Trong số hơn 1.700 phạm nhân đang bị giam giữ, cải tạo tại Trại giam số 3 - Bộ Công an (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), phạm nhân Phạm Hồng Chương được bạn tù suy tôn là "kẻ si tình số 1". Những ngày tháng chấp hành án sau khi phạm tội lừa đảo, khi ấy Chương mới nhận ra mình có nhiều lỗi lầm với người thân và nỗi ân hận biến gã phạm nhân si tình này thành thi sĩ.

Tin bài liên quan:

Bi kịch làm giàu bất chính

Chương cho biết quê mình ở một xóm nghèo thuộc thị trấn Can Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Cầm tinh con chuột (1972), tuổi thơ của Chương êm đềm sống trong sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ và những người thân. Từ hồi học phổ thông, Chương có tiếng là một học sinh sáng dạ, chăm chỉ học hành, liên tục trong các năm học cấp 1, cấp 2 đều được tuyển chọn vào học trường năng khiếu của huyện. Năm 1989, lần đầu tiên chàng trai xứ Nghệ Trần Hồng Chương vác lều chõng ra Hà Nội thi đại học và đã không làm hổ danh gia đình, quê nhà khi thi đỗ liền 3 trường đại học: Tổng hợp, Thể dục thể thao và Giao thông vận tải.
Phạm nhân Hồng Chương


Mong muốn cuộc sống sau này sung túc, Chương quyết định theo học ngành kinh tế ở trường Đại học Tổng hợp. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong suốt 4 năm học đại học ở Hà Nội, trừ những lúc trên giảng đường học, Chương đi làm phụ hồ, bơm vá xe đạp, xe máy... kiếm tiền chi tiêu cho bản thân. Lóa mắt trước phồn hoa đô thị, từ đây trong đầu Chương luôn chất chứa khát vọng làm giàu bằng mọi giá.

Chương tốt nghiệp đại học năm 1994, nhưng vì không xin được việc làm ưng ý nên sau 6 năm loay hoay kiếm sống, Chương quyết định trở về quê nhà lập nghiệp. Đáng lẽ phải vận dụng những kiến thức kinh tế được học để làm giàu hợp pháp, đằng này bị bạn xấu rủ rê, Chương đã lại chọn con đường làm ăn bất chính.

Tháng 5/2000, Chương giả danh là cán bộ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), mở văn phòng mạo danh đại diện khu vực Miền Trung ở 159 B Lý Tự Trọng, thị xã Hà Tĩnh để lừa đưa người đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Trước đó, Chương đã từng làm việc ở một Trung tâm thông tin Bộ Thương mại ở phía Nam chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động nên có thừa kinh nghiệm về lĩnh vực này. Với con dấu giả trong tay, Chương đứng ra liên kết với một số đơn vị lo thủ tục cho người đi lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan. Ai có nhu cầu đi Hàn Quốc, Đài Loan đều phải nộp cho Chương từ 3.800 USD đến 4.100 USD. Sau 7 tháng giả danh Trưởng phòng đại diện khu vực miền Trung thuộc Trung tâm thương mại, Chương chưa đưa được một người nào đi lao động xuất khẩu, nhưng đã thu gần 80 ngàn USD, hơn 540 triệu đồng và 1 lượng vàng của 38 người.

Với hành vi phạm tội nêu trên, Trần Hồng Chương bị kết án 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 4 năm tù về tội "Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". Tổng hợp hình phạt 2 tội là 24 năm tù.

Qua song sắt, nhớ bóng hồng xưa

Những ngày bị bắt, Chương mới ngẫm ra cuộc đời mình khốn nạn vì quan niệm làm giàu bằng mọi giá. Lần tiếp hồi ức để lý giải vì sao mình lại có quan niệm đó, hắn mới nhớ ra căn nguyên của vấn đề là mối tình nghèo đầu đời khiến hắn và người yêu không lấy được nhau.

Chương tâm sự, đó là mối tình rất đẹp và lãng mạn với một cô gái cùng quê Can Lộc tên T. Hai người yêu nhau từ hồi học phổ thông. Chương lớn hơn người yêu 2 tuổi. Khi Chương vào đại học, 2 đứa quyết định khi nào "chàng" ra trường sẽ làm đám cưới với "nàng". Cuộc sống mấy ai nào biết trước ngày mai, sang năm học thứ 3, Chương nhận được 1 tin sét đánh: Người yêu ở quê đi lấy chồng.

Chương kể lại: "Ngày T đi lấy chồng, em đau đớn vô cùng. Gặp nhau, 2 đứa chỉ biết ôm nhau khóc, cô ấy xin em tha thứ vì hoàn cảnh nhà khó khăn, bố mẹ ép lấy chồng. Sự thật người đàn ông cô ấy yêu là em". Chương cho biết ngày đó hắn cũng nghèo nên chẳng biết làm gì, chỉ biết nuốt lệ nhìn người yêu lên xe hoa.

Giọng buồn buồn, Chương kể tiếp, cuộc đời của T khổ đến lúc chết. Lấy chồng rồi, T mới biết chồng là con nghiện. Tiền nong, đồ đạc trong gia đình cô lần lượt "đội nón đi theo" khói trắng "nàng tiên nâu". Thi thoảng gặp người yêu trên đường trông như một cái xác không hồn, ruột gan Chương đau nhói. Vì hai người đều đã có gia đình riêng, nên chỉ biết an ủi, động viên nhau. Rồi chồng T qua đời vì một căn bệnh "khó nói". Lo ma chay cho chồng xong, cô muốn trốn chạy kỷ niệm buồn, thay đổi cuộc sống nghèo khó hiện tại nên đã tâm sự với Chương về ý nguyện muốn đi xuất khẩu lao động bên nước Nga. Lúc này đang là "doanh nhân" giàu có với mác "Trưởng phòng đại diện khu vực miền Trung thuộc Trung tâm thương mại", Chương không ngần ngại chi gần 100 triệu đồng để lo cho người yêu đi lao động xuất khẩu.

Khốn khổ không buông tha đôi tình nhân "lỡ dở" này khi thời gian sau đó, Chương nhận được hung tin người yêu mình đã chết vì căn bệnh mà trước đó chồng cô đã truyền qua. Chương thêm ân hận vì hắn nghĩ "giá ngày xưa mình dám vượt qua mặc cảm, dám "chiến đấu" cho tình yêu thì cô ấy đã không phải gặp khổ".

Phục thiện nhờ thơ ca

Những ngày trong tù, Chương trải lòng mình vào những trang nhật ký, lời lẽ dù có thể còn có chỗ ngô nghê nhưng thật lòng. Chương đọc lời tựa cuốn nhật ký "Viết từ trái tim": "Cả cuộc đời biết bao mất mát, đau thương sau những hoài bão ước mơ, là cả những năm tháng đầy ắp kỷ niệm! Và tình yêu tôi dành cho em luôn nồng nàn tha thiết. Dẫu bao năm tháng qua, tôi mòn mỏi chờ đợi một lần em đến bên tôi, để tôi được giãi bày tất cả nỗi nhớ thương đã từ lâu tràn ngập trong tôi. Nhưng đến lúc liên lạc được với em, thì cũng là lúc em đang từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật. Nhưng thật buồn! Tôi chỉ có thể gửi tình yêu, hy vọng qua trang sổ mong manh này. Mong sao em sẽ cảm nhận được tất cả!".

Ngày mới vào tù, hình ảnh người yêu vẫn luôn ngự trị trong trái tim Chương. Tình yêu dành cho cô gái, Chương để hết vào cuốn nhật ký bên mình. Nỗi đau của gã phạm nhân si tình Trần Hồng Chương như nhân lên gấp bội khi nghe tin người yêu qua đời. Tưởng nhớ đến bóng hồng xưa, Chương đã làm một bài thơ nhan đề "Khóc T" với những câu thơ như: "T hỡi em ơi đã hết rồi / Cuộc đời êm đẹp đã buông trôi / Sao em vội vã về bên ấy / Bỏ lại mình tôi giữa cuộc đời", hay "Tuổi trẻ em đâu sung sướng gì / Lo toan vất vả cảnh chia ly / Mình em bươn chải muôn lối sống / Mà chẳng còn nguyên, chẳng có gì".

Mặc dù người yêu đã về cõi vĩnh hằng, vốn đa sầu đa cảm, nhiều đêm Chương vẫn gặp T trong giấc mơ. Hắn tâm sự những tháng ngày trong tù đã làm phạm nhân Chương nhìn đời khác hơn, sống vị tha hơn, không còn Chương ngày nào bất chấp pháp luật, kiếm tiền bằng mọi giá. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Chương tâm sự ước nguyện sau khi chết, muốn được hiến tim mình cho một người nào đó đang cần thay tim hoặc hiến tim mình để phục vụ một công trình khoa học nghiên cứu về tim. Giờ đây, mặc dù đang ở trong tù, nhưng trái tim của Chương đang cùng nhịp đập với trái tim của người cha già bị liệt nửa người, đập cùng trái tim người mẹ già hom hem vẫn tần tảo hôm rằm, ngày mồng 1 đi chùa cầu khấn cho đứa con trai được bình an, sớm trở về với bà trong những tháng ngày cuối đời.

Vì cải tạo tốt, đã 3 lần phạm nhân Trần Hồng Chương được xét giảm án và đang mong từng ngày ra tù, trở về với gia đình để làm lại từ đầu.
  • Theo Đời sống pháp luật