Phụ nữ hút thuốc lá nhiều hơn trước

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học về Phòng chống tác hại của thuốc lá, sáng 22/12, do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức. Hội thảo nhằm phổ biến kết quả một số nghiên cứu khoa học về phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Đại học Y tế công cộng thông tin, thuốc lá làm hơn 8 triệu người tử vong mỗi năm trên khắp thế giới. Hơn 7 triệu người trong số đó tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp trong khi khoảng 1,2 triệu người không hút thuốc nhưng mắc bệnh do tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế Giới, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này cao gần gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm.

{keywords}
Nơi mua thuốc lá phổ biến nhất là các cửa hàng/ki ốt (65%), sau đó là các quán trà/hàng nước vỉa hè (28,5%). Ảnh: VietNamNet

Các chuyên gia dự đoán, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, TP cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá chung là 21,7% người trưởng thành, giảm so với năm 2015 (22,5%). Trong khi tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm so với năm 2015 thì tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá lại tăng so với năm 2015.

"Khảo sát cũng chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người giàu thấp hơn người nghèo. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nam giới thành thị và nông thôn giảm rõ rệt còn tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 lại tăng 18 lần so với năm 2015", PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh thông tin.

Về tình hình hút thuốc lá thụ động, có 44,4% người không hút thuốc (38,7% nam và 47,6% nữ) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các quán bar/cà phê/trà và nhà hàng đã giảm so với năm 2015, tuy nhiên, vẫn còn rất cao.

Kết quả điều tra cũng đưa ra những con số về cai nghiện thuốc lá. Cụ thể, khoảng 1,1 triệu người có kế hoạch bỏ thuốc vào tháng sau. Trong số những người đang sử dụng thuốc lá, có 72,2% nhận được lời khuyên bỏ thuốc từ cán bộ y tế. Lý do chính dẫn đến việc bỏ thuốc lá chủ yếu vì “thuốc lá có hại cho sức khỏe” và vì “hút thuốc lá bị bạn bè gia đình phản đối”.

Tỷ lệ cai nghiện thuốc lá từ 6 tháng trở lên khi được tư vấn cai nghiện qua tổng đài cai nghiện thuốc lá là 69,8%, trực tiếp tại phòng tư vấn của bệnh viện Bạch Mai là 61,3%. Các chuyên gia cũng thông tin thêm, nơi mua thuốc lá phổ biến nhất là các cửa hàng/ki ốt (65%), sau đó là các quán trà/hàng nước vỉa hè (28,5%).

Đặc biệt, kiến thức, thái độ và nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá có nhiều biến chuyển. Có sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ người hút thuốc tin rằng, hút thuốc lá gây nên các bệnh đột quỵ, đau tim hoặc cả 3 bệnh lý đột quỵ, đau tim và ung thư phổi.

Việc ủng hộ việc tăng thuế các sản phẩm thuốc lá có sự đồng thuận cao, đặc biệt trong nhóm người không hút thuốc với 79,0% đồng ý.

Chính phủ, Quốc hội cần xem xét cấm thuốc lá điện tử

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giảm tình trạng hút thuốc lá.

Một số chỉ số quan trọng về kiểm soát thuốc lá đã được cải thiện, đặc biệt là tỷ lệ hút thuốc ở nam giới và tình trạng tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà, tại nơi làm việc, tại nhà hàng, tại quán bar/cà phê/trà. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc vẫn còn cao ở nam giới, có xu hướng tăng tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới.

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng rõ rệt, đặc biệt trong thanh thiếu niên. Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này cũng có nhiều thành phần gây hại đến sức khỏe con người, ngoài những thành phần tương tự như thuốc lá truyền thống còn có một số thành phần độc hại khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm thuốc lá điện tử do sản phẩm này tác động và tiếp cận chủ yếu đối với giới trẻ, thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và định hướng hành vi của giới trẻ. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần xem xét cấm các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng).

Giải pháp tiếp theo là bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm (tiếp xúc thụ động) với khói thuốc lá. Quy định cấm hút thuốc lá cần được tăng cường thực hiện tốt hơn, đặc biệt tại nhà hàng, quán bar, cà phê. Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm. Thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá để bảo vệ thanh niên không tiếp xúc với các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt tại điểm bán thuốc lá.

Chuyên gia cũng đề xuất tiếp tục tăng thuế thuốc lá. Các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục xem xét để tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của các sản phẩm thuốc lá lên cao đến mức giúp hạn chế khả năng chi trả các sản phẩm thuốc lá và giảm tỷ lệ hút thuốc.

Đồng thời, chúng ta cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và tư vấn cai nghiện thuốc lá trong thời gian tới để hỗ trợ cho hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá.

Ngọc Trang

Lý do không nên hút thuốc lá sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Lý do không nên hút thuốc lá sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Thuốc lá có thể khiến vắc xin kém hiệu quả, tăng phản ứng phụ sau khi chủng ngừa.