Vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chính ở Thái nổi tiếng là người bảo vệ hoàng gia mãnh liệt, một đối thủ của cựu thủ tướng ở tâm điểm cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia, và là một người hay cáu dễ bị nổi đóa vì những câu hỏi khó chịu.
Theo AP, khi đạo diễn cuộc đảo chính hôm 22/5, tướng Prayuth Chan-ocha đang tiến hành cái gần như là đặc quyền truyền thống của các tư lệnh quân đội. Thái đã chứng kiến 12 cuộc đảo chính thành công từ khi chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Tướng Chan-ocha đã dành phần lớn sự nghiệp ở trung đoàn bộ binh số 21 - đơn vị còn được biết tới với tên gọi đội bảo vệ của hoàng hậu. Vị tướng này đã thể hiện sự trung thành đặc biệt với hoàng hậu Sirikit, vợ của nhà vua 86 tuổi Bhumibol Adulyadej.
Reuters cho biết, hoàng gia là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm với tướng Prayuth. Năm 2012, các học giả Thái đã đánh trúng điểm nhức nhối này của vị tướng trên khi đề xuất sửa đổi luật phạm thượng ở Thái, vốn phạt tới 15 năm tù cho ai có lời lẽ xúc phạm hoàng gia.
Những người ủng hộ sửa đổi, nên sang nước ngoài mà sinh sống, tướng Prayuth nói. Ông cảnh báo các học giả đứng sau đề xuất này rằng, "nếu các vị muốn như vậy, tôi không còn lựa chọn nào khác mà phải ra tay". Đề cập một cách gián tiếp, vị tướng này nói: "Có phải các vị chào đời ở Thái Lan không?".
Tướng Chan-ocha giữ một vị trí chủ chốt trong cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006 và trở thành tổng tư lệnh lục quân hoàng gia Thái sau khi bà Yingluck, em gái ông Thaksin lên nắm quyền.
Một tòa án khiến bà Yingluck phải rời ghế Thủ tướng trong tháng này và cuộc đảo chính đã trục xuất nốt những người còn lại trong chính quyền của bà.
Tướng Prayuth nói, quân đội nắm quyền nhằm duy trì hòa bình và trật tự cũng như để giải quyết các vấn đề của đất nước. Tuy vậy, ông vẫn tỏ ra xem thường chính phủ mà ông vừa hất cẳng.
Kevin Hewison, một chuyên gia nghiên cứu về Thái, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu châu Á tại đại học Murdoch, Australia cho rằng, hành động của tướng Prayuth trong các cuộc biểu tình chống chính phủ là thiên lệch về phe chống chính phủ, bảo vệ và ủng hộ dưới lốt quân đội và trung lập.
Trước khi đảo chính, tướng Prayuth được hỏi rằng liệu ông có thông báo cho chính phủ trước khi ra tuyên bố thiết quân luật hay không, viên chỉ huy này nói: "Chính phủ hiện giờ đang ở đâu, tôi không biết. Hãy để họ làm việc. Họ nên làm việc nếu có thể. Tuy nhiên, tôi không làm phiền chính phủ. Hiện giờ, các công chức và quân đội đang làm việc vì đất nước này. Tôi không quan tâm tới những người khác".
Sự kiên nhẫn của vị tướng này đôi lúc đã bị bào mòn trước những câu hỏi của phóng viên. Khi được hỏi liệu ông có thực thi giới nghiêm, tướng Prayuth hỏi lại: "Anh muốn tôi làm như vậy?". Khi các phóng viên gợi ý rằng đó có thể là một ý tốt, tướng Prayuth trả lời: "Được, tôi sẽ áp đặt nó lên truyền thông trước. Giới nghiêm với báo chí đầu tiên".
Sau đó, tướng Prayuth áp đặt giới nghiêm từ 10h tối tới 5h sáng với tất cả mọi người.
Chào đời ở tỉnh Nakhon Ratchasima, phía đông bắc Thái, tướng Prayuth, 60 tuổi, đi theo một con đường thông thường để lên tới vị trí hiện nay. Ông theo học tại Học viện quân sự hoàng gia Chulachomklao.
Khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 sau khi bị buộc tội lạm dụng quyền lực, tham nhũng và không tôn trọng Vua Bhumibol, tướng Prayuth là phó chỉ huy lục quân khu vực bao phủ cả thủ đô.
Lúc tiến hành cuộc đảo chính hôm 22/5, tướng Prayuth Chan-ocha chỉ còn 4 tháng nữa là về hưu. Tuy nhiên, theo tờ Bangkok Post, vị tướng này và những người còn lại của Hội đồng quân sự nắm quyền sẽ ở lại lãnh đạo đất nước cho tới khi một cuộc bầu cử mới được tiến hành.
- Hoài Linh