Hành động công khai cuối cùng của Silvio Berlusconi trên cương vị Thủ tướng
Italia là đi xe qua một đám đông người biểu tình đang hét lên những từ như "trò
hề" và "nỗi nhục" nhằm vào ông.
TIN BÀI LIÊN QUAN
>>"Đế chế" của Berlusconi sắp tàn
Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Italia, Mario Monti,
sau một cuộc gặp với Tổng thống Giorgio Napolitano ở Dinh Quirinale, Rome, ngày
13/11. (Ảnh: Reuters) |
Các đoạn đường bên ngoài Dinh Tổng thống rung chuyển bởi những người biểu tình hò hét, vẫy quốc kỳ Italia và bật champagne khi ông trùm truyền thông 75 tuổi tới gặp Tổng thống để đệ đơn từ chức. Ở một góc, một nhóm đồng ca hát bài "Hallelujah" với sự hỗ trợ của một ban nhạc ngẫu hứng. Ở góc khác, những người mừng vui đứng thành một hàng uốn khúc. Xe cộ rú còi inh ỏi.
Đêm qua, để tránh bị tấn công, Berlusconi - một chính trị gia thích nổi trội - đã buộc phải rời đi bằng cửa phụ.
Phung phí, kiêu ngạo và dính đến nhiều bê bối, Berlusconi được thay thế bởi một người không thể khác biệt hơn. Mario Monti, 68 tuổi, là một nhà kinh tế tân tự do và là một cựu ủy viên hội đồng của Liên minh châu Âu. Ông là một nhà kỹ trị có tiếng, điềm tĩnh, lịch thiệp, thậm chí hơi tẻ nhạt.
"Đây là người khác Berlusconi nhất mà bạn có thể nghĩ tới", trích lời Beppe Severgnini, tác giả của cuốn sách Mamma Mia!: Berlusconi's Italy Explained to Posterity and Friends Abroad. "Ông ấy giống như nước sạch sau khi bạn đã uống quá nhiều".
Đối với nhiều người ở Italia, Monti chỉ là một người dọn dẹp sau những gì mà họ xem là hai thập niên uổng phí, những năm mà sự quản lý kinh tế yếu kém đã khiến cho nợ công tăng cao ngay cả khi tăng trưởng sụt giảm.
"Berlusconi, một cách liều mạng, cần được yêu mến bởi các cử tri, bởi tất cả mọi người", Severgnini nhận xét. "Để được nổi tiếng, ông ấy sẵn sàng làm tất cả, để đẩy kiểu của mình lên các mức tín nhiệm cao. Trong bối cảnh tài chính hiện nay, đó là cách dẫn tới thảm họa".
Monti, hoàn toàn trái ngược, gần như là một người chống chính trị gia. Các hành xử điềm tĩnh của ông ấy, sự tinh thông về hệ thống ngân hàng toàn cầu, và sự độc lập khỏi đấu trường chính trị hỗn loạn của Italia được cho là sẽ xoa dịu các thị trường trái phiếu bất ổn. Là một Cao ủy châu Âu, Monti có biệt danh Siêu Mario nhờ đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
Vào một thời điểm mà các cử tri Italia vỡ mộng về các chính trị gia ở đất nước họ, Monti được xem là một kiểu người ngoài cuộc, đến từ Liên minh châu Âu. Báo La Repubblica theo phái tả ở Italia ca ngợi các phẩm chất "Anglo Saxon" của ông, và Ngoại trưởng Franco Frattini của Berlusconi đã tán dương "công việc nặng nhọc" của ông ở Brussels - hai kiểu phẩm chất dường như trái ngược với những ưu điểm "Italia" truyền thống.
Tuy nhiên, Mondi đứng trước một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Theo dự kiến, cuộc bầu cử tiếp theo của Italia sẽ diễn ra vào năm 2013. Do vậy, Monti và nội các của ông sẽ có khoảng 18 tháng để thực hiện các cải cách về tiền lương, luật lao động và khu vực công mà các thị trường và các đối tác châu Âu của Italia đòi hỏi.
Nhiều người Italia bi quan rằng những vấn đề nội tại của Italia quá lớn để một chính phủ mới có thể tạo ra sự khác biệt nhanh chóng và đáng kể.
Thanh Hảo (Theo TIME, Reuters)