Đối với một số người, tình trạng độc thân của họ càng trở nên tồi tệ hơn khi một quảng cáo hôn nhân được phát trong trên truyền hình quốc gia.
TIN BÀI KHÁC:
Yan Xiaoxu, 24 tuổi, tới từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chưa bao giờ kinh doanh món hàng nào trên mạng trước Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên, sau đó anh lại tự rao bán chính mình.
Trong mục giới thiệu về sản phẩm trên trang bán hàng trực tuyến Taobao.com, Yan đã đăng ảnh và tên tuổi của mình, đồng thời quảng cáo đóng vai là " bạn trai tạm thời" với giá 400 NDT (66 USD)/ngày.
"Tôi nảy ra ý tưởng này thông qua một người bạn, người muốn thuê bạn trai đi chơi trong dịp lễ. Gia đình suốt ngày chất vấn về chuyện tình cảm của cô ấy và điều này khiến bạn tôi cảm thấy bị áp lực," Yan nói.
Đối với những người độc thân ở Trung Quốc, những ngày lễ, Tết là một dịp bị những người thân trong gia đình hỏi han về các mối quan hệ hiện tại và thời điểm kết hôn.
Theo một cuộc khảo sát trên Nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc, 89% trong tổng số 7.932 người được hỏi bị gia đình truy vấn về chuyện cưới xin trong dịp Tết Nguyên Đán.
Vào ngày 23/1, một người đàn ông ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã đăng lên blog của mình rằng anh ta sẵn sàng trả 1 triệu NDT (164.900 USD) để thuê bạn gái cùng về quê ăn Tết trong bảy ngày.
Đối với một số người, tình trạng độc thân của họ càng trở nên tồi tệ hơn khi một quảng cáo thương mại được phát trong trên truyền hình quốc gia. Trong đoạn quảng cáo, một cô gái có học vấn cao trở về nhà mỗi dịp Tết để gặp mặt ông bà, những người luôn hỏi cô những câu hỏi tương tự: "Bao giờ thì cháu lấy chồng?"
Sau đó, người bà được đưa vào bệnh viện, nơi người cháu tới thăm, nhưng câu hỏi trên lại được nhắc lại lần nữa. Cuối cùng cô gái xuất hiện trong một chiếc váy cưới, nắm tay một người đàn ông tới trước mặt bà.
"Vì bà, cháu sẽ kết hôn và chấm dứt tình trạng độc thân," cô gái trẻ nói.
Đoạn quảng cáo trên đã được phát đi phát lại trong dịp Tết Nguyên Đán trên các kênh truyền hình lớn của Trung Quốc trong đó có cả CCTV và vấp phải sự phản đối của nhiều người đang độc thân.
"Chúng tôi ghét những quảng cáo này vì nó truyền đạt thái độ sai lệch về hôn nhân," Han, một phụ nữ 29 tuổi tại Bắc Kinh cho biết.
"Bạn không kết hôn để làm hài lòng gia đình bạn. Mọi người cưới nhau vì họ muốn sống bên nhau trọn đời. Chúng tôi đã xem quảng cáo đó trên TV cùng với gia đình trong suốt dịp Tết và nó hoàn toàn phá hỏng kỳ nghỉ của chúng tôi."
Han cho biết gia đình cô khá cởi mở đối với tình trạng độc thân của cô nhưng họ thực sự lo lắng, mặc dù ít khi nhắc tới nó.
"Cha mẹ tôi chắc chắn rất lo vì tôi gần 30 và gần như bị coi là 'gái ế'", cô nói. "Tôi ghét quảng cáo đó. Nó cho thấy người bà nhập viện và dường như sẽ chết trừ khi cháu gái kết hôn. Điều đó có ý nghĩa gì chứ?"
Zhang Yuan, 27 tuổi, cũng đã xem đoạn quảng cáo.
"Người sản xuất ra quảng cáo này rõ ràng không phải người độc thân và không có ý gây áp lực cho những người độc thân trong kỳ nghỉ lễ."
Zhang, từng có 2 năm du học tại Anh, cho biết trước đó cô chưa bao giờ nghĩ rằng tình trạng độc thân của mình lại trở thành vấn đề đối với gia đình.
"Tuy nhiên, bây giờ thì nó đã thực sự là một rắc rối. Thật mỉa mai là mặc dù chúng tôi ghét các trang web hẹn hò, vốn truyền tải nhận thức sai lệch về hôn nhân, nhưng dường như nhiều người trong số chúng tôi dựa vào đó để có những cuộc hẹn mù quáng. Công việc chiếm hầu hết thời gian của chúng tôi và các quan hệ xã hội bị giới hạn" cô nói.
"Và điều duy nhất tôi không thích về Ngày Valentine là bạn bị chú ý chỉ vì bạn độc thân," Zhang đùa.
Sầm Hoa (Theo China Daily)