- "Đã chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần thì phải có chuyện giàu nghèo. Không
thể có chuyện một người giàu sẽ chấp nhận đi một chiếc xe giống người nghèo, cho con
học trường bình thường đóng mức học phí tượng trưng…" - TS Hồ Thiệu
Hùng, nguyên giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM nhấn mạnh với VietNamNet về mô hình trường chất lượng cao.
Thực tế đòi hỏi giáo dục phải đột phá
- Thưa ông, vấn đề về trường chất lượng cao đang thu hút sự chú ý của dự luận. Ông có thể cho biết nguồn gốc của sự xuất hiện loại hình giáo dục trường chất lượng cao bắt đầu từ đâu?
Trước hết xin lưu ý là nền kinh tế chúng ta hiện nay có các đặc điểm là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần, hội nhập với thế giới. Những đặc điểm này luôn chi phối mạnh mẽ giáo dục.
TS Hồ Thiệu Hùng: "Không thể có chuyện một người giàu sẽ cho con học trường bình thường đóng mức học phí tượng trưng..." |
Trong nền kinh tế này khoảng cách giàu nghèo về thu nhập đang ngày càng lớn, cùng với nó là khoảng cách về đời sống, về hưởng thụ y tế, giáo dục...
Từ sau 1975, nền giáo dục trải qua rất nhiều mô hình, công lập hóa toàn bộ các trường tư để chỉ còn một loại hình trường công lập. Do một mình nhà nước lo không xuể nên phải thực hiện xã hội hóa giáo dục chuyển, đa dạng hóa các loại hình trường cùng tồn tại song song với hệ A có hệ B, sau đó thì xuất hiện hệ bán công, dân lập, tư thục, (kể cả quốc tế)…
Việc này nhằm huy động dân cùng lo với nhà nước để giáo dục phát triển về cả số lẫn chất lượng.
Nền kinh tế Việt Nam phải hội nhập với thế giới, giáo dục cũng phải phục vụ cho mục đích này, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ hội nhập với thế giới. Giáo dục hội nhập phải là nền giáo dục tiên tiến, có nội dung, phương pháp tốt, ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật. Nhưng trong điều kiện hiện nay với đầu tư kinh phí èo uột từ nhà nước và mức đóng góp hạn chế của dân, nền giáo dục nước ta chưa thể là nền giáo dục tiên tiến được.
Riêng trong lĩnh vực tài chính thì giáo dục đang vướng nghị định 49/2010/ NĐ-CP quy định học phí không quá 5% mức thu nhập của dân cư trong vùng. Điều này là vô cùng bất hợp lý khi những người nghèo thu nhập theo đầu người 1 triệu đồng/ tháng và những người giàu, người có thu nhập đầu người 1 triệu đồng/ ngày cũng phải đóng một mức học phí như nhau. Như vậy vô hình trung, trường công lập thuần túy, “truyền thống” lại đang ưu ái người giàu, một kiểu ưu ái mà chính người “giàu” cũng không ham.
Rõ ràng thực tế đang đỏi hỏi nền giáo dục phải mở đường và có sự đột phá để trở nên công bằng và tiên tiến, đủ sức hội nhập hơn.
Hiện nay trường được coi là trường chất lượng cao là trường có trang thiết bị hiện đại tiên tiến, lớp học chỉ 30 học sinh (lớp bình thường 45 học sinh), học cả ngày tại trường, đóng học phí cao hơn, do vậy trả là trả thủ lao cho giáo viên cao hơn. Nhờ vậy giáo viên làm việc tận tâm hơn, có điều kiện để chăm sóc chu đáo học sinh hơn do bớt tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” ….
Không phải thu phí cao là chất lượng cao
- Để được công nhận là trường chất lượng cao, theo ông cần có những tiêu chí nào?
Không phải trường công lập nào cũng có thể trở thành trường chất lượng cao. Không phải cứ thu học phí cao là thành chất lượng cao vì học phí cao chỉ là điều kiện cần, cần chứ chưa đủ.
Trường chất lượng caophải có tiêu chí rõ ràng về chất lượng học sinh, cam kết công khai với xã hội, có đề án phấn đấu để đạt đủ những tiêu chuẩn đã cam kết…được các nhà quản lý giáo dục dựa vào đó để công nhận trường chất lượng cao. Các nhà quản lý giáo dục hiện nay phải xây dựng và công khai các tiêu chí đó. Một trường không thực hiện nổi cam kết thì không còn được công nhận là chất lượng cao nữa.
Khi chuyển một trường thành trường chất lượng cao, cơ quản quản lý giáo dục phải thực hiện nguyên tắc “hai không”.
Một là không để trẻ em trên địa bàn thiếu chỗ học tại trường công lập, nói cách khác phải xây trường đủ số chỗ cho mọi trẻ em trong độ tuổi phổ cập bậc trung học có chỗ học.
Thứ hai không được điều giáo viên giỏi ở những trường công lập thường để tăng cường cho trường công lập chất lượng cao như kiểu trường chuyên. Các trường công lập chất lượng cao phải tự đào tạo giáo viên, tự tuyển lấy nguồn, không được “rút ruột” từ các trường khác. Do vậy không thể ồ ạt đưa một loạt trường năm trước bình thường, năm sau thành chất lượng cao.
Việc phát triển chất lượng cao phải có lộ trình đồng thời phải có quy ước rõ ràng. Chẳng hạn: Sau một số năm hoạt động, trường được công nhận là trường chất lượng cao phải:
Chuyển thành trường công lập tự thu, tự chi. Nghĩa là không nhận tiền từ ngân sách nhà nước nữa mà phải nhường hẳn phần “bánh” của mình cho các trường công lập thường.
Đảm đương nhiệm vụ trung tâm chất lượng cao, tức là có thể chuyển giao những phương pháp dạy học tiên tiến, mới, bồi dưỡng giáo viên cho các trường công lập.
Và dành một tỷ lệ % nào đó cho những học sinh nghèo học xuất sắc tại trường công lập thường qua học.
Nếu thực hiện các bước đi thận trọng, rõ ràng, thực hiện đúng nguyên tắc “2 không” kể trên thì trường chất lượng cao sẽ không gây phản cảm mà ngược lại. Trường chất lượng cao sẽ tạo điều kiện tốt cho giáo viên toàn tâm với nghề, nâng cao tay nghề, du nhập được những phương pháp tốt nhất để học sinh học tốt, được đào tạo thành nguồn nhân lực có chất lượng đủ hội nhập với thế giới.. Đó là mô hình tiên tiến mà giáo viên các trường công lập khác có thể tham quan học tập tại chỗ, không phải ra nước ngoài.
- Theo ông các mô hình giáo dục tồn tại từ trước tới nay khác mô hình chất lượng cao chỗ nào? Tại sao mô hình trường CLC đến nay mới được đặt ra nhưng vẫn còn tranh cãi?
Tất cả các mô hình giáo dục dù ra đời trước hay sau đều hướng đến mục đích đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và kinh tế. Cũng như xã hội phải chấp nhận có người giàu trước, người giàu sau, có vùng giàu trước, vùng giàu sau, giáo dục phải chấp nhận có trường tiến lên trước hội nhập trước, trường đi theo sau hội nhập sau. Đừng vì “công bằng” mà trì kéo nhau cùng nghèo, cùng lạc hậu.
Nền giáo dục nước ta đã đi mò mẫm đi qua nhiều loại hình trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Nay thực tiễn cho phép xây dựng một loại hình mới là trường chất lượng cao có thể đáp ứng được nhu cầu của một tầng lớp nhất định nào đó có điều kiện, đáp ứng được yêu cầu của việc đào tạo nhân lực cho hội nhập thế giới.
TS Hồ Thiệu Hùng: "Học phí cao chỉ là điều kiện cần, không là điều kiện đủ để có CLC.." |
Chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần thì phải có chuyện giàu nghèo
- Ý kiến tranh cãi mổ xẻ vấn đề không phải thu học phí cao là có chất lượng cao, bằng chứng là số đông học trò giỏi đậu thủ khoa khi vào đại học lại thuộc nhà nghèo, số đông học trường làng. Theo ông, nên giải thích vấn đề này như thế nào?
Tôi xin nhắc lại học phí cao chỉ là điều kiện cần, không là điều kiện đủ để có chất lượng cao...Những học sinh nghèo học ở trường làng, trường xã đóng học phí thấp, không được học trong điều kiện tốt nhưng các em nào mà thành học sinh giỏi thì phải có ý chí tự học rất cao. Những em đó đậu điểm rất cao thì không có gì khó hiểu.
Học sinh ở thành phố thường mắc bệnh yếu khả năng tự học do hay được thầy giáo “vẽ đường”, “chở” đến đáp số của bài toán. Những em này khi gặp dạng bài quen thì sẽ làm rất nhanh, kết quả tốt nhưng gặp dạng lạ thì “thua”.
Trong khi đó những em học sinh ở nông thôn không được dạy thêm sẽ tự mày mò đến tận gốc để hiểu vấn đề, nên em nào giỏi thực sự sẽ đạt được điểm cao khi thi. Một số con nhà nghèo học xuất sắc nhưng ở mặt bằng chung nếu so sánh tỷ lệ đỗ ĐH giữa học sinh nông thôn với học sinh ở thành phố thì vùng nông thôn vẫn có điểm thi thấp hơn. Chính vì vậy nên Bộ GD-ĐT mới có điểm cộng cho các khu vực khó.
- Có ý kiến cho rằng trường chất lượng cao là trường dành cho con nhà giàu, ông nghĩ thế nào?
Mình đã chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần thì phải có chuyện giàu nghèo. Không thể có chuyện một người giàu sẽ chấp nhận đi một chiếc xe giống người nghèo, cho con học trường bình thường đóng mức học phí “tượng trưng” ... Phải chấp nhận có bộ phận giàu lên trước, hưởng thụ cao hơn số đông còn lại. Cần nhớ rằng nếu trường chất lượng cao nhường phần "bánh ngân sách" cho trường công lập bình thường khác thì đó chính là cách nhà nước điều tiết thu nhập có lợi cho người nghèo.
- Ông có e ngại rằng, nhờ học ở trường chất lượng cao, đạt được trình độ hội nhập với thế giới thì học sinh nơi đây sẽ ra nước ngoài để làm việc, sinh sống, nước mình bị chảy máu chất xám hay không?
Đã chấp nhận sống trong thế giới hội nhập phải chấp nhận cuộc chơi bị “thất thoát chất xám”. Chỉ có thể hạn chế việc này bằng cách lôi kéo những người gốc Việt ở nước ngoài trở về bằng những chính sách hợp lý.
- Lê Huyền