Những câu nói với con vô tình của cha mẹ lúc tức giận có thể gây ra ảnh hưởng không tốt tới tâm lý và sự phát triển của con mà nhiều khi chúng ta không ý thức được.
Phải làm sao để diễn đạt cảm xúc của bạn có thể là thất vọng, tức giận mà không làm tổn thương người nghe là điều không dễ dàng. Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, dù trong tình huống nào bố mẹ cũng không bao giờ nói với con 3 câu dưới đây. Thay vào đó, có những lựa chọn khác để giúp con thay đổi thái độ và nhận ra sai sót mà không làm chúng cảm thấy xấu hổ, sợ hãi hay tội lỗi.
1. “Con làm bố/mẹ không chịu nổi!”
Thay vì nhấn mạnh vào sai sót của trẻ, hãy nói “Bố/mẹ không thích con làm như vậy”. Thể hiện sự giận dữ chỉ khiến tình huống tồi tệ hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ của cha mẹ với con sau này. Bạn cần giải thích cho con biết tại sao cư xử như vậy là không tốt và nên làm gì để thay đổi. Giúp con hiểu được rằng hành động của chúng “làm bạn phiền lòng” nhưng không được để con cảm thấy chúng là người chịu trách nhiệm cho trạng thái tinh thần và cảm xúc của bạn. Những trẻ như vậy thường lớn lên với biểu hiện thiếu tự tin và hay nóng giận.
Cần một chút kiên nhẫn và thấu hiểu khi con bướng bỉnh, không nghe lời |
2. “Con nghĩ gì mà làm như vậy?”
Câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ về bản thân, và khi lớn lên, chúng tiếp tục nghi ngờ khả năng của mình. Câu nói đó tập trung vào lỗi lầm hơn là xem xét hoàn cảnh khiến trẻ làm việc đó và các yếu tố khác như tâm trạng, kỳ vọng của bố mẹ có thể khiến đánh giá thiếu khách quan.
Ví dụ: khi bước vào phòng ngủ và thấy cô con gái 5 tuổi đang cắt chiếc áo yêu thích của mình, bạn có thể quát lên “Ai cho con làm vậy”. Hãy kiềm chế cảm xúc và nhớ rằng, dù trong tình huống nào, hành động của trẻ đôi khi chỉ là muốn gây sự chú ý của cha mẹ hoặc đơn thuần chỉ là sự “sáng tạo” của trẻ con mà thôi.
Phản ứng của bạn khiến trẻ cảm thấy cha mẹ chỉ chú ý vào sai sót của chúng chứ không chỉ cho chúng cách sửa đổi. Và đó chính là “công thức” để nuôi dạy một đứa trẻ không hạnh phúc.
Thay vì thế, hãy đi thẳng vào vấn đề như “Bố/mẹ không thích khi con làm như thế….” để giúp trẻ nhận ra bản chất sự việc và cách sữa chữa sai lầm.
Chúng ta nên dạy con hiểu rằng, cách cư xử thực ra là một sự lựa chọn và chúng ta có thể học cách ra quyết định đúng đắn |
3. “Hãy làm thế này… hoặc thế này!”
Câu nói này chỉ khiến trẻ thay đổi cách cư xử vì cảm giác sợ hãi (cha mẹ mắng, phạt…), và hậu quả là hướng trẻ tới cách giải quyết vấn đề bằng sự ép buộc hay đe dọa. Cách tốt hơn trong tình huống này là câu nói “Khi con làm như vậy…, bố/mẹ cảm thấy…”. Như thế bạn đã cho con cơ hội để hiểu cảm giác của mẹ cũng như hiểu rõ hơn về thái độ và cách cư xử của mình.
Điểm chung của ba câu nói trên là bạn tập trung sự chú ý của mình vào con, chứ không phải hành động nhất thời của con. Trong nhiều tình huống, vấn đề chỉ nằm ở một câu nói hay hành động nào đó. Cách phản ứng thái quá chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn vì bạn đã không chú ý đến bản chất sự việc (hành vi của con) mà đánh đồng rằng trẻ chính là vấn đề.
Chúng ta nên dạy con hiểu rằng, cách cư xử thực ra là một sự lựa chọn và chúng ta có thể học cách ra quyết định đúng đắn. Một quyết định sai không có nghĩa bạn là người xấu, nó chỉ đơn giản là một sai lầm và mọi người đều cần được trải nghiệm để trưởng thành hơn.
(Theo Bana Houz/ Trí Thức Trẻ)