- Bốn cô con gái đang tuổi trăng tròn, bỗng một ngày, ba trong số đó lần lượt mắc bệnh tâm thần. Hàng ngày, nhìn các con phải sống chung với dây trói và cảnh nuôi nhốt, người mẹ chỉ biết ứa nước mắt.

3 cô gái “bỗng dưng”… bị điên

Người dân làng Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) ai cũng cám ảnh, xót xa trước “cuộc sống tự giam cầm” của mẹ con chị Cao Thị Hằng.

Dù đã cố kìm nén nỗi đau, nhưng những giọt nước mắt cứ nối nhau lăn dài trên gò má sạm nắng, chị Hằng kể: Ba mươi năm về trước chị kết hôn với anh Ngô Ngọc Bài, rồi sinh được bốn người con gái, lần lượt là Ngô Thị Hường (SN 1981), Ngô Thị Sử (SN 1984), Ngô Thị Thành (SN 1986), Ngô Thị Tâm (SN 1990).

Dù cuộc sống vùng thôn quê còn nhiều vất vả nhưng người làng ai cũng thầm khen về sự đầm ấm, hạnh phúc của gia đình chị.

Bốn cô con gái đang tuổi trăng tròn, bỗng một ngày, ba trong số đó lần lượt mắc bệnh tâm thần...
 

Rồi bỗng một ngày, tai ương ập đến. Đầu năm 2002, Sử - đứa con gái thứ hai của chị đang chuẩn bị thi tốt nghiệp 12 thì đột nhiên trở bệnh. Đang học thì Sử ngã vật ra lớp.

Chị Hằng cùng chồng khăn gói mang con ra tận BV Tâm thần TW Hà Nội để chữa bệnh nhưng cũng chỉ giúp Sử ổn định trong thời gian ngắn.

Cũng từ đó, Sử phải mãi mãi rời xa ghế nhà trường và tuổi học trò. Mất trí nhớ, Sử ngơ ngác không nhận cả người thân, hàng ngày đi lang thang, vô định khiến chị Hằng nhiều lần phải bỏ công việc đi hàng chục cây số để tìm con về.

Chưa hết bàng hoàng trước bệnh tình của Sử, một năm sau, Thành - con gái thứ ba của chị Hằng (cũng đang học lớp 12) đột nhiên có những biểu hiện tâm lý khác thường. Thành cười cả ngày không có cách nào dừng lại được với những cơn nấc sặc sụa.

Chị Hằng lại một lần nữa mang đứa con mới mắc bệnh đi bệnh viện khám mà trong lòng không khỏi lo âu. Trong đầu chị đã xuất hiện ý nghĩ về những điều chẳng lành.

“Khi nhận kết quả khám bệnh của con từ tay bác sĩ, tôi đã không thể tin vào mắt mình nữa”, chị Hằng ngậm ngùi kể.

Thành cũng mắc căn bệnh kì quái giống như người chị - bệnh tâm thần. Thành la hét thảm thiết cả ngày, nhiều lần cởi hết quần áo chạy lang thang ngoài đường phố. Đặc biệt cô bé rất “yêu thích độ cao”. Suốt ngày trèo lên ngọn cây bàng hay mái nhà rồi thả mình “nhảy dù” xuống đất...cho vui.

“Trong nhà có một người, rồi 2 người điên đã khổ lắm rồi, nhưng số phận dường như chưa muốn dừng trò đùa tàn độc với tôi, năm 2004, con gái út của tôi khi đó đang học lớp 9 cũng đổ bệnh. Trong một buổi học, cả lớp bất ngờ khi thấy Tâm chửi cả thầy cô giáo, chửi bạn bè và la hét.

Về nhà, Tâm cứ lao ra đường như con thiêu thân, rồi lấy đất đá ném vào người và xe cộ đi qua. Nhiều lần lên cơn đau đầu, Tâm còn lao vào đòi giết cả bố mẹ”, chị Hằng kể.

Rứt ruột khi tự tay trói nhốt con


Thân hình nhỏ liêu xiêu như không còn sức sống, chị Hằng dẫn chúng tôi đi thăm căn phòng phía sau nhà, nơi giam giữ những người con của chị.

Bàn tay gầy guộc, run run chị mở cửa căn phòng, nơi đang nhốt hai trong số ba đứa con mắc bệnh cho chúng tôi xem. Căn phòng rộng chừng 10 mét vuông, tối như nhà ngục.

Thành và Tâm nằm sõng soài, ngơ ngác dưới nền nhà, trên người phủ một tấm chăn mỏng cũ nát đã thành màu đất và những sợi dây trói chằng chịt quanh người. Ruồi nhặng đậu kín đen thân thể các em...
 


Trong căn buồng giam, những đứa con của chị Hằng đang héo hắt từng ngày vì bệnh tật và dây trói. Dù rất đau lòng nhưng chị vẫn phải trói, nhốt con đẻ của mình.
 

“Đã hơn 3 năm nay, dù rất thương các con nhưng không còn cách nào khác đành phải dùng dây tự tay trói những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra rồi lại đem nhốt chúng lại trong phòng như giam kẻ tù tội.

Tất cả mọi sinh hoạt của Thành và Tâm đều diễn ra trong căn phòng nhỏ bé này. Dù đã nhốt con trong phòng kín nhưng tôi vẫn phải dùng một sợi dây to, một đầu trói cả chân và tay Thành lại, đầu kia buộc vào chiếc đinh đóng trên vách tường”, chị Hằng cho biết.

“Nhốt con là vạn bất đắc dĩ thôi, vì làm như vậy rất nguy hiểm. Nhưng còn hơn cả ngày cứ phải thấp thỏm lo âu. Vì nếu để Thành và Tâm tự do, mình tôi không thể chăm sóc và quản lí hết, mạng sống của chúng như trứng treo đầu đá vậy”.

Với căn bệnh tâm thần trong người, Thành và Tâm có thể gây nguy hiểm cho người khác và chính cả bản thân mình. Cũng vì lẽ đó mà cứ sáng sớm và trước khi đi ngủ, chị Hằng lại phải dỗ dành con uống thuốc ngủ để các con... bớt phần hung hãn!

Chứng kiến nỗi đau quá lớn xảy đến cho gia đình, chồng chị cũng có những biểu hiện không ổn định về tâm lý. Anh Bài nhiều lần cầm dao phá phách nhà cửa.

“Có lần đang ăn cơm, thấy con cái la hét, khóc lóc anh Bài bê cả mâm cơm hắt xuống ao. Sau đó anh ấy bỏ nhà đi lang thang, lâu lâu mới về một lần. Khi về đến nhà, thấy cảnh con cái vậy anh không chịu nổi lại lên cơn và lại bỏ đi” - chị Hằng kể.

Cuộc sống gia đình của chị Hằng vốn đã khổ giờ lại thiếu luôn vai trò trụ cột của người chồng, người cha.

“Gánh nặng trần ai” lại như càng đè nặng lên đôi vai gầy của người đàn bà đã rất lâu rồi chỉ biết đến nỗi buồn và nước mắt.

Cuộc sống của mẹ con chị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng không đủ ăn cho mấy mẹ con, chưa kể tiền thuốc men...

Gia đình chị Hằng đang cần lắm những tấm lòng của độc giả xa gần để sẻ chia những khó khăn bộn bề.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Cao Thị Hằng, thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnhThanh Hóa.

2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ chị Cao Thị Hằng)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn

Thanh Lê – Duy Tuấn