. Điểm đặc biệt của bệnh nhân trầm cảm là họ tỉnh táo như người bình thường, bởi vậy biết cách tìm kiếm và sắp xếp các cách thức để tự sát thành công. Nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời, tỷ lệ bệnh nhân tự sát thành công sẽ rất cao.
Bác sĩ Chỉnh thăm khám cho bệnh nhân |
Các bệnh lý tâm thần hầu hết phải trị liệu cả đời, bởi y học chưa tìm được thuốc hóa giải nguyên nhân mà chỉ có thể điều trị triệu chứng. Khi ngừng thuốc, bệnh nhân sẽ tái phát bệnh.
Trường hợp của ông Nam mắc trầm cảm đã lâu, tuy nhiên thời gian trước đây, khi điều trị ngoại trú, bệnh nhân chưa tuân thủ tốt việc uống thuốc hàng ngày. Đó là lý do bệnh tiến triển nặng và khiến ông liên tục có ý định tự sát.
Ngoài ra, bác sĩ Chỉnh cũng phân tích, hành vi quá khích khiến ông Nam vướng vào vòng lao lý có thể liên quan đến bệnh trầm cảm. Theo đó, bệnh này có 2 mặt là khí sắc giảm và khí sắc kích thích. Bình thường, bệnh nhân vẫn trầm lắng, nhưng khi có 1 tác động về tâm lý, bệnh nhân sẽ bị kích động nhất thời và có phản ứng mạnh, sau đó lại trở về trạng thái buồn.
Hiện tại, sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, khí sắc của ông Nam đã cải thiện hơn, các triệu chứng có giảm, tuy nhiên chưa hết hoàn toàn. Bệnh nhân vẫn còn ý tưởng, hành vi tự sát, bởi vậy các bác sĩ đang phải theo dõi rất chặt chẽ.
Trong thời gian tới, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống trầm cảm, tới khi các triệu chứng giảm hẳn, test tâm lý ổn định sẽ cho điều trị duy trì. Điều làm anh Chỉnh lo lắng nhất là nếu bệnh nhân không tuân thủ phác đồ sau ra viện, bỏ thuốc, bệnh sẽ tái phát và có thể gây những hậu quả đáng tiếc…
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Nguyễn Liên
Nghiện món ‘khoái khẩu’ 20 năm, người đàn ông mắc 2 ung thư
Cơ thể gầy gò, giọng nói thay đổi và hay khó thở, sặc thức ăn, khi vào viện ông Hưng được chẩn đoán mắc cùng lúc 2 ung thư.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.