Tâm huyết với tiếng nói, chữ viết Khmer

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ đơn sơ của Nhà giáo nhân dân Lâm Es (SN 1940) ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Nguyên là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, nhà giáo người Khmer đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho công tác giáo dục dân tộc. 

Với chất giọng đặc trưng, trầm ấm, nhà giáo Lâm Es “lần giở từng trang ký ức” trong tâm trí mình và chia sẻ câu chuyện với chúng tôi.

“Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở ấp Trà Tép, xã Thạch Phú, huyện Mỹ Xuyên. Mồ côi cha lúc lên 5, tôi lớn lên bằng sự tảo tần sớm hôm của mẹ. Gia cảnh khó khăn, bữa đói bữa no nhưng mẹ tôi rất thức thời, ủng hộ con cái chuyện học hành. Bà gửi tôi lên chùa Đại Tâm học, hy vọng con được tiếp cận với giáo dục tốt hơn. Tại đó, tôi được học chữ, học kinh kệ, triết lý Phật giáo Nam tông và nhiều kiến thức khoa học cơ bản khác…”, giọng ông bồi hồi xúc động. 

Nhà giáo nhân dân Lâm Es giới thiệu quyển sách giáo khoa ông tham gia biên soạn.

Học hết lớp 5 tại chùa Đại Tâm, thầy Lâm Es thi đạt học bổng vào Trường Trung học đệ nhất cấp Khai Trí ở thị xã Sóc Trăng. 

Quãng thời gian còn đi học, tiếp xúc với các thầy giáo dạy chữ dân tộc Khmer, thầy Lâm Es càng thêm yêu tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình, ước nguyện trở thành giáo viên, góp phần lan tỏa và gìn giữ chữ Khmer đến thế hệ mai sau.

Hoàn thành hết lớp 9 ở trường, nam sinh Lâm Es lại quay về chùa Đại Tâm dạy học miễn phí, thỏa ước nguyện trở thành thầy giáo của bản thân. 

Chùa Đại Tâm thời ấy là ngôi chùa đầu tiên có các lớp học miễn phí dạy cả tiếng Việt, tiếng Khmer và ngoại ngữ Anh, Pháp. Thầy bắt đầu học thêm ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và thi đỗ tú tài 1. Đến năm 1972, thầy đỗ tú tài 2 nên đủ điều kiện làm giáo viên ở một trường tư thục, chuyên dạy tiếng Khmer, tiếng Pháp. 

Giải phóng miền Nam, thầy chuyển sang dạy ở trường công lập và dạy chữ cho con em đồng bào Khmer. Mỗi lần đứng lớp, thầy giáo Lâm Es không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò cách làm người, lửa đam mê để giữ gìn và phát huy phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Những bài học đạo đức mang tinh thần yêu nước, lồng ghép vào đó là bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống… được truyền tải đến học trò một cách gần gũi, tự nhiên.

Sau này, thầy tiếp tục hoàn thành các cấp học và bậc đại học, tự nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức cho bản thân. 

“Năm 1976, tôi chuyển qua Ty Giáo dục của tỉnh Hậu Giang (cũ) làm công tác quản lý và năm 1978 được Bộ Giáo dục vào Đào tạo giao nhiệm vụ tham gia biên soạn sách giáo khoa song ngữ tiếng Khmer – Việt cho bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Từ năm 1982 - 1983, tôi tiếp tục được mời tham gia biên soạn 5 tập sách giáo khoa chính thức phục vụ giảng dạy trong các trường Khmer. Những bộ sách giáo khoa tiếng Khmer tôi chủ biên được tái bản nhiều lần và trở thành bộ sách giáo khoa được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer cho đến nay”, nhà giáo 83 tuổi nhớ lại.

Bên cạnh biên soạn sách, thầy giáo Lâm Es còn thường xuyên đứng lớp Ngữ văn Khmer cho những nơi có nhu cầu như các chùa, các lớp học hè trên địa bàn tỉnh. Qua những lớp học đó, thầy mong sẽ giúp được bà con Khmer nâng cao trình độ, nhận thức và đời sống tinh thần…

Năm 1994, thầy giáo Lâm Es được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2002, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Hiện, ông là nhà giáo đầu tiên và duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phong tặng danh hiệu cao quý này. 

Suốt đời phụng sự công tác giáo dục

Năm 2003, thầy giáo Lâm Es về hưu nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho công tác giáo dục. Ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng. 

Ở vị trí này, ông thường đến các vùng nông thôn, lặn lội vào các phum sóc Khmer để vận động phụ huynh cho con em đến trường học chữ. Sự kiên trì của thầy đã được đền đáp. Số lượng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn tỉnh cũng tăng đều và tăng nhanh qua từng năm. 

Khi sức khỏe còn đáp ứng được, ông cũng tham gia đứng lớp ở Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, đào tạo tiếng Khmer cho nhiều thế hệ tăng sinh. 

Ở tuổi 83, Nhà giáo nhân dân Lâm Es vẫn dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu, biên soạn sách tiếng Khmer. 

Trong công tác xã hội, nhờ sự nỗ lực của ông cùng sự chung tay của các thành viên trong Hội Khuyến học tỉnh, thời điểm năm 2020, toàn tỉnh có gần 114 nghìn gia đình học tập, 688 dòng họ học tập, gần 600 cộng đồng học tập và trên 700 đơn vị học tập.

Riêng Hội Khuyến học của tỉnh đã phát triển được gần 200 nghìn hội viên, củng cố thành lập hơn 1.9 nghìn chi hội khuyến học, gần 670 ban khuyến học cơ quan, ban ngành đoàn thể các cấp.

Tính đến nay, thầy Lâm Es có khoảng 100 đầu sách được xuất bản, trong đó có 53 đầu sách mang tầm quốc gia. Trong đó, có nhiều bộ sách có giá trị, như: Bộ Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ tiểu học đến trung học cơ sở; Bộ sách dành cho Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12; Giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở Trường Trung học sư phạm, Cao đẳng sư phạm; Tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ.

Đặc biệt, từ năm học 2005 - 2006, bộ sách mới chữ Khmer do ông biên soạn dành cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy. Năm 2021, bộ sách giáo khoa tiếng Khmer của thầy Lâm Es đã được đề xuất Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Các thành viên Hội đồng cấp tỉnh đã thống nhất đề xuất khen thưởng công trình nói trên.

Công trình "Bộ sách giáo khoa tiếng Khmer" có ý nghĩa quan trọng trong phục vụ giảng dạy, không chỉ cho đồng bào Khmer Sóc Trăng mà cho cả khu vực Nam Bộ. Bên cạnh đó, bộ sách còn được sử dụng để bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức theo Đề án về đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng của Tỉnh ủy.

Thầy Lâm Es cũng là người đề xuất chủ trương khuyến khích cán bộ người Kinh học tiếng Khmer để có thể nghe, hiểu và biết nói tiếng Khmer nhằm tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó với đồng bào dân tộc, vừa thuận lợi, hiệu quả trong công tác dân vận, vừa góp phần củng cố tình đoàn kết, thắm tình dân tộc Kinh - Khmer.

Với những cống hiến không mệt mỏi, thầy Lâm Es được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008 cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Sóc Trăng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng…

Mặc dù tuổi đã cao nhưng với tinh thần tự lực, ý chí vươn lên, noi theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà giáo nhân dân Lâm Es vẫn ngày ngày tiếp tục công việc nghiên cứu, biên soạn tiếng Khmer. 

“Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn tiếng Khmer. Tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để tiếng Khmer được phát huy, lan tỏa hơn nữa.

Đặc biệt, tôi hy vọng các thế hệ trẻ trong cộng đồng người Khmer, bà con Khmer cũng như người dân cả nước cùng nhau xây đắp, giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa của người Khmer”, nhà giáo Lâm Es bày tỏ. 

Sóc Trăng là một tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số. Vì vậy, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng đầu tư. Trên địa bàn tỉnh có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú và Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ thường xuyên duy trì các lớp dạy chữ Khmer với trên 6.000 tăng sinh và con em Phật tử trong phum, sóc thường xuyên theo học. Đặc biệt, cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh được khuyến khích học nói và viết tiếng Khmer. Năm 2019, Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án về đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong giai đoạn 1, đề án đã đào tạo tiếng Khmer cho hơn 500 cán bộ, viên chức, công chức trên địa bàn tỉnh. Kết quả là học viên đã có thể giao tiếp, viết và đọc tiếng Khmer, phục vụ tốt hơn trong công việc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho cán bộ, viên chức, công chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quỳnh Nga