17 tuổi, Đinh Thị Nụ có một vẻ đẹp “chim sa cá lặn” nên được Tri châu Đàm Quang Vinh chọn đi thi “hoa hậu xứ Mường” do người Pháp tổ chức tại châu Lương Sơn (nay là huyện Lương Sơn, Hòa Bình) năm 1942.

Với “làn da trắng như tuyết, mái tóc óng mượt như nhung huyền”, bà đã vượt qua hàng chục người đẹp để đăng quang ngôi hoa hậu trong cuộc thi năm ấy. Bí kíp làm đẹp của bà đến nay vẫn được hậu duệ đời thứ 3 lưu giữ.

Bí kíp làm đẹp từ cây rừng

Về xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình - nơi sinh ra Hoa hậu xứ Mường Đinh Thị Nụ - chúng tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Toản - 76 tuổi, cách ngôi nhà xưa mà hoa hậu Đinh Thị Nụ sinh ra và lớn lên đúng 5 nóc nhà. 

Bà Toản là người cháu duy nhất còn lưu giữ những bí kíp làm đẹp của hoa hậu xứ Mường từ những loại thảo dược trên núi.

Mảnh đất rộng tới hàng nghìn mét vuông xung quanh nhà bà Toản trồng kín cây dược liệu, từ bờ giậu cho đến ven tường, giống như một vườn thuốc nam thu nhỏ. 

Mỗi loại cây đều có công dụng nhất định, loại thì dùng để xông tắm, loại để uống... Bà Toản cho biết: “Thời gian bà Nụ về quê sinh sống, tôi là người thường xuyên bên bà cho đến những ngày cuối đời.

{keywords}
Bà Đinh Thị Toản bên các loại cây thuốc nam.

Ngoài việc ăn uống, sinh hoạt, bà cũng chỉ cho con cháu những loại cây mà bà vẫn thường dùng để đun nước tắm, gội đầu và cả những bài thuốc chữa bệnh. Sau khi bà mất, đến nay tôi vẫn thường dùng các loại cây này cho mình và con cháu trong nhà dùng.

Các cháu từ bé đến lớn chẳng bao giờ có rôm sẩy, mụn nhọt, làn da lúc nào cũng hồng hào, khỏe mạnh”. Bà Toản cho biết thêm, thường thì bà chỉ lấy cho con cháu trong nhà, thỉnh thoảng mọi người trong xóm nhờ bà lấy giúp, có người ở nơi khác nghe tin cũng tìm đến, chứ bà không bao giờ làm thuốc để bán.

Khó khăn lắm chúng tôi mới được bà giới thiệu về những loại cây bà hay lấy cho mọi người trong gia đình dùng. Với cách chữa mụn trên mặt thì đơn giản: Lấy cây to tét (tên tiếng Mường) đang trồng trong vườn, rửa sạch đun nước rửa mặt nhiều là khỏi.

Còn những cô gái muốn có làn da trắng đẹp thì dùng lá cây đen chi liếc và oạp tam mây. Đen chi liếc là cây thân gỗ sống ở núi đá cao, không khí lạnh hơn vùng xung quanh, lá xanh đậm, da sần sùi, có mùi thơm và thường sống ở rừng già nguyên sinh. Oạp tam mây là loại cây dây màu trắng muốt, sống bám vào đá, không có mùi thơm.

Hai giống cây này sống gần nhau, khi kết hợp làm vị thuốc tắm sẽ tẩy được những độc tố có trong da, khi dùng uống nước thì sẽ giúp thải loại những chất độc có hại cho da ra ngoài. Bài thuốc này phải kết hợp cả tắm và uống, nếu chỉ tắm hoặc chỉ uống nước thì không có tác dụng.

Tắm vào buổi tối là có hiệu quả cao nhất, chỉ sau 5-10 lần tắm thì da phụ nữ giảm dần chất độc hại, chuyển sang trắng mịn như da trẻ con. Ngoài ra, dùng cây hăn lá nhỏ như lá xấu hổ, dây leo mọc trên núi đá, rửa sạch đun lấy nước tắm và gội đầu. Chỉ cần tắm vài ngày liên tục là thấy tóc trơn bóng, da dẻ mịn màng.

Trước đây, những cây này còn dễ kiếm, nhưng giờ ngày càng khó tìm. Bà thì tuổi cũng đã cao nên không thể băng rừng, vượt suối để lấy. Vì thế, từ lâu, bà đã đem về trồng trong vườn và lưu giữ được nhiều cây dược liệu quý mà có lẽ trên rừng có tìm cũng khó thấy.

Giai thoại về sắc đẹp của hoa hậu xứ Mường

Trong lúc trò chuyện, bà Toản đã không ít lần nhắc đến “hoa hậu xứ Mường” như một niềm tự hào của gia đình, dòng họ Đinh Công. Theo lời bà kể thì Hoa hậu Đinh Thị Nụ sinh năm 1925 trong một gia đình quyền thế quan lang họ Đinh Công.

Thân sinh là ông Đinh Công Chung - em trai của Tuần phủ Hòa Bình Đinh Công Thịnh, chú ruột của quan án sát Đinh Công Huy. Mẹ là Bạch Thị Chuổi người vùng Kim Bôi. Hai ông bà sinh được 3 người con - 1 trai, 2 gái.

Người chị gái đầu cũng là một “người đẹp” từng tham gia đội xòe của quan án sát Đinh Công Huy về Hà Nội biểu diễn nhân dịp Vua Bảo Đại vi hành miền Bắc.

Từ nhỏ bà Nụ đã được học hành tử tế ở trường huyện. Năm 17 tuổi, bà đẹp nức tiếng nên được Tri châu Đàm Quang Vinh chọn đi thi cuộc thi hoa hậu cuối cùng tổ chức ở xứ Mường năm 1942. Vượt qua hàng chục người đẹp, bà đã đăng quang ngôi hoa hậu.

Về nhan sắc của bà, đến nay vẫn còn những giai thoại được kể lại. Thuở con gái, bà đi đến đâu hương thơm của hoa quế bay đến đó. Làn tóc óng mượt được gội bằng bồ kết và lá rừng của bà luôn được kết một cách khéo léo trên đầu.

Nhóm thanh niên Mường Cời thường quanh quẩn những chỗ bà lui tới để được ngắm vẻ đẹp của bà. 

Sau khi bà giành được ngôi hoa hậu xứ Mường, nhiều vị chức sắc, công tử con nhà giàu thời bấy giờ đến cầu hôn, nhà ông Đinh Công Chung lúc nào cũng có xe hơi đỗ ở cổng. Có những vị công tử còn ăn ngủ hàng năm trời ở gần nhà bà chỉ để chinh phục cho được hoa hậu xứ Mường.

Trong đó có một ông lục sứ của tỉnh Hòa Bình (giống như thư ký của chủ tịch tỉnh bây giờ) tên là Huyền, thường gọi là ông Lục Huyền, người Chương Mỹ (Hà Nội) yêu “hoa hậu xứ Mường” đến mức si mê, song chỉ là tình yêu đơn phương.

Để theo đuổi được người đẹp, ông đã không tiếc công sức ngày trên tỉnh, tối về Mường Cời trong mấy năm liền. Ngay cả khi bà Nụ lấy chồng, ông cũng đi theo, lúc làm nghề thuốc nam, lúc lại chuyển sang Tây y. Đến cuối đời ông vẫn không lập gia đình, bởi ông đã thề rằng “nếu cuộc đời này không lấy được Đinh Thị Nụ thì cũng sẽ không lấy ai”.

Trong chiến tranh chống Pháp, Ngân hàng Trung ương ở Hà Nội sơ tán lên Hòa Bình và chọn nhà ông Đinh Công Chung làm nơi đặt trụ sở. Một cán bộ ngành ngân hàng lúc đó đã say mê vẻ đẹp của bà nên đã lấy bà làm thứ, dù biết bà đã qua 2 lần đò.

Hòa bình lập lại, bà theo chồng về Hà Nội sinh sống, rồi làm tại Công ty May 10 gần 20 năm. Cả 3 lần lấy chồng, bà đều không có con cái. Phải chăng đó cũng là nỗi truân chuyên, lận đận của người đẹp xứ Mường ứng với câu “hồng nhan bạc phận”. Khi chồng mất, bà nghỉ hưu rồi trở về quê hương xóm Cời sinh sống cho đến những ngày cuối đời.

Nói về hoa hậu xứ Mường, bà Đinh Thị Toản vẫn còn nhớ như in: “Bà ấy là người sạch sẽ, gọn gàng và khó tính lắm. Tuy nhiên, đối với các cháu và người trong làng thì rất tình cảm, yêu quý. Tôi nhớ có lần ra Hà Nội đến chỗ bà chơi, vốn là người nông thôn nên thường xuyên bị mắng.

Nhưng lúc về bà lại mua cho bao nhiêu thứ, bà bảo “mang về làm quà, ở quê mua những thứ này khó lắm”. Lần nào lên thăm chúng tôi cũng mang cho bà những sản vật ở quê. Thứ bà thích nhất là những loại lá rừng dùng để đun nước tắm, bà bảo: Tao đẹp cũng nhờ những cây ở núi rừng này đấy”.

Ông Hoàng Văn Tần - Chủ tịch UBND xã Tân Vinh - cho biết: “Mường Cời (nay là xóm Cời) được biết đến với dòng họ quan lang Đinh Công đã có công giúp đỡ cách mạng trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. 

Ông Đinh Công Huy đã từng được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Người dân địa phương cũng tự hào vì đây là nơi sinh ra “hoa hậu xứ Mường” Đinh Thị Nụ.

Bí kíp làm đẹp của hoa hậu ngày xưa truyền lại thì không ai dám chắc, nhưng phụ nữ ở đây không có thói quen dùng các loại mỹ phẩm, dầu gội đầu mà da dẻ họ lúc nào cũng khỏe khoắn, hồng hào và đẹp một cách tự nhiên”.

(Theo Lao động)