Ông Khúc Văn Cẩn ở trong căn nhà xập xệ, đến cái giường ngủ còn không có nổi manh chiếu trải nhưng lại là một trong những người đầu tiên “tậu… xế hộp” ở nơi đây. Hằng ngày ông còn cẩn thận che nắng, chắn mưa cho chiếc xe của mình bằng… lá chuối và chăn bông.
Chuyện ngoài ngõ
Từ những năm 1998 thế kỷ trước, khi mà nhiều gia đình còn nghèo, có được chiếc
xe máy cũng là một gia sản lớn trong nhà, đến các “đại gia” ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cũng chưa mấy ai có xe riêng để đi thì ông Khúc Văn Cẩn (SN 1964, ở huyện Vĩnh Bảo) đã sở hữu một chiếc xe
ôtô hiệu Lada.
Nếu ông Cẩn sinh ra trong gia đình khá giả, hay làm ăn phát đạt thì đi một nhẽ, đằng này là một người làm công việc khuân vác, gia cảnh thì nghèo rớt, nhà cửa dột nát.
Cái ngày ông “đánh” chiếc xe về làng, mọi người ở vùng quê nghèo Vĩnh Bảo lúc bấy giờ đều chẳng ai tin vào mắt mình. Họ xì xào bàn tán xôn xao, đồn thổi những câu chuyện xung quanh người đàn ông nghèo kiết xác đi ôtô này…
Ông Khúc Văn Cẩn |
Đến đầu thôn Từ Lâm dẫn lối vào nhà ông Cẩn dừng chân uống ly trà quê, hỏi về ông thì ai cũng biết; bà Khúc Thị Gieo, người cùng thôn trò chuyện - “…Bố ông Cẩn mất sớm, còn mẹ ông ấy cả đời sống lam lũ, nghèo khó thế mà nghe đâu trước khi mất bà đã chỉ cho ông Cẩn chỗ chôn cả hũ vàng nhờ cả đời tích góp.
Có được số tài sản thừa kế một cách bất ngờ, ông Cẩn đã
đem đổi ngay lấy một chiếc ôtô để đi. Cái hồi mua xe đó, ông ấy phải cất công
sang tận tỉnh Thái Bình mới kiếm được con xe ưng ý người ta rao bán.
Nghe kể, hôm ông Cẩn vào gặp chủ nhà hỏi mua xe, nhìn vào chiếc xe đạp cà tàng
với bộ dạng có phần nhếch nhác, áo quần nhầu nhĩ của ông khiến người chủ xe cứ
nghĩ ông có ý đùa. Đến khi ông Cẩn chồng đủ tiền mặt ra thì người chủ xe mới dám
tin.
Mua xe về được một thời gian thì thấy ông Cẩn ít đi xe hẳn, bà con xóm giềng hỏi ra mới biết là ông cũng hạn chế động đến cái xe bởi mua nó xong rồi lại không đủ tiền đổ xăng để “nuôi” nó chạy.
Mà kể cũng buồn cười, cái xe của ông Cẩn không khác gì
răng bà lão, lắm khi xe ông ấy đang đi thì chết máy, người làng phải mang bò ra
để giúp kéo xe lên tận trên huyện để sửa…"
Vui câu chuyện cùng với bà Khúc Thị Gieo, những người cùng thôn cũng được dịp
thêm ý góp lời về người có xe ôtô đầu tiên ở Vĩnh Bảo. Nhà ông Cẩn thuộc dạng
nghèo ở thôn Từ Lâm, ông có một đời vợ và sinh được hai cô con gái, vợ ông quanh
năm chỉ quanh quẩn với vài ba sào ruộng với cái ao mà bố mẹ để lại để kiếm sống.
Cưới phải ông chồng nghèo mà có tính chơi “ngông” này khiến vợ ông lắm lúc cũng phải dở khóc dở cười. Tiền thì không có, nhà thì dột nát như túp lều, cơm lắm lúc còn không có mà ăn, ấy vậy mà phải lo tiền xăng để thi thoảng ông chồng còn “đánh” xe đi chơi cho… “oách”.
Mà cái xe thì cũ nát, “uống” xăng như... voi uống Phi-la-tốp, mỗi lần ông chồng bà “nổi hứng” lấy xe ra đi thì tiền xăng cũng bằng tiền ăn mấy tuần của cả nhà. Sau bao năm chịu đựng, dù đã có với nhau hai mặt con, nhưng cuối cùng vợ ông Cẩn cũng phải dắt hai con về nhà ngoại ở.
Ngày viết đơn ly hôn, bà vợ mang lên trình chính quyền xã, bộ phận hòa giải của xã đã đến gia đình và khuyên nhủ cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, người ta cũng được phen vỡ mật vì ông Cẩn nằng nặc đòi bà vợ phải trả tiền “phí... hao mòn” cho ông ta trong quãng thời gian sống chung.
Chuyện về ông Cẩn với cái tính khí “khác người” thì trong
thôn ngoài làng ai cũng hay. Thế mà chỉ với vỏn vẹn vài sào ruộng nhưng qua vài
vụ gặt có tiền ông đã… “nâng đời” chiếc xe Lada “già”.
Chuyện trong nhà
Chuyện ngoài ngõ thì nghe biết vậy, thực hư ra sao thì cứ phải gặp người trong
cuộc mới hay. Khác với hình dung của chúng tôi về con người “nổi tiếng” huyện
Vĩnh Bảo này ông Cẩn hoàn toàn không phải là “dân chơi” lập dị như đồn thổi mà
trái lại ông rất dễ gần, mến khách.
Khi có tiếng gọi cửa, đứng từ bên ngoài thấy ông đang nằm trên chiếc giường ọp ẹp đã sập một bên dát trong “túp lều” trống hoác, ông lật đật trở dậy.
"Xế hộp" của ông Cẩn bên ngôi nhà xập xệ |
Cũng đúng phép lịch sự ông Cẩn vẫn kịp mặc quần áo chỉnh tề rồi mời khách vào nhà. Khi nghe tới cái ngọn nguồn lý do chúng tôi tìm đến, ông cười và điềm tĩnh đáp lại bằng những lời tâm sự rất thật về tuổi thơ cơ cực của mình.
Ông cho biết: “Quê tôi nghèo lắm. Tôi sinh ra trong một gia đình bần nông, bố mất sớm, mẹ bị tàn tật, đi lại không được như người bình thường. Tôi phải đi làm mướn để có tiền đến trường, chưa kể đến việc phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều để phụ giúp mẹ nuôi hai người em.
Nhà có vài sào ruộng của hợp tác xã chia, những ngày thường không phải mùa vụ cày cấy, mẹ tôi phải dậy từ khi sương đêm vẫn còn ướt đẫm, đến khi đặt chân về nhà thì trời cũng mờ tối đi mò cua, bắt ốc kiếm tiền lo từng bữa ăn. Do thương cảm với hoàn cảnh gia đình tôi, họ hàng chòm xóm thi thoảng cho vài nắm gạo, đôi ba chiếc quần cái áo cũ, đồ dùng sách vở để chúng tôi có thứ mang đến trường.
Học hết cấp III, tôi xin đi học Trung cấp về Thủy lợi, may mắn nhờ “đặc sản” thuốc lào của quê hương Vĩnh Bảo mà tôi mới theo được đến hết khóa học, còn hai anh bạn cùng xóm thì phải bỏ giữa chừng vì nhà nghèo quá.
Ngày ấy, cứ tranh thủ vài ngày được nghỉ học, tôi lại đi
làm thuê cho người ta, số tiền kiếm được, tôi đầu tư mua ít thuốc lào rồi mang
ra ngoài thành phố bán, có khi lãi gấp đôi, gấp ba. Thế là có đủ tiền mua rau
một tuần, không lo chết đói.
Học xong Trung cấp Thủy lợi, tôi tất tả đi xin việc làm nhưng với tấm bằng Trung
cấp trong tay, rất khó để xin được một công việc tử tế. Tôi quyết chí đi học
thêm tấm bằng đại học, sau bao cố gắng, cuối cùng cũng thi đỗ vào hệ tại chức
của trường Đại học Xây dựng.
Theo học được vài năm, đến khi làm đồ án tốt nghiệp thì mẹ tôi đổ bệnh nặng, trong người không có nổi vài nghìn đồng, chạy vạy khắp nơi cũng không đủ tiền nên đành phải bỏ ngang nghiệp học hành để về quê đi làm bốc vác thuê kiếm tiền chăm mẹ.
Sau khi mẹ qua đời, một mình tôi phải nai lưng ra để nuôi
hai người em. Tất cả số tiền tôi kiếm được từ công việc làm Kiểm sát viên đê
điều của Hạt quản lý đê điều huyện Vĩnh Bảo đều dồn hết cho hai người em. Khi đã
lo cho hai em ổn thỏa, tôi mới tập trung làm lụng gom góp theo lời các cụ dạy
năng nhặt chặt bị để có tiền “chơi” xe”…
Chuyện “dân chơi”
Và ông trở thành một trong những người đầu tiên ở huyện Vĩnh Bảo có ôtô. Trong
khi nhà ông vẫn là căn nhà dột nát, chiếc giường bị sập một nửa số thang và
không có lấy nổi manh chiếu, trong nhà thì chẳng có đồ đạc gì đáng giá, mạng
nhện chăng khắp nơi; phía bên ngoài sân, cỏ mọc um tùm.
Chiếc xe được đỗ cẩn thận ở cạnh nhà, che phủ bằng lá chuối và... chăn bông. Chiếc xe ôtô đang hiện diện tại nhà ông là chiếc xe thứ 2 ông sở hữu.
Ông Cẩn kể lại: “Sau khi bán chiếc Lada đi, tôi gom góp được 3 cây vàng dắt vào bụng và gót giày, đạp xe đạp hàng chục cây số để đi “tậu” xe mới “nâng đời”. Ông chủ xe lúc đó cứ cho rằng tôi hỏi mua xe là để đùa nên ông ý ra giá chiếc xe là 100 triệu đồng, nhưng đến khi tôi lấy trong người ra và chồng đủ hơn 2 cây vàng lên mặt bàn thì mặt ông ta méo xệch.
Ông chủ xe còn xem đi xem lại chỗ vàng của tôi vì nghi ngờ đấy là vàng giả. Cuối cùng cả hai bên phải mang ra hiệu vàng gần đó để đổi sang tiền mặt mới cho lấy xe. Sau khi mua được chiếc xe này, tôi còn phải bỏ vào đó gần 1 cây vàng để “tút” lại nội thất mới vừa ý”.
Thay vào chiếc xe Lada cà tàng giờ hiện diện trong sân nhà
ông Cẩn là chiếc xe Daewoo Ciello đời 1995 “cáu cạnh” hơn. Để cho chúng tôi quan
sát chiếc xe của mình được rõ hơn, ông Cẩn hì hụi mở lớp rào sắt quây quanh xe,
bỏ lớp chăn bông và ni-lon che phủ ra tự hào bảo, chiếc này không hay hỏng vặt
như xe trước, đỡ phải đi sơn sửa mà đi nó cũng “oách” hơn.
Cái lý của người trong cuộc
Khi được hỏi vì sao với mức lương công chức còm cõi như thế mà ông lại mua xe
ôtô trong khi bản thân lại không có được một căn nhà cho ra dáng nhà, ăn uống
thì kham khổ thì ông Cẩn trả lời rành rọt: “Ở phương Tây người ta tiến bộ
lắm, nhà nào chẳng có ít nhất một chiếc ôtô để đi. Công việc của tôi là làm kiểm
sát viên đê điều, rất hay phải đi tuần tra đê vào mùa mưa bão.
Cứ mỗi trận bão về, gió giật lên đến cấp 9, cấp 10 mà đi xe đạp để tuần tra đê thì làm sao mà được. Nguy hiểm lắm, tai nạn như chơi, chưa kể đến việc đi tuần tra buổi đêm rất hay gặp chó của người dân thả rông, đi xe đạp dễ bị chó cắn lắm… (Cười lớn) Vì thế, tôi quyết phải sắm chiếc xe ôtô, vừa để đi làm cho an toàn, vừa để làm thêm, trong làng xã nếu có ai thuê chở đi cưới hỏi tôi đều nhận để còn kiếm đồng ra đồng vào”.
Mua ôtô để đi tuần tra đê cho an toàn cũng thật hợp tình cho
cái lý của người trong cuộc. Theo lời ông Cẩn, cũng có nhiều người đến hỏi mua
xe của ông, không những thế, nhiều thanh niên ở địa phương cũng đến nhờ ông dạy
lái xe... vậy là vui.
Tạm biệt ông Cẩn, trên đường trở ra chúng tôi đã tìm đến một Công an viên xã
Đồng Minh thì được cho biết ông Cẩn là người cẩn thận, sống có tình nghĩa trước
sau, thời kỳ khó khăn nhất của gia đình, bố mẹ già mất sớm, ông phải tự lực cánh
sinh để “gồng gánh” cho cuộc sống hai đứa em.
Nhiều khi ông mang sổ đi khắp xóm để vay lấy tiền đóng học cho em. Người ít, kẻ nhiều, ai đưa 2.000 đồng, ông cũng ghi vào sổ để nhớ khi có tiền thì trả lại. Cả làng ai cũng thương anh em nhà ông này.
Năm 1988, khi ông Cẩn xin được việc vào làm ở Hạt quản lý đê điều huyện Vĩnh Bảo, ai cũng mừng cho ông. Tuy nhiên, ngày thấy ông Cẩn lái chiếc xe ôtô về làng, ai cũng không khỏi ngạc nhiên.
Có lẽ cái sự ngạc nhiên về ông Cẩn - người đàn ông sống ở “túp lều” vẫn có ôtô đi - đối với rất nhiều người dân ở Vĩnh Bảo âu sẽ không bỗng dưng mà hết sự hiếu kỳ và quả thật khó lý giả. Nhưng theo cách nghĩ của chúng tôi có lẽ chiếc xe chỉ là phương tiện để mỗi khi ông đi tuần tra đê điều cho đỡ nguy hiểm mà thôi.
(Theo An ninh thủ đô)