- Gần 3 năm kể từ ngày chồng con vướng vòng lao lý, người phụ nữ đau khổ đã bỏ bê công việc, rao bán nhà… để đi kêu oan. Vụ việc gây bức xúc dư luận phố huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) suốt một thời gian dài.
Bán nhà đi kêu oan cho chồng
Thời điểm chúng tôi có mặt tại thị trấn Yên Bình là lúc vụ việc “chống người thi hành công vụ” của hai cha con ông Cao Xuân Thanh, Cao Đức Minh đã xảy ra được gần ba năm.
6 phiên tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã được TAND thành phố Yên Bái và TAND tỉnh Yên Bái mở….
Người cha vừa bị cưỡng chế thụ án (2 năm tù giam), người con nhận mức án 1 năm tù treo, chịu sự quản thúc tại địa phương…
Nhưng trên tất cả, đó là dư luận người dân khu phố 14 thị trấn Yên Bình – nơi thường trú của hai cha con vướng vòng lao lý, vẫn còn nguyên dư âm về nỗi oan khuất mà cha con ông Thanh phải nhận.
Người phụ nữ đau khổ treo biển bán nhà kêu oan cho chồng, con. Vụ việc gây bức xúc dư luận phố núi Yên Bình suốt một thời gian dài. |
Cuộc sống của gia đình anh Cao Xuân Thanh (SN 1961) không phải diện khó khăn. Vốn bản tính chăm chỉ làm ăn, hai anh chị vay mượn tiền mua chiếc xe tải Hoa Mai để chở đất thuê.
Thế nhưng, mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác vào buổi chiều định mệnh 26/3/2011.
Để sau đó, người phụ nữ nhỏ bé và xanh xao giờ đây là chỗ dựa cho cả gia đình. Công việc bê trễ, để có thời gian đi kêu oan cho chồng con, chị Tập đã làm đơn xin nghỉ việc không lương.
Tấm biển “bán nhà” cũng được chị treo lên để lấy tiền trang trải nợ nần và tiền chi phí đi kêu oan cho chồng.
Cảm động hơn cả, hàng chục bà con lối phố cám cảnh cho tình cảnh của chị Tập đã cùng chị lặn lội xuống Hà Nội ăn chực nằm chờ gần một tháng trời để gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan cho bố con anh Thanh.
Đã rất nhiều lá đơn được gửi tới các cơ quan, chính quyền sở tại. Mới đây, chị Tập - vợ anh Cao Xuân Thanh, người trong vụ án "Chống người thi hành công vụ" đã phải nộp đơn xin nghỉ việc không lương để đi "gõ cửa" kêu oan cho chồng. |
“TAND tỉnh Yên Bái đã xử phúc thẩm lần thứ 2 và vẫn tuyên chồng em có tội. Các anh ấy bảo, bản án có hiệu lực ngay từ lúc tuyên, giờ muốn kháng cáo phải xuống Hà Nội mà kêu nên em cũng chỉ biết chầu chực chờ đợi…” – chị Tập xót xa.
Gần ba năm vướng vòng lao lý, chiếc xe chở đất thuê – “cần câu cơm” của cả nhà bị thu giữ làm tang vật vụ án, nay đã gần như thành một đống phế liệu.
“Các anh trong cục thi hành án gửi giấy cho em lên nhận xe mang về, các anh ấy còn dặn, nếu muốn mang về cũng phải cầm cả trăm triệu theo mà đưa xe đi sửa, vì ngần ấy thời gian mưa nắng, nó đã han rỉ hết cả.
Chồng thì tù tội, phương tiện hỏng hóc…, giờ thêm món nợ vay ngân hàng mua xe đã quá hạn thanh toán, cùng đường rồi nên em chỉ biết bán nhà để mà trang trải!” – chị Tập nghẹn ngào.
Buổi chiều định mệnh!
Ngày 26/3/2011, như thường lệ, anh Cao Xuân Thanh vẫn đi chở đất thuê cho DNTN Thảo Nguyên (đơn vị thực hiện một phần gói thầu xây dựng đường Km5 đi thị trấn Yên Bình) chở đất thải vào bãi thải số 2 (thuộc tổ 44 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái).
Vì bận đột xuất, anh Thanh sai con trai là Cao Đức Minh chở thay mình vài chuyến cuối.
Đến khoảng 17h, Minh gọi điện cho bố nói có người kiểm tra giấy phép đổ đất thải. Vì chỉ là người đi chở đất thuê, anh Thanh đã gọi điện cho đơn vị thuê mình là anh Nguyễn Đức Hưng đến xuất trình giấy phép đổ đất.
Hiện trường vụ việc được cơ quan điều tra dựng lại để phục vụ hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, người dân chứng kiến toàn bộ quá trình này đã cực lực phản đối! |
Ngay sau đó, anh Hưng đã đến bãi thải số 2 cùng với đại diện của Ban quản lý công trình đầu tư tỉnh Yên Bái (đơn vị được giao quản lý bãi thải số 2); Công ty công trình giao thông Yên Bái mang theo giấy phép đổ đất, gồm biên bản bàn giao mặt bằng, hợp đồng thuê máy thi công…
Nhóm người xưng là đoàn kiểm tra của phường Yên Thịnh đã xác nhận giấy tờ đổ đất hợp lệ. Những người trong BQL công trình, Công ty Công trình giao thông, Công ty Thảo Nguyên ra về.
Sự việc chỉ mang tính chất kiểm tra hành chính đã chuyển sang một hướng khác khi nhóm người thuộc đoàn kiểm tra phường Yên Thịnh tiếp tục yêu cầu anh Thanh xuất trình giấy phép đổ đất và giấy tờ xe.
Tại bãi đổ đất số 2 khi đó còn có thêm một xe chở đất khác do anh Đỗ Thanh Sơn cũng được phía bên Công ty Thảo Nguyên thuê.
Trong lá đơn kêu cứu gửi tới Báo VietNamNet và nhiều cơ quan, chính quyền tỉnh Yên Bái trước đó, anh Cao Xuân Thanh khẳng định: sau khi chủ thầu đã xuất trình đầy đủ giấy phép đổ đất tại bãi đất thải số 2 và được đoàn kiểm tra phường Yên Thịnh xác nhận hợp lệ, đợi người bên chủ thầu về, đoàn kiểm tra này mới yêu cầu chủ xe xuất trình giấy tờ xe và giấy phép đổ đất.
Sau khi anh Thanh cho rằng đoàn kiểm tra này không có chức năng kiểm tra giấy tờ xe, hai bên đã xảy ra to tiếng.
"Sau khi ông Mão và ông Hiến (đại diện của BQL công trình đầu tư tỉnh Yên Bái và Cty Công trình giao thông) ra về, nhóm người này quay lại và hạch giấy phép đổ đất, giấy tờ xe. Một người trong số đó (sau này anh Thanh xác minh có tên Đặng Thanh Bình – Đội trưởng đội quy tắc đô thị phường Yên Thịnh) ghé vào tai tôi nói thầm “Xuống một triệu thì cho qua”.
Tôi cả ngày đổ đất tính cả xăng dầu cũng không đủ lấy đâu tiền cho họ. Tôi bực mình nói “Các ông không có quyền kiểm tra xe” thì anh này dọa nếu không sẽ đập xe và thu xe về phường. Đến nước này thì tôi quá bức xúc nên đã la lên: “Kẻ nào đập xe ông cho đâm chết, mạng người có 30 triệu đồng”. – nội dung lá đơn kêu cứu của anh Thanh viết.
Cũng trong lá đơn trình báo vụ việc, anh Cao Xuân Thanh cho biết: con trai anh là Cao Đức Minh thời điểm đó đang học lái xe, chưa có giấy phép lái xe. Việc vi phạm luật điều khiển xe không có bằng lái này gia đình anh sẽ chấp hành xử phạt, tuy nhiên, sự thái quá của đoàn kiểm tra phường Yên Thịnh như đã nói, đã gây bức xúc cho người dân.
Đúng thời điểm đó, lái xe Đỗ Thanh Sơn nổ máy cho xe mình rời khỏi hiện trường. Cao Đức Minh lúc này đang ngồi trong cabin xe nghĩ mọi việc đã giải quyết xong nên cũng nổ máy để rời khỏi bãi thải.
Xe chạy được vài mét thì có người nhảy lên dùng vật cứng đập vỡ cửa xe bắt dừng lại và lôi cháu Minh xuống đánh, đồng thời hô hoán “lái xe đâm vào công an”.
Ngay trong đêm, 2 cha con anh Cao Xuân Thanh và Cao Đức Minh được đưa về trụ sở công an phường Yên Thịnh lập biên bản 'chống người thi hành công vụ' và sau đó bị tạm giam 58 ngày.
Ngày 28/3/2011 CA Thành phố Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ngày 19/5/2011, Cơ quan điều tra Công an TP Yên Bái hoàn thành bản kết luận điều tra.
Ngày 14/6/2011, VKSND Thành phố Yên Bái tống đạt quyết định truy tố 2 bị can Cao Xuân Thanh, Cao Đức Minh tội "Chống người thi hành công vụ" ra TAND thành phố Yên Bái.
Trải qua 6 lần tòa sơ thẩm, phúc thẩm xử đi xử lại, ngày 28/1/2013, TAND tỉnh Yên Bái đã phúc thẩm lần 2 tuyên Cao Xuân Thanh 2 năm tù giam; Cao Đức Minh 1 năm tù treo.
Hành trình vướng vào vòng lao lý của hai cha con Cao Xuân Thanh đã gây bức xúc dư luận người dân thị trấn Yên Bình trong một thời gian dài.
Theo họ, có quá nhiều khuất tất trong quá trình điều tra, xét xử dẫn đến oan sai cho người dân!?
Kiên Trung