Mối duyên bất ngờ với cao nguyên đá
Chị Lù Thị Sen (SN 1984, là người dân tộc Hà Nhì, trú tại TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) gắn bó với du lịch Mèo Vạc nhiều năm liền. Chị trở thành người thân quen với đồng bào dân tộc Mông ở bản Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.
Sinh ra và lớn lên ở TP. Hà Giang, chị Sen từng làm giáo viên mầm non. Sau một biến cố gia đình, chị nghỉ dạy học và đi làm đủ mọi công việc để kiếm tiền nuôi hai con. Năm 2017, trong một lần chị Sen lên Mèo Vạc chơi, cảnh sắc trên cung đường hạnh phúc đã níu chân chị.
Chị Sen đi sâu vào các bản làng để gần gũi với đời sống người dân nơi đây. Chị bất ngờ vì đồng bào dân tộc trên cao nguyên quá nghèo, trẻ em chỉ học tới lớp 4, lớp 5, đồng bào không biết tiếng Kinh, đồ ăn của họ chủ yếu là ngô, mèn mén... Trẻ nhỏ nheo nhóc, suy dinh dưỡng, nhiều em chỉ mới 11, 12 tuổi đã đi theo bố mẹ lên các vách đá tìm khe đất thả ngô.
Mèo Vạc là vùng núi đá, bà con canh tác mỗi năm chỉ có 1 vụ ngô, nên nếu chỉ dựa vào trồng trọt phát triển kinh tế thì khó thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Trong khi đó, cảnh vật thiên nhiên ở đây có thể phát triển du lịch trải nghiệm. Vì vậy, chị Sen nghĩ tới việc làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế cho đồng bào Mông, nâng cao đời sống của người dân và phát triển du lịch Hà Giang. Sau khi có ý tưởng chị Sen bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch làm du lịch cộng đồng.
Trở về TP. Hà Giang, chị gửi hai con cho mẹ già chăm sóc rồi một mình lên Mèo Vạc. Để khởi nghiệp, chị đi sâu tìm hiểu về cách làm du lịch cộng đồng, văn hóa của đồng bào bản địa, những khu vực có thể phát triển du lịch gắn liền với văn hóa người Mông.
Nắm bắt xu thế du lịch trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn, chị Sen vận động bà con ở bản Mã Pì Lèng làm homestay để khách du lịch tới sống cùng, trải nghiệm đời sống của đồng bào. Tuy nhiên, người dân không muốn làm vì nhà nhỏ, không có khu vệ sinh, bản thân họ không biết tiếng Kinh...
Nhận thấy khó phát triển homestay trong chính cộng đồng nhà dân, chị Sen thuê nhà rồi cải tạo để kinh doanh homestay.
Yêu mảnh đất cao nguyên Mèo Vạc, chị Sen hướng dẫn bà con cách làm du lịch, bán những sản vật địa phương, học thêm thổi sáo, thổi khèn... để thu hút du khách.
Nỗ lực thúc đẩy du lịch bền vững
Sau khi kinh doanh homestay có thu nhập, chị Sen bắt đầu thu nhận những bạn trẻ người địa phương tới sống và làm việc cùng mình. Hiện tại, chị đã có thể tự mua đất trong làng để xây dựng homestay của riêng mình.
Theo chị Sen, phát triển du lịch Hà Giang phải gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy các homestay cũng được thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống của người Mông, ít tác động tới môi trường.
Vừa kinh doanh homestay, chị Sen vừa tranh thủ dạy các bạn trẻ tiếng Kinh, cách nấu ăn, phục vụ du khách... Từ đó, những bạn trẻ người Mông học được cách làm du lịch bền vững.
Hiện nay, một học sinh được chị Sen hỗ trợ đang học tại Thái Nguyên về nghệ thuật truyền thống dân tộc; hai em khác cũng đang học cách làm du lịch cộng đồng. Khi các em đủ 18 tuổi có thể tự mở homestay, quán cà phê để phục vụ du khách tới địa phương.
Chị Sen không ngại khó khăn, đi tới từng gia đình, hướng dẫn bà con phát triển du lịch cộng đồng, dạy họ cách vệ sinh nhà cửa để có người tới thăm, tới chơi. Nhờ đó, nhiều người đã thay đổi lối sống, biết dọn dẹp nhà cửa, ăn uống đảm bảo vệ sinh, cho con trẻ đến trường.
Theo chia sẻ của chị Sen, thời gian tới chị sẽ mở rộng du lịch cộng đồng sang huyện Hoàng Su Phì. Chị rất vui khi du lịch cộng đồng gắn với đời sống người dân, giúp du khách trải nghiệm những hoạt động thú vị tại địa phương. Đặc biệt, người dân làm du lịch nhưng vẫn giữ nguyên nét văn hóa của dân tộc mình, không bị mai một giá trị truyền thống như ở nhiều nơi khác.