Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 8 – 10% nhu cầu của người đân. Những bãi đỗ xe cả xe đạp và xe máy ở nội thành luôn đông kín khách.
Địa điểm đỗ xe của công ty TNHH Bốn Mùa, nằm đối diện đường Đinh Tiên Hoàng cũng nằm trong tình trạng cung không đủ cầu, vé dành cho xe máy ở đây có giá cố định là 3.000 đồng/lượt, nhưng nhiều người dân cho hay, chẳng bao giờ họ được trả một mức giá dễ chịu như vậy.
“Rẻ thì 5.000/lượt, nhiều khi họ nói 10.000 đồng, đôi khi vui vui thì họ bảo… hết chỗ đỗ, nhưng thực tế thì vẫn còn chỗ”, anh Trịnh Vũ Long (Trích Sài, Hà Nội) cho biết.
Tại đây, tiền vé luôn được thanh toán trước khi lấy xe, do đó nếu cứ khăng khăng với giá ghi trên vé thì dễ chỉ có đường đi chỗ khác gửi, mà Hà Nội thì làm gì có chỗ nào gửi xe rẻ hơn.
Mỗi tối cuối tuần, giá vé gửi xe máy lại được đẩy lên 10.000 đồng, 15.000 đồng và 20.000 đồng/ lần. Trong khi đó, giá xe ô tô luôn trên 40.000 đồng/lượt… tuỳ vào các thời điểm, tuỳ vào việc các nhân viên trông xe quyền lực có thích hay là không.
Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, khi trò Pokemon Go trở nên phổ biến tại Việt Nam, các địa điểm trông xe tại khu vực Hồ Gươm hay trung tâm thương mại Royal City nhận lượt khách đông đột biến, giá trông xe trở nên "chát" ngay cả ban ngày và không dưới 10.000 đồng/lượt gửi xe.
Đấy là nói về các địa điểm trông xe có vé, đôi khi còn gặp trường hợp… tự nhiên mất tiền gửi xe. Anh Trọng Cảnh (Hà Đông, Hà Nội) nói, mới đây anh đỗ xe ở bãi đất trống khu vực Hoàng Minh Giám, mới đỗ được vài phút thì có người gõ kính nói: “đưa em 20.000 tiền đỗ xe, anh đỗ ở đây 15 phút rồi”, rõ ràng là vô lý mà vẫn phải... trả, do sợ bị gây phiền phức.
Trước tình trạng bị "móc túi" trong thời gian dài, nhiều người dân thủ đô có hiểu biết đang đặt câu hỏi về việc, tại sao Hà Nội không ứng dụng các biện pháp quản lý các bãi trông xe bằng những phương pháp hiện đại mà nhiều đơn vị thuộc khối tư nhân đã ứng dụng để dễ dàng quản lý và minh bạch thu chi.
Anh Nguyễn Văn Bình, một người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT thường xuyên có mặt tại khu vực phố cổ để uống bia với bạn bè cho biết, trong những tối thứ 6, chưa bao giờ anh gửi xe máy mà mất phí dưới 15.000 đồng/lần, số tiền chênh lệch chắc chắn không thể vào thuế của nhà nước, anh bức xúc: "Tôi tin là họ (chính quyền) chẳng muốn minh bạch, vì nếu họ muốn bắt quả tang thì đóng giả người dân là bắt được các bãi xe thu quá phí ngay, hoặc nếu tốt hơn thì trang bị các bốt điện tử, quẹt thẻ thay vì ghi vé, có camera, hệ thống máy tính theo dõi thì muốn ăn gian cũng khó".
Một hệ thống quản lý xe điện tử sẽ có nhiều ưu điểm như tiết kiệm nhân lực, thời gian kiểm tra, ghi số và xé vé xe, đồng thời tăng mức độ an ninh lên rất nhiều, do khi xe qua trạm, camera sẽ chụp lại toàn bộ xe và người đi cùng.
Thực tế cho thấy, ngay cả những người dân ít tiếp xúc với công nghệ cũng dễ dàng chấp nhận hình thức gửi xe bằng thẻ điện tử mới.
Chỉ cần quan sát các điểm trông xe ứng dụng công nghệ quản lý, ghi vé bằng hệ thống điện tử như Trung tâm thương mại Vincom, Aeon Mall, có thể thấy từ thanh niên cho đến trung niên và những người già khi gửi xe và cầm thẻ điện tử đều không bày tỏ bất cứ khó khăn nào.
Chẳng hạn, bác Nguyễn Văn Tiến (62 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) là một người ít tiếp xúc với các thiết bị điện tử, nhưng mỗi lần gửi xe để đi mua sắm tại Aeon Mall hay Big C, bác cũng chỉ cần làm như mọi người, gửi xe, đi qua trạm điện tử nơi có nhân viên trông giữ xe ngồi, dừng xe lại 1 - 2 giây như người ta bảo để hệ thống nhận dạng, sau đó bác nhận thẻ điện tử, giữ kỹ nó và khi lấy xe, lại đi qua trạm quản lý, trả thẻ, gửi tiền là xong, bác không có ý niệm nào về sự khó khăn khi là người sử dụng dịch vụ này. Bác cũng đưa ra thắc mắc, tại sao các bãi gửi xe quanh khu vực trung tâm Hà Nội không làm vậy, để người dân được nhờ.
Có một vài trường hợp, khi người nước ngoài gửi xe tại các bãi đỗ xe ở Hà Nội, họ cương quyết trả tiền đúng như trên vé ghi và xảy ra cãi cọ, chị Lê Ngà, một phiên dịch viên tại Hà Nội cho biết, bạn của chị đến từ Mỹ từng suýt bị đánh vì chỉ đồng ý trả 3000 đồng cho một lượt gửi xe gần hồ Gươm, nhưng nhân viên trông xe lại đòi 10.000 đồng.
Phó Trưởng phòng Giao thông Đô Thị Sở GTVT Hà Nội, ông Phạm Thanh Tùng cho biết, hiện Hà Nội mới đang xây dựng quy hoạch mới về các điểm đỗ xe tĩnh trên địa bàn Hà Nội, trong đó có chủ trương ứng dụng CNTT vào việc quản lý, việc này do Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành thực hiện.
Hiện, Việt Nam đang nỗ lực phát triển Chính phủ điện tử, với nhiều nghị quyết đã ban hành để phục vụ chủ trương này. Trong đó 3 thành tố quan trọng là dịch vụ công, tiếp cận thông tin và tương tác với người dân. Hà Nội là thủ đô, bộ mặt của cả nước, nhưng vẫn còn nhiều điểm lạc hậu hậu cần thay đổi.
Theo quyết định số 69/2014/QĐ-UBND phí trông giữ xe máy 3.000 đồng/lượt ban ngày, 5.000 đồng/lượt ban đêm, 7.000 đồng/lượt cả ngày và đêm và 70.000 đồng/xe theo tháng.
Đối với phí trông giữ xe ô tô, quy định 1 lượt không quá 120 phút, quá thời gian 120 phút thu thêm các lượt tiếp theo, gửi xe qua đêm tính 3 lượt.
Loại xe đến dưới 10 chỗ và xe tải từ 2 tấn trở xuống, mức phí từ 20.000 - 40.000 đồng/ lượt tuỳ tuyến phố.
Loại xe từ 10 ghế ngồi trở lên và các xe tải trên 2 tấn, mức phí từ 25.000 đồng – đến 50.000/ lượt. tuỳ theo tuyến phố.