Thời gian gần đây, cơ quan CA liên tục triệt phá những đường dây mại dâm cao cấp, giá hàng ngàn USD. Trong những đường dây này có nhiều sinh viên, diễn viên, người mẫu, khiến dư luận xã hội xôn xao. Vậy xử lý vấn đề mại dâm nói chung cần có giải pháp gì?
Mỹ Xuân: Từ hoa hậu đến tú bà mại dâm 2.500 đô
Phá đường dây mại dâm hoa khôi giá 2.500 đô
Thượng tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CA Hà Nội: Cần xem xét xử lý hình sự
Nếu như trước đây, những đối tượng sa chân vào con đường mại dâm, thường thành phần là những cô gái có văn hóa thấp, hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bế tắc, hoặc lười lao động, thì qua những vụ bắt mại dâm vừa qua cho thấy, gái bán dâm có sự thay đổi. Hiện nay, tư duy của xã hội nhìn nhận về vấn đề mại dâm đã khác.
Quan niệm về đạo đức không còn nặng nề như trước đây. Chính sự cởi mở đó, nhiều cô gái không ngần ngại kiếm tiền từ con đường này. Nói như người mẫu Hồng Hà thì: “Em cũng chỉ định làm một thời gian khi nào mua được nhà, xe ôtô sẽ dừng lại”.
Người mẫu kiêm má mì Mỹ Xuân. |
Đối với những cô gái là diễn viên, người mẫu họ có thế mạnh về nhan sắc. Môi trường hoạt động của họ phóng khoáng, nên những đối tượng môi giới đã lợi dụng triệt để, để chăn dắt. Bản thân họ cũng lợi dụng thế mạnh của mình để kiếm tiền một cách nhanh chóng. Nếu hiện nay vẫn nhìn nhận gái mại dâm là nạn nhân xem ra không phù hợp. Trong điều kiện xã hội hiện nay, khó có thể nói là đói nên đi làm mại dâm.
Cơ quan CA muốn bắt được những vụ mại dâm là không hề đơn giản, bởi hoạt động này ngày càng tinh vi. Các đối tượng môi giới, tổ chức mại dâm thường không lộ diện. Chính vì thế, cơ quan CA phải theo dõi trong thời gian dài mới đủ bằng chứng để bắt. Thế nhưng việc xử lý như hiện nay phạt xong lại thả, nên truy quét mại dâm chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. Nếu coi mại dâm là tệ nạn và cấm, thì cần phải có chế tài nghiêm khắc tương xứng.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp: Phải giải quyết bằng chế tài kinh tế
Việc giải quyết tệ nạn mại dâm không phải là tiếp tục đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở giáo dục. Quan trọng là tạo công ăn việc làm cho những đối tượng này. Thực tế cho thấy, việc đưa đối tượng bán dâm vào các trung tâm chữa bệnh không hiệu quả.
Các trung tâm đó chỉ là nơi đưa đối tượng bán dâm vào để cách ly họ với xã hội, để họ không hành nghề được thôi. Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
Đối với các đối tượng bán dâm là người mẫu, hoa hậu, diễn viên... là số rất ít so với phần đông những người phải hành nghề mại dâm và thực tế rất ít khi người mẫu, hoa hậu, diễn viên bán dâm bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Những đối tượng này là ngoại lệ, mà làm luật không vì cái ngoại lệ mà duy trì những biện pháp chế tài không còn phù hợp.
Về việc cần tập trung đối tượng mại dâm lại để chữa bệnh, tránh lây lan cho xã hội, theo pháp luật hiện hành thì chỉ một số bệnh phải bắt buộc chữa, những bệnh này rất ít, không phải bệnh nào cũng phải bắt buộc chữa. Trong khi bệnh AIDS rất nguy hiểm thì không chữa được, chả lẽ giam giữ người ta cả đời. Để giữ đối tượng bán dâm lại chờ xác định bệnh tật cũng là cả một vấn đề, tạm giữ người không phải là vấn đề đơn giản.
Chữa bệnh thì ai là người theo dõi chữa cho họ, tiền đâu ra? Điều này lại tạo ra sự không công bằng, vì trong khi có rất nhiều người nghèo bị bệnh tật còn phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh, thì Nhà nước lại bỏ tiền ra chữa bệnh cho đối tượng mại dâm. Điều này có phải là vô lý không? Các đối tượng bán dâm phần lớn là vì lý do kinh tế, vậy dùng ngay biện pháp kinh tế để hạn chế họ. Tức là xử phạt hành chính thật nặng để họ cân nhắc khi định bán dâm.
Đối với các đối tượng bán dâm thường xuyên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh nhằm giáo dục thông qua lao động hướng nghiệp và dạy nghề kết hợp chữa bệnh phục hồi sức khoẻ tâm lý trong những năm qua tại các cơ sở chữa bệnh tỏ ra kém hiệu quả. Từ những lý do nêu trên, hội đồng thẩm định Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính cho rằng, để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống luật pháp trong việc xử lý đối với hành vi sử dụng chất ma túy cũng như bảo đảm tính hiệu quả của công tác giáo dục, hoàn lương đối với đối tượng gái mại dâm, cần bỏ biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc bỏ biện pháp này trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có nghĩa rằng Nhà nước không coi biện pháp này là một chế tài hành chính. Trên thực tế, biện pháp bắt buộc chữa bệnh vẫn tồn tại, nhưng trình tự, thủ tục áp dụng sẽ do văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Vì vậy, việc bỏ các quy định về biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh sẽ không ảnh hưởng gì đối với công tác cai nghiện và đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma tuý hiện nay”. (Trích “Báo cáo thẩm định Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính” của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp). |
(Theo Lao động)