- “Bãi biển Đồ Sơn phải không anh? Hay cửa Nam Triệu nước biếc xanh, Gió thổi, sóng cồn, phi lao lượn, Ngắm biển nơi đây tưởng quê mình...”.

Ông đã đọc đi đọc lại cuốn nhật kí không biết bao nhiêu lần và hai địa danh đươc nhắc đến trong 4 câu thơ trên đã giúp ông tìm được quê hương của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, chủ nhân cuốn nhật kí “có lửa” mà mình đã cất giữ suốt 45 năm trời.

Như một cơ duyên

Người đã giữ cuốn nhật kí của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng (SN 1945) quê Hải Phòng là thầy Lý Quang Nhân, giáo viên Trường THCS số 1 Nam Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình)

{keywords}
Thầy giáo Nhân với cuốn nhật ký liệt sỹ mà ông lưu giữ 45 năm, nay đã trả lại cho thân nhân liệt sỹ ở Hải Phòng.

Rót nước mời khách, thầy kể về duyên nợ của mình với cuốn nhật kí bìa vải, về người anh hùng mà thi thoảng thầy vẫn mường tượng ra trong cuốn nhật kí mà mình đã giữ suốt 45 năm qua.

“Tôi ở xã Sơn Thủy, Lệ Thủy, năm 11 tuổi, làng có mấy đơn vị bộ đội về đóng quân, trong nhà tôi lúc đó có một tiểu đội anh nuôi ở. Tôi thân với các anh lắm.

Biết tôi thích đọc sách nên năm 1968 trước khi chuẩn bị lên đường đi B, anh Nhì, người Quảng Nam đã trao cho tôi một cuốn nhật kí bằng bìa vải, tôi hỏi thì anh bảo của đồng đội anh đã hi sinh trước đó”.

Cuốn nhật kí dày khoảng 80 trang, được đóng bằng giấy đen, bìa của cuốn nhật kí được bọc vải, liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đã rất khéo léo khi làm bìa cuốn nhật kí.

Anh dùng một mảnh nhôm có cắt chữ “Mạnh Hùng”, sau đó để mảnh nhôm dưới lớp vải rồi cà phía ngoài lớp vải để nổi lên hai chữ “Mạnh Hùng” có màu đồng.

Sau khi nhận được cuốn nhật kí, những ghi chép phong phú trong đó đã giúp thầy thêm vững tin vào cuộc sống, cuộc kháng chiến của dân tộc.

Cuốn nhật kí như một chân trời mới, là cuốn sách gối đầu giường của thầy giáo Nhân và rất nhiều bạn bè trong suốt những năm là học sinh và sinh viên sau này ở Huế.

“Học xong cao đẳng, tôi ra công tác ở Quảng Trị từ năm 1978 đến năm 1991, những năm đó, cuốn nhật kí còn theo tôi đi về trên những chuyến xe.

Cứ về quê là các bạn lại chuyền tay nhau mượn, đến khoảng năm 1986 thì cuốn nhật kí bị thất lạc.

{keywords}
Cuốn nhật kí được liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đóng rất khéo léo, những bài thơ chất chưa chí khí chiến đấu của liệt sỹ Hùng và đồng đội.

Lúc giữ cuốn nhật kí, tôi cũng có ý định trả lại cho gia đình liệt sĩ Hùng nhưng những ý nghĩ đó chỉ thoáng qua vì tôi cũng không biết làm thế nào để trả lại.

Sau khi cuốn nhật kí thất lạc, tôi mới thực sự cảm thấy lo lắng, ổn định công tác một thời gian, tôi quyết định đi tìm”.

Hành trình tìm lại cuốn nhật kí có lửa

Thầy đã đi học cao đẳng ở Huế rồi về công tác ở Quảng Trị từ năm 1978 đến 1992, đó cũng là thời gian cuốn nhật kí cứ theo thầy trong những chuyến đi, về.

Khoảng thời gian đó, không chỉ bạn học ở Huế, đồng nghiệp ở Quảng Trị mà những người bạn cùng quê ở Lệ Thủy mỗi lần biết thầy về quê là lại mượn rồi chuyền tay nhau cuốn nhật kí như một báu vật.

Chất “lửa” trong cuốn nhật kí đã làm cho nhiều người không thể quên, có người mượn rồi nhưng khi thấy cũng mượn về đọc lại.

“Nghe lời cha, con muốn là Thánh Gióng
Vút bổng trời cao kéo Mỹ lộn nhào
Còn muốn là viên đạn thép bọc đồng
hay là viên đạn phá
Nhằm thẳng quân thù con sáng rực không trung
Gặp máy bay thù con sẽ nổ tung
Nghe lời cha:
Trái tim con với quân thù là đá
Với nhân dân con là cả tình thương
Nguyện một đời con mãi dưới cờ cha”

(Dòng tâm huyết khi nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch)

Người này mượn rồi chuyền tay người kia làm cho cuốn nhật kí bị thất lạc khoảng hơn 10 năm, sau khi ổn định cuộc sống, nhớ lại cuốn nhật kí và cảm thấy mình phải có nghĩa vụ với nó, thầy Nhân quyết định đi tìm.

Bạn bè mượn thì nhiều, giờ người còn người mất nên công việc tìm kiếm khá khó khăn.

{keywords}
Bài thơ “Nhớ quê”, một trong những manh mối giúp thầy giáo Nhân tìm ra quê hương của liệt sỹ.

Nhưng vì một niềm tin là cuốn nhật kí có duyên với mình nên thầy không bỏ cuộc. Sau mấy năm tìm kiếm cật lực, thầy đã tìm được cuốn nhật kí nằm ở nhà một người bạn.

“Khi biết cuốn nhật kí ở nhà một người bạn cùng quê nhưng người bạn này đã mất, tôi lo lắm. Phong tục của người Việt Nam là phải đốt hết đồ của người đã khuất, nhưng may mắn thay, trước khi mất người bạn đó đã nói lại với con cháu, cuốn nhật kí đó là của bác Nhân, các con cất lại và đem trả cho bác”.

Mấy chục năm trôi qua, cuốn nhật kí cũng đã bị thời gian hủy hoại làm cho một số chỗ bị mục, mực bị nhòe nhưng khi cầm được cuốn nhật kí trên tay, thầy mừng rơi nước mắt.

Tìm được nhật kí rồi, thầy lại sốt sắng tìm gia đình của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng để trả lại cho người thân liệt sí cuốn nhật kí “có lửa”.

Hải Sâm

(còn nữa)