Video: Bà Bình chia sẻ kỷ niệm với Thương:

Sáng chủ nhật, cánh cổng đã cũ của một căn nhà cấp 4 ở xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên, khóa trái. Người thuê căn nhà này là bà Đặng Thị Bình, 64 tuổi.

Những người hàng xóm cho biết, bà Bình đang làm giúp việc cho một gia đình ở gần đó. Vào 3 ngày cố định trong tuần, bà còn đi nhặt phế liệu để kiếm thêm tiền lo cho bản thân và người cháu gái không máu mủ ruột thịt mà bà nuôi nấng từ 16 năm trước - Hoàng Huyền Thương.

Câu chuyện của 16 năm trước 

Bà Đặng Thị Bình gặp Thương vào năm 2003 lúc Thương là cô bé 5 tháng tuổi đang nằm trên tay mẹ.

‘Chồng mất sớm, tôi phải trải qua nhiều công việc để nuôi 2 con gái khôn lớn. Năm 2000, tôi lên nhà con gái ở Long Biên, Hà Nội trông cháu ngoại.

{keywords}
Căn nhà nơi bà Đặng Thị Bình đang thuê trọ

Năm 2003, cháu ngoại đi học mẫu giáo, tôi nhận thêm việc trông trẻ cho các gia đình xung quanh. Mỗi đứa trẻ tôi trông từ sáng đến tối với giá 350 nghìn/tháng. Một ngày, mẹ Thương xuất hiện…’, bà kể lại.

Mẹ của Thương theo trí nhớ bà Bình là một người phụ nữ trẻ, xinh đẹp quê ở Quảng Ninh. Chị thuê trọ gần khu vực bà đang sinh sống.

Khác với những người phụ nữ khác, chị gửi con cả ngày lẫn đêm với giá 1 triệu đồng/tháng.

‘Lúc đưa Thương đến, cô ấy đi cùng một người đàn ông trên chiếc xe ô tô sang trọng. Cô ấy thường sang thăm con, mua sữa, hoa quả cho cháu rất chu đáo’, bà Bình nhớ lại. Vì vậy khi bị mất liên lạc, bà không nghĩ người mẹ đã bỏ Thương mà chỉ là chị có lý do riêng nên chưa thể đón con.

Tháng 2/2005, khi Thương được 17 tháng, bà Bình mất liên lạc với mẹ cô bé. Bà kể: ‘Ngày 20 tháng Giêng (âm lịch) năm đó, tôi gọi điện cô ấy vẫn nghe máy. 22 tháng Giêng, cô ấy cắt liên lạc.

Trước đó, cô ấy cũng có những dấu hiệu lạ như xin khất tiền trông cháu và mượn tôi thêm 1 triệu đồng nói là có việc gấp cần giải quyết’.

Bà Bình đến chỗ mẹ Thương trọ để tìm, tuy nhiên người phụ nữ này đã dọn đi.

{keywords}
Bà Đặng Thị Bình

'Tôi nuôi con bé từ đó đến giờ…', bà Bình nhớ lại. Bà Bình nhận trông thêm các bé khác để có thêm tiền nuôi Thương. Ngày trông trẻ, tối tranh thủ lúc cô bé ngủ, bà ra đường, đến góc phố nhặt phế liệu.

‘Năm 2005, Thương lên 3 tuổi, tôi cho cháu đi học mẫu giáo. Thời gian ở nhà, tôi tiếp tục nhận trông các bé khác, nhờ thế bà cháu tôi có thể sống qua ngày’, bà tiếp tục chia sẻ.

Biết hoàn cảnh của hai bà cháu, nhiều người cũng đã chung tay giúp họ. ‘Có chị hàng thịt ở đầu ngõ, năm đó, thường cho tôi thêm tí bì, tí mỡ thừa. Tôi mang về, rán lên nấu cho Thương bát canh… May mắn, nó là đứa trẻ khỏe mạnh, ít ốm đau’, bà Bình nói khi đôi mắt đã bắt đầu ướt.

Dù thu nhập chỉ trông chờ vào việc trông trẻ ban ngày và nhặt phế liệu vào buổi đêm nhưng người phụ nữ ấy không muốn để cho đứa trẻ sống cùng mình thiệt thòi.

{keywords}
Giấy khai sinh và hình ảnh của Thương ngày bé được bà Bình giữ cẩn thận

‘Mỗi khi có tiền, tôi mua thêm sữa cho cháu uống. Khi cháu đi học, có các hoạt động như tham quan, dã ngoại phải đóng thêm tiền, tôi vẫn cố cho cháu đi. Tôi muốn cháu được hòa đồng, được phát triển như những đứa trẻ bình thường khác’, người phụ nữ sinh năm 1955 nói.

Cứ thế, một già một trẻ, họ nương tựa vào nhau trong căn nhà trọ ở quận Long Biên.

‘Tôi vẫn hy vọng một ngày mẹ Thương về đón con cho cháu có mẹ, có con nhưng không thấy. Cũng bởi thế, nhiều cặp vô sinh, hiếm muộn đến đặt vấn đề xin cháu làm con nuôi nhưng tôi từ chối. Tôi sợ sau này, mẹ cháu tìm lại tôi biết ăn nói sao? Và cũng bởi, tôi đã thương nó mất rồi’, người phụ nữ quê Hưng Yên nói.

'Khi tôi nhắm mắt...' 

Thời gian sau đó, bà Bình không dám chuyển chỗ trọ vì sợ sau này mẹ Thương quay lại tìm con. Năm Thương học lớp 1, nghe thông tin mẹ cô bé đang ở Bắc Ninh, bà Bình đưa cháu đến nơi tìm mẹ cho cô bé.

Tuy nhiên, 2 lần chúng tôi đều thất vọng trở về. Lần thứ 2 về nhà, trong lúc con gái thứ 2 của tôi (chị Nhài) tắm cho Thương, cô bé nói: ‘Dì ơi, hôm nay bà lại đi tìm mẹ cho con nhưng không được. Từ giờ dì cho con gọi dì là mẹ nhé’.

Từ ngày đó, cô bé nhận con gái và con rể của bà Bình là bố mẹ nuôi. Bà Bình cũng từ bỏ ý định tìm mẹ cho Thương.

{keywords}
Bà Bình và Thương ngày bé

Năm 2012, bà Bình cùng Thương trở về quê ở Hưng Yên sinh sống. Hiện, cô bé Hoàng Huyền Thương đang là học sinh lớp 10 ở một trường trường THPT của quận Long Biên.

Hằng ngày, Thương ra bến xe buýt bắt xe đi học, chiều tối em lại về nhà với bà. ‘Tôi buộc con bé phải đi xe buýt chứ không đi xe đạp điện như nhiều bạn khác. Tôi sợ cháu không an toàn’, bà nói.

Mỗi tháng bà Bình đi làm thuê được 3,5 triệu đồng. Hai bà cháu đang thuê trọ ở một nhà tại huyện Văn Lâm. Bà có 2 con gái đã lập gia đình. Họ đều hỗ trợ bà nuôi Thương khôn lớn.

Bà Bình kể: ‘Cháu Thương là người sống tình cảm. Một lần, cháu nói với tôi: ‘Sau này con lớn lên, đi làm có tiền, bà cháu mình đi du lịch. Khi đấy, cháu nấu gì bà đều ăn hết nhé và cũng đừng ăn trước nhé'.

Trước đây, nấu món gì, tôi đều bảo là 'Bà ăn rồi' để nhường cháu ăn. Thương hiểu điều đó nên khi lớn lên cô bé muốn chăm sóc và bù đắp cho bà'.

Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Bình nói rằng, nếu ngày nào đó mẹ Thương quay lại nhận con và có thể lo cho Thương cuộc sống ổn định, bà sẽ để cho Thương tự quyết định.

‘Điều tôi lo lắng chỉ là cháu đang ngày một lớn lên, còn tôi thì già đi, tôi không còn có thể đi cạnh cháu mãi… Tôi mong, khi mình nhắm mắt xuôi tay, Thương đã có cuộc sống ổn định, lập gia đình và sống một cuộc đời đầy đủ, hạnh phúc’, bà nói.

Triệu phú phát hiện 20 năm ‘nuôi con tu hú’ sau xét nghiệm ADN

Triệu phú phát hiện 20 năm ‘nuôi con tu hú’ sau xét nghiệm ADN

Một triệu phú đã không tin nổi khi phát hiện 3 đứa con ông dành tất cả công sức, tình cảm để nuôi nấng không phải là con ruột.

Ngọc Trang - Diệu Bình