Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông "trùm kín mít" nhấn nút điều khiển đèn giao thông tại một giao lộ ở TP.HCM.
Sự việc xảy ra vào ngày 9/1 tại giao lộ Võ Trần Chí - Trần Đại Nghĩa, quận Bình Tân, TP.HCM. Hình ảnh từ clip cho thấy, khi đèn đỏ còn 30 giây, người đàn ông này bất ngờ nhấn nút trên bảng điều khiển, khiến đèn giao thông chuyển từ xanh sang đỏ. Hậu quả là một tài xế xe tải không kịp dừng xe đã vượt đèn đỏ.
Theo xác nhận của lực lượng chức năng, người đàn ông trong clip là một thanh niên xung phong ở quận Bình Tân. Người này khai nhận do thấy đường kẹt xe nên đã tự ý điều khiển đèn giao thông.
Hành động này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi liệu người đàn ông này có quyền điều khiển đèn tín hiệu giao thông hay không? Liệu các tài xế vượt đèn đỏ do sự can thiệp này có bị xử phạt?
Trao đổi với Vietnamnet, TS. LS. Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là tình huống gây tranh cãi, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định mới của Chính phủ tăng nặng mức phạt đối với hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.
"Việc xác minh làm rõ nguyên nhân, đánh giá tác động của hành vi này đối với người tham gia giao thông là rất cần thiết", luật sư Cường nhấn mạnh.
Lực lượng xung kích hỗ trợ điều tiết giao thông phải đeo băng đỏ
Về góc độ pháp lý, luật sư Cường phân tích, người tham gia giao thông có nghĩa vụ chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và người điều khiển giao thông. Tuy nhiên, trong trường hợp đèn tín hiệu bị hỏng hoặc có người điều khiển giao thông (có thẩm quyền) ra hiệu lệnh khác với đèn tín hiệu, người tham gia giao thông phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển.
Luật sư Cường cũng cho biết, lực lượng hỗ trợ điều tiết giao thông thường phải mặc đồng phục, đeo băng đỏ, cầm còi và điều khiển giao thông công khai.
"Trường hợp người này tự ý tác động vào hệ thống đèn điều khiển giao thông mà không có nhiệm vụ, không được trang bị công cụ hỗ trợ, hành vi mờ ám như vậy rõ ràng gây ra tranh cãi trong xã hội", luật sư Cường nhận định.
Theo quy định, đèn tín hiệu giao thông được cài đặt tự động chuyển pha. Nếu đèn tín hiệu không hoạt động hiệu quả, lực lượng chức năng sẽ có mặt để điều tiết giao thông.
"Việc tác động vào đèn giao thông một cách thủ công như vậy là chưa từng có tiền lệ", luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ danh tính, động cơ, mục đích của người đàn ông này, đồng thời đánh giá tình hình giao thông trước, trong và sau khi sự việc xảy ra.
"Có hai giả thiết được đặt ra. Nếu người này được cơ quan chức năng giao nhiệm vụ hỗ trợ điều khiển giao thông, cần làm rõ thẩm quyền và hiệu quả công việc. Ngược lại, nếu tự ý can thiệp vào hệ thống đèn giao thông mà không có nhiệm vụ, đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả", luật sư Cường khẳng định.