Người đàn ông đến từ bộ tộc tối giản, chối bỏ thế giới hiện đại
Trước khi kết hôn với người đàn ông Mỹ John Lapp (39 tuổi), chị Nguyễn Yến Nhi (35 tuổi, quê Kiên Giang) chưa từng biết đến chuyện giữa lòng nước Mỹ giàu có và phát triển bậc nhất thế giới có một cộng đồng trung thành với lối sống tối giản, từ chối gần như mọi tiện nghi của nhân loại.
Họ không sử dụng điện, không dùng tivi, không dùng radio, không chụp hình, không dùng pin sạc, không dùng máy tính kết nối mạng. Trong cuộc sống của họ cũng không có sự hiện diện của điện thoại di động.
Cả cộng đồng đi lại chủ yếu bằng xe ngựa, coi nông nghiệp và nghề mộc là nền tảng cơ bản… Họ cho rằng, công nghệ sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, khiến các thành viên trong cộng đồng xa cách nhau và bị đồng hóa với bên ngoài.
Những người đặc biệt này thuộc tộc người Amish. Tộc Amish có khoảng 300.000 người sống rải rác ở các bang Pennsylvania, Ohio, Indiana, New York của Mỹ.
Bộ tộc Amish xuất hiện ở Mỹ từ thế kỷ 18. Họ có những quy tắc truyền thống nghiêm ngặt được duy trì suốt hàng trăm năm. Người nào làm ngược lại với các quy tắc đó sẽ bị xem là "tội lỗi".
Chia sẻ về người chồng của mình, chị Yến Nhi cho biết, trước đây, anh John Lapp sống ở bang Pennsylvania, nơi tập trung đông đảo người Amish.
Theo truyền thống của cộng đồng, anh chỉ học hết lớp 9 và đi làm nghề mộc, dựng các ngôi nhà bằng gỗ. Người đàn ông này không được phép lái xe, không sở hữu ô tô. Thi thoảng đi đâu xa, anh được phép sử dụng các phương tiện công cộng.
Vì không dùng điện nên nhà của John Lapp chỉ có các thiết bị chạy bằng gas như bếp gas, tủ lạnh gas. Gia đình anh cũng không có tivi. Anh có máy tính nhưng chiếc máy tính này đã bị lược bỏ hết các thiết bị có thể kết nối mạng.
"Trước đây, gia đình anh không sử dụng điện thoại. Nhưng sau này, để phục vụ cho việc truyền tin, ba bốn gia đình đã lắp một chiếc điện thoại bàn để ở một căn chòi độc lập", chị Nhi kể.
Cộng đồng người Amish sinh sống rất đoàn kết và tôn trọng các yếu tố thuộc về tình yêu, gia đình. Tuy nhiên, giữa sự phát triển không ngừng của thế giới hiện đại, nhiều người trẻ Amish đã lựa chọn rời bỏ cộng đồng để trải nghiệm thế giới bên ngoài. "Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi cũng đã đưa ra quyết định khó khăn ấy", John nói.
Năm 2018, người đàn ông này rời bỏ cộng đồng của mình. Điều này đồng nghĩa rằng, mối quan hệ của anh với gia đình và nhà thờ không còn như trước nữa. Anh không được ăn cùng bàn nếu dùng bữa chung, không được tham gia vào những buổi tiệc của gia đình.
Trước đây, theo quy tắc của cộng đồng, anh John chỉ học hết lớp 9. Vì vậy, khi bước chân ra ngoài, người đàn ông này không có bằng cấp, không có nhiều lựa chọn công việc.
"Sau đó, anh xin vào làm ở một công ty về in ấn 3D và máy móc. Anh dần làm quen với các tiện nghi, đi máy bay, du lịch, sử dụng điện thoại di động, máy tính kết nối mạng", người phụ nữ Việt nói.
Chuyện tình xuyên biên giới của cặp đôi vợ Việt - chồng Amish
Khoảng thời gian này, người đàn ông Mỹ cũng mở rộng các mối quan hệ, giao lưu kết bạn nhiều hơn. Anh được một người bạn Việt Nam giới thiệu làm quen với chị Yến Nhi.
"Khi ấy, tôi đang sống ở Kiên Giang, còn anh sống ở Mỹ. Chúng tôi trò chuyện qua mạng", chị Yến Nhi nhớ lại.
Thời gian này, chị Yến Nhi đang tham gia một chuyến đi hỗ trợ trẻ em tại Campuchia nên có nhiều chuyện hơn để chia sẻ với John Lapp. Hai người tìm thấy ở nhau sự đồng điệu, niềm tin và cùng có chung mong muốn hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
John với những câu chuyện về cộng đồng kỳ lạ Amish càng khiến người phụ nữ Việt cảm thấy tò mò. "Khi quen John, tôi mới biết đến người Amish. Tôi rất bất ngờ khi nghe anh kể về bộ tộc kỳ lạ", chị Nhi nhớ lại.
Qua cách John chia sẻ, chị Yến Nhi cảm thấy anh luôn day dứt và đã phải suy nghĩ rất nhiều khi đưa ra quyết định rời khỏi cộng đồng. Những tâm sự, nỗi niềm cứ thế khiến họ xích lại gần nhau.
Cả hai trò chuyện, cập nhật hình ảnh thường xuyên cho nhau. Đến một ngày, khi nhận ra, Yến Nhi như một phần tất yếu không thể thiếu với mình, người đàn ông Mỹ quyết định nói lời tỏ tình.
Tháng 2/2019, John đến Việt Nam để gặp gỡ Yến Nhi. Người phụ nữ Việt chưa từng nghĩ mình sẽ yêu và lấy một người ngoại quốc. Trong gia đình, Yến Nhi còn được xem là trụ cột. Tuy nhiên, sự kiên trì và tình cảm chân thành của anh đã khiến chị rung động.
Trong năm 2019, John còn quay lại Việt Nam thêm 4 lần nữa để thăm người yêu. Họ quyết định kết hôn vào đầu năm 2020, sinh sống ở bang Pennsylvania.
Tự xây nhà, làm vườn, sống tự cung tự cấp
Sau một thời gian đi làm ở công ty in ấn, anh John nhận thấy nếu tiếp tục làm công việc này, anh sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Hơn nữa, mức thuế đóng cao khiến anh nghĩ tới việc muốn được làm chủ chính mình.
Nỗi nhớ lối sống xưa khiến người đàn ông Mỹ lên kế hoạch nghỉ việc. Anh tìm một nơi ở mới để xây nhà và thực hiện cuộc sống tự cung tự cấp như cộng đồng mình trước đây.
Tháng 7/2021, vợ chồng chị Yến Nhi mua mảnh đất rộng ở 8ha ở bang Tennessee, thuộc khu vực rừng nguyên sinh cũ, vắng dân cư và rất ít xe cộ qua lại. Nơi đây có thời tiết ít lạnh hơn và mức thuế phải đóng thấp hơn ở bang cũ.
Cả hai tự xây nhà, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay vì sử dụng công nghệ xây nhà hiện đại phổ biến tại Mỹ.
Thời gian đầu, để có lối vào đất, John phải thuê người đổ một con đường nhỏ từ ngoài đường lớn vào nơi dựng nhà. Đây là một trong những lần ít ỏi họ thuê người khi xây nhà. Tất cả mọi hoạt động xây dựng sau đó đều do người đàn ông Mỹ đảm nhiệm. Anh tự thiết kế, đo đạc, dựng vách, làm mái…
Chị Yến Nhi nhớ lại những tháng đầu vất vả nhất: "John tự đào đất, đào hầm, lái máy phát cây, chặt rễ. Anh ấy cũng tự mua gỗ về cắt và dựng vách. Dù chỉ mới học hết lớp 9 nhưng với kinh nghiệm dựng nhà của người Amish, anh thiết kế được một ngôi nhà 2 tầng rất chắc chắn".
Thời điểm cặp vợ chồng Việt - Mỹ xây nhà, John vẫn phải dành khoảng 2/3 thời gian trong tháng đi làm ở bang cũ (cách bang Tennessee 10 giờ di chuyển ô tô - PV) để có tiền trang trải cuộc sống.
Mỗi tháng, họ dành khoảng 7-10 ngày cho việc dựng nhà. Có lần, vì muốn tiết kiệm chi phí, họ dựng lều ngủ tại công trình. Nhưng vì đêm quá lạnh, con trai 10 tháng tuổi lại ốm sốt, nên cả hai sau đó đành phải thuê nhà nghỉ cách đó nửa tiếng đi xe. "Tiền nhà nghỉ, tiền ăn khá tiêu tốn. Đó là một áp lực lớn với vợ chồng", chị Yến Nhi nói.
Vì anh John không có bằng kỹ sư xây dựng nên trong suốt quá trình thi công, đại diện của giới chức địa phương đã nhiều lần tới kiểm tra về độ an toàn của ngôi nhà. Tất cả các hạng mục từ dựng hầm, làm vách, lợp mái, hệ thống đường điện… đều được nghiệm thu chuyên môn.
Đầu năm 2022, cặp vợ chồng chính thức chuyển vào ngôi nhà mới ở. Ngôi nhà không kết nối được hệ thống nước sạch, cả hai tự đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Song, nguồn nước bị phèn không thể sử dụng. Họ nghĩ ra cách mua bồn chứa nước mưa và tận dụng thêm nguồn nước tự nhiên từ suối.
Hoàn thiện ngôi nhà 2 tầng, chị Yến Nhi cùng chồng bắt tay vào khai hoang, làm vườn, trồng các loại cây ăn quả, cây rau. Họ ăn uống đơn giản với những thứ mình tự trồng được.
"Nhiều người hỏi tôi, lấy chồng Mỹ sao phải cực thế?"
Từ sau khi chuyển về nơi ở mới sinh sống, John quyết định nghỉ hẳn việc ở nhà làm nông nghiệp cùng vợ. Vì vẫn lưu giữ tư tưởng của người Amish nên anh muốn dành thời gian cho gia đình và giữ nhiều thói quen của cộng đồng.
Kinh tế gia đình họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp theo truyền thống của người Amish. Tính trung bình, họ thu được khoảng 400-800USD/tuần, tùy vào lượng nông sản bán ra.
Ngoài việc lựa chọn lối sống nông nghiệp, cặp vợ chồng Việt - Mỹ còn học các bí quyết bảo quản thực phẩm, rau củ quả theo cách của người Amish để trữ các loại thực phẩm từ 2 đến 3 năm. Họ cũng không sử dụng tivi trong nhà vì cho rằng xem tivi sẽ rất mất thời gian. Cả hai hạn chế đến bệnh viện, chữa bệnh bằng thảo dược.
Thấy con gái lấy chồng Mỹ nhưng lại tự xây nhà, hàng tuần đi chợ bán rau quả kiếm thêm thu nhập, gia đình của chị Nhi ở Việt Nam rất sốc. "Mọi người nói, tưởng lấy chồng Mỹ phải sướng chứ sao lại sống cực như vậy? Nhiều bạn bè cũng hỏi tôi sao phải chọn con đường đó?", chị Yến Nhi kể.
Chị Yến Nhi thừa nhận, việc chồng xuất thân từ tộc người Amish đã ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của họ. Chính những điều khác thường khiến nhiều người bàn tán. Có người thì lo lắng, thương cô thật lòng, nhưng cũng có người coi rằng, lựa chọn của vợ chồng Nhi là kỳ dị.
Trước những lời bàn tán, chị Yến Nhi dường như không bận lòng. Người phụ nữ Việt tâm sự, ban đầu nghe chồng kể, chị cũng có những suy nghĩ không tích cực về tộc người Amish. Nhưng lâu dần, chị lại thấy yêu thích và tôn trọng lối sống của họ. Người Amish luôn đặt tình yêu và sự tha thứ lên hàng đầu. Họ có nhiều thói quen tốt, sống thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, những người Amish truyền thống thường không muốn lấy bất cứ thứ gì của người khác nên rất hạn chế nhận trợ cấp. Họ cũng không muốn người khác nghĩ mình là người nghèo. Họ tự lao động và dù khó khăn vẫn nhường phần trợ cấp cho những người không có khả năng lao động.
"Tôi thấy điều này thể hiện rất rõ ở con người John. Nhiều thời điểm khó khăn nhưng chưa khi nào anh nghĩ đến việc sẽ ngồi không nhận sự trợ giúp từ ai đó. Bản thân tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại và cảm thấy rất hạnh phúc", chị Yến Nhi cho hay.
Theo Dân Trí