Khu dân cư nằm trong lòng Thủ đô ấy, chỉ cách đường tàu 1,5m. Từ chuyện nấu nướng, giặt giũ đến làm ăn đều diễn ra cạnh hoặc ngay trên đường ray. Nhiều chuyện "cười ra nước mắt" đã xảy ra ở khu phố đặc biệt này...
"Xóm đường tàu" ấy là đoạn đường sắt phố Khâm Thiên - Lê Duẩn, nơi mà hai bên đường tàu là nhà cửa san sát nhau. Nhóm phóng viên chúng tôi đến thăm xóm là lúc 16h chiều. Nhiều nhà đang chuẩn bị bữa cơm chiều, có điều lạ là những việc này đều diễn ra ngay sát hoặc trong lòng đường ray tàu hỏa. Khi có còi báo hiệu tàu đến, người dân lại "tá hỏa" chạy dạt sang bên đường tránh sự nguy hiểm.
Nuôi gà... ở đường tàu
Nhiều người không biết, giữa lòng Hà Nội lại có cái xóm kỳ lạ ấy. Đó là đoạn dân cư từ phố Khâm Thiên chạy dọc sang phố Lê Duẩn, ngay trước cửa của những ngôi nhà này là tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Vì đang trong thời gian chuẩn bị bữa ăn chiều nên nhiều gia đình đã mang rau, thịt, cá... ra ngay cạnh đường tàu để chế biến. Theo quan sát của chúng tôi, với 500m đường ray chạy qua khu dân cư, nhưng có đến hơn 100 ngôi nhà kiên cố sát cạnh ở hai bên đường tàu. Và hàng ngày, người dân vẫn vô tư sống chung với những tiếng còi tàu vào ga mà không hề sợ hãi.
Ông Nguyễn Văn Hà, 60 tuổi, thợ cắt tóc ở bên cạnh đường tàu Khâm Thiên cho biết: "Tôi làm thợ cắt tóc ở đây đã 14 năm, thu nhập cũng chỉ đủ cơm rau qua ngày. Ngày bình thường, thu nhập của tôi là 60.000 - 100.000 đồng. Những ngày mưa gió, rét đậm, tôi kiếm được ít hơn, thậm chí, không đồng nào. Nhà ở ngay đường tàu nên không có địa điểm để thuê cửa hàng, đành "mượn" miếng đất trống ở đây để mở cửa hàng cắt tóc. Mưu sinh bên cạnh đường tàu như này biết là nguy hiểm nhưng "lực bất tòng tâm" nên đành chịu thôi cô ạ".
Nuôi gà... ở đường tàu
Nhiều người không biết, giữa lòng Hà Nội lại có cái xóm kỳ lạ ấy. Đó là đoạn dân cư từ phố Khâm Thiên chạy dọc sang phố Lê Duẩn, ngay trước cửa của những ngôi nhà này là tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Vì đang trong thời gian chuẩn bị bữa ăn chiều nên nhiều gia đình đã mang rau, thịt, cá... ra ngay cạnh đường tàu để chế biến. Theo quan sát của chúng tôi, với 500m đường ray chạy qua khu dân cư, nhưng có đến hơn 100 ngôi nhà kiên cố sát cạnh ở hai bên đường tàu. Và hàng ngày, người dân vẫn vô tư sống chung với những tiếng còi tàu vào ga mà không hề sợ hãi.
Ông Nguyễn Văn Hà, 60 tuổi, thợ cắt tóc ở bên cạnh đường tàu Khâm Thiên cho biết: "Tôi làm thợ cắt tóc ở đây đã 14 năm, thu nhập cũng chỉ đủ cơm rau qua ngày. Ngày bình thường, thu nhập của tôi là 60.000 - 100.000 đồng. Những ngày mưa gió, rét đậm, tôi kiếm được ít hơn, thậm chí, không đồng nào. Nhà ở ngay đường tàu nên không có địa điểm để thuê cửa hàng, đành "mượn" miếng đất trống ở đây để mở cửa hàng cắt tóc. Mưu sinh bên cạnh đường tàu như này biết là nguy hiểm nhưng "lực bất tòng tâm" nên đành chịu thôi cô ạ".
Người dân vô tư ngồi "chém gió" trên đường tàu |
Ông Hà kể, trước kia ông là nhân viên soát vé trên tàu Hà Nội - Vinh. Vì công việc nên ông thường vắng nhà. Thời bao cấp, vợ ông bị bệnh, không làm việc được, cộng với 4 đứa con nhỏ không người chăm sóc, nên ông xin về hưu theo chế độ giải quyết một lần hay còn gọi là chế độ 41. Sau đó, ông xin làm bảo vệ ở ga Hà Nội, rồi nghỉ và ra đường tàu mở quán cắt tóc. Ông bảo, "xóm đường tàu" Khâm Thiên này chủ yếu là nhà phân cho cán bộ, công nhân viên trong ngành đường sắt. Ngày xưa, ở đây chỉ là những ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè. Từ phố Khâm Thiên có thể nhìn ngang qua phố Lê Duẩn được, nhưng không hiểu sao, từ năm 2000 trở đi, các hộ dân ở đây thi nhau xây nhà, chồng tầng, lấn đất nên khoảng cách từ đường ray đến các hộ dân ngắn lại, có nơi chỉ còn khoảng 1m, rất nguy hiểm, nhất là cho các cháu nhỏ.
Chỉ sang 3 chuồng gà được "gia cố" ngay cạnh đường tàu, đối diện với quán cắt tóc của mình, ông Hà cho biết, đó là khu vực nuôi gà của gia đình bà L.H. Nhà gần đường tàu, không mở được cửa hàng nên gia đình bà H. đành... nuôi gà để tăng thu nhập. Khi nào có khách đến mua, mọi giao dịch sẽ diễn ra ngay trên đường tàu. Hồi gần tết, có lần khách đến mua gà, đang trả giá với chủ nhà thì tàu vào ga, khiến cả chủ và khách phải chạy toán loạn, khiến đàn gà kêu quang quác... Việc này đã trở thành truyện cười, giai thoại cho dân cư "xóm đường tàu" ở Thủ đô.
Thấy chúng tôi đang nói chuyện về dân cư sống quanh đường tàu, ông T.V.Q., một "thổ dân" trong "xóm đường tàu" cho biết: "Vẫn biết là sống cạnh đường tàu là nguy hiểm nhưng chúng tôi đành chịu, vì không có tiền chuyển đi nơi khác. Với lại, người khu khác đến thì thấy lạ, chứ chúng tôi thấy bình thường, đêm vẫn ngủ ngon khi tàu chạy qua. Trẻ con ở "xóm đường tàu" này cũng thế, chúng vẫn chơi ở đường tàu, nhưng khi tàu sắp chạy qua, chúng biết chạy vào nhà để không bị nguy hiểm. Ngày không nghe thấy tiếng còi tàu một lần, chúng tôi lại thấy nhớ...". Ông T.V.Q. cho biết thêm, nhiều hộ gia đình sống ở "xóm đường tàu", khi có điều kiện kinh tế, họ mua đất, nhà ở nơi khác, nhà cũ họ cơi nới thêm, xây phòng cho sinh viên, người lao động ở tỉnh xa đến thuê. Hoặc họ xây thêm phòng để bán nhà cho được giá, nhưng nhà ở đây rẻ hơn so với những lô đất quanh khu phố rất nhiều. Có nhà đã qua đến 4- 5 đời chủ và vẫn đang rao bán, nhiều gia đình có trẻ sơ sinh, liền đưa con đi "ở nhờ" nhà ngoại hoặc người quen, khi em bé "cứng cáp" mới đưa về nhà ở.
Quán cắt tóc của ông Hà ngay cạnh đường tàu |
"Chém gió"... trong lòng đường ray
Ngoài những hộ gia đình bản địa, những người ở tỉnh xa thuê nhà để ở, thì dân cư trong "xóm đường tàu" cũng gồm dân lao động nghèo. Đó là những căn nhà xập xệ, được cơi nới ngay bên đường tàu. Công việc hàng ngày của họ là đi thu mua đồng nát, ve chai để bán cho đại lý hay họ bán những mũ bảo hiểm "loại 2" cho khách đi đường. Vì thế, các gia đình ở đây vẫn kiếm được tiền để mưu sinh, thậm chí "sống khoẻ". Vì thế, nhiều năm nay, các gia đình trong "xóm đường tàu" này vẫn lầm lũi sống và mưu sinh.
Ông Hà còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện bi hài quanh cái "xóm đường tàu" này, như chuyện nếu bạn bè, người thân muốn vào xóm để thăm người nhà, sẽ phải mang xe máy đi gửi cách đó 200m. Nhiều hôm, có người bà con ở tỉnh xa về thăm người nhà ở "xóm đường tàu" Khâm Thiên, họ đến muộn, đi gửi xe lúc đó đã 23h đêm, chẳng nơi nào nhận, thế là họ hàng phải thuê nhà nghỉ để ngủ. Hôm sau, gửi được xe, họ mới vào thăm con cháu, người thân được.
Vì khoảng cách đường ray tới cửa nhà rất gần, khiến mỗi khi di chuyển mà có tàu chạy qua, dân cư ở đây phải "nép" vào tường để người khỏi bị cuốn theo quán tính của tàu. Có lần, một người bạn của gia đình ông N.Q.S. đến chơi, liền để xe máy trước cửa nhà, mặc dù đã để áp sát vào tường nhưng khi tàu chạy qua, đã gây tai nạn, xe bị cuốn vào đường ray, kéo theo hàng loạt xe máy khác bị đổ và hỏng hóc, làm cho cả khu dân cư nhốn nháo. Lần ấy, người có xe máy bị xe của người bạn ông N.Q.S. làm hỏng, họ đã bắt đền ông S. và bạn ông S. vì lý do: "Để xe bất cẩn nên bị tàu cuốn vào, kéo theo các xe nhà hàng xóm cũng bị vạ lây. Vì ban ngày, xe máy của các hộ dân được xếp dọc tường cạnh đường tàu, xe nhà nọ nối xe nhà kia...".
Điều đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận được tại đây là bất cứ khi nào không có tàu chạy qua là dân cư ở "xóm đường tàu" này lại vô tư ra ngồi trên đường ray để ... "buôn chuyện" và "chém gió". Khi nhìn thấy gia đình anh V.T.T. đang chế biến kim chi ngay cạnh đường tàu, chúng tôi hỏi: "Anh không thấy làm ở ngay đường tàu là nguy hiểm sao?". Anh V.T.T., cho biết: "Mấy chục năm qua, sống ở đường tàu, chúng tôi có phản xạ nhanh lắm. Bao nhiêu năm qua, có sao đâu, sống chết cũng có số cô ạ. Vì mưu sinh nên không làm ở đường tàu, thì không biết làm ở đâu, vì trong nhà chật lắm...".
Bác T.M., 65 tuổi ở "xóm đường tàu" cho biết: "Đường tàu chạy qua khu dân cư này đã rất lâu rồi, vì đây là đường sắt do người Pháp xây dựng. Nhiều năm trở lại đây, chúng tôi thấy, cơ quan chức năng tiến hành nhiều đợt khảo sát về đường tàu ở trong khu dân cư. Có lần, chúng tôi thấy cả kỹ sư người nước ngoài đến đo đạc, xem xét. Thế nhưng, mọi việc chỉ dừng lại ở đấy, chưa có động thái. Nếu có di dời, người dân sẵn sàng đi để đảm bảo an toàn đường sắt"...
Nhìn ngôi nhà đối diện vừa mới xây thêm tầng 3, bác T.M. nói: Sát cạnh đường sắt như thế này, xây nhà cao tầng là làm hạn chế tầm nhìn của lái tàu. Song, vì cuộc sống, vì mưu sinh, nhiều gia đình vẫn phải xây thêm tầng, nếu không thì không có chỗ ở. Dân ở "xóm đường tàu" này cũng mong mỏi Nhà nước có chính sách hỗ trợ, di dời đường sắt ra khỏi khu dân cư hoặc di dời hộ dân ra khỏi khu đường sắt để chúng tôi an tâm sống và làm việc.
Nếu có dự án di dời, chúng tôi sẽ chấp hành Ông Nguyễn Tùng, phó chủ tịch UBND phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Đường tàu nằm trong khu dân cư Khâm Thiên đã xuất hiện từ lâu, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, ban An ninh của phường thường xuyên đi tuần nhắc nhở người dân để đảm bảo an toàn đường sắt. Việc di dời khu dân cư, hay di dời đường sắt là dự án lớn của chính quyền thành phố. Nếu có chủ trương, chúng tôi sẽ chấp hành để đảm bảo cho cuộc sống của người dân và an toàn đường sắt". |
(Theo NĐT)