- Vì tình yêu với trái bóng, lão và các học trò đã từng vác thúng đi xin ủng hộ của bà con. Đam mê đến độ “điên” với trái bóng và sự nghiệp đào tạo những cầu thủ bóng đá nữ cho quê hương, đất nước thế nên dù chưa qua trường lớp nào nhưng các học trò vẫn trìu mến gọi lão là thầy.
Tuổi ngoài 60 nhưng tình yêu với trái bóng của lão nông Dương Khắc Kiểm vẫn luôn rực cháy. (Ảnh: Ngô Vinh) |
Thành tích đáng nể
Trò chuyện với tôi, lão tự hào lắm khi mà chính trên cái sân làng do bàn tay lão gầy dựng này, biết bao “sao” của làng bóng đá nữ nước nhà đã được “ra lò” dưới sự dẫn dắt tận tình của lão.
Ngồi bệt trên mặt sân cỏ êm êm, dưới cái nắng dịu nhẹ của buổi chiều cuối thu, đôi mắt lão hấp háy, một cái cười hiền khô.
Lão bắt đầu nhẩm tính. Ấy, vậy mà cũng đã 40 cô bé trưởng thành từ lò đào tạo của lão đã được khoác áo đội tuyển quốc gia. Này nhé, đấy là Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Nga, Dương Khánh Ly, Phạm Thu Trang… Đa số đội tuyển Tràng An 1 và Tràng An 2 đều là trò cũ của lão cả.
Nhìn vào thành tích thi đấu với ngôi vị quán quân của làng bóng đá Đông Nam Á suốt những năm vừa qua mà lão ngậm ngùi: “Chẳng những các trò mà bản thân tôi cũng ngẩn ngơ khi cái tin bóng đá nữ không có trong Sea Games 26 này ở Indonexia. Đấy nước chủ nhà họ có cái quyền gạt đi những môn không phải thế mạnh của họ”. Rồi lão chẹp miệng, xua tay, nói một câu rõ thật buồn: “Chắc các bố sợ mình đây mà”.
Có nhiều cái lẽ để người dân làng Nghiêm Xá (Thường Tín, Hà Nội) gọi lão là Kiểm “hâm” hay Kiểm “điên” hoặc “bầu Kiểm”. Tất cả chung quy cũng bởi từ niêm đam mê và quyết tâm làm cho bằng được của lão mà thôi.
|
Lão buồn lắm khi Sea Games năm nay đội bóng nữ VN với
nhiều trong số đó có các học trò của lão không được
tung hoành, phô diễn sức mạnh của mình. (Ảnh: Ngô Vinh) |
Tất nhiên, nếu đặt trước vận mệnh của đất nước và niềm đam mê bóng đá lão chắc chắn chọn chiến đấu cho độc lập của quê hương. Nhưng rồi chấn thương vì trung bom khiến lão phải từ chiến trường miền Nam phải ra Bắc điều trị, sau thì xin xuất ngủ. Hai vợ chồng nông dân sống nhờ bằng tiền buôn bán, chạy chợ lặt vặt “thôi cũng may là vừa đủ nuôi con”.
Phụ nữ đá bóng là văn minh
Những năm 90 của thế kỷ trước khi đất nước còn vô khó khăn thì câu chuyện lão đâm đầu theo tình yêu với trái bóng, quyết tâm gầy dựng cho được đội bóng nữ của thôn thật không khỏi khiến người ta ì xèo bàn tán, khen có, chê thì cũng nhiều.
Còn lão thì chắc nịch thế này: “Việc tôi ấp ủ lâu rồi. Hồi còn lên Hà Nội bán kẹo cơ, chắt bóp tôi mua được tờ báo thể thao, thấy người Tây họ vô địch bóng đá nữ thế giới, nghĩ sao mình không làm được đội bóng chứ. Phụ nữ mà biết đá bóng thì cũng là văn minh".
Năm 1993, đình thôn được đón nhận di tích Văn Hóa cấp quốc gia. Làng mở hội tưng bừng suốt 3 ngày liền. Trưởng thôn gặp lão: “Ông thử thiết kế xem có trò gì hay hay để mọi người tham gia không?”.
Nghĩ ngợi gì chứ, lão ốp ngay: “Làm bóng đá nữ thôi. Ấy chứ, con gái làng mình gánh phân được là đá bóng được!”. Lãnh đạo thôn mắt tròn mắt dẹt, từ ngơ ngác đến vui rộn ràng khi thấy “cái ý tưởng nghe lạ mà quá hay này”.
Trong vòng 1 tháng, lão đã lập được một đội bóng với tên Thanh Xuân và Tuổi trẻ, hỗ trợ mỗi em tham gia 7.000 đồng để may quần áo. Sân bãi là nền ruộng thôi mà đá “máu” lắm. Người đến xem ngùn ngụt. “Tận cả Hà Nam, Nam Định còn về xem nữa là! Người ta vỗ tay, gật gù trước tài dùng quân của lão. Thậm chí có cặp vợ chồng là “fan” hâm mộ của hai đội còn cãi nhau om tỏi trước độ cạnh tranh quyết liệt của hai đội cơ mà.
Triết lý của ông thầy từng vác thúng đi xin
Sau hò hét là nỗi lo, liệu khán giả sẽ còn những giây phút “nổ” hết mình như thế nữa không khi mà đội bóng của lão thiếu kinh phí nên khó bề duy trì được. Lão mang nỗi niềm ấy tới bàn bạc và được lãnh đạo thôn giúp đỡ. “Không thể đội bóng chết được”, lão phân tích, lão nóng mặt. Và thở phào khi Bí thư chi bộ, Đội trưởng đội sản xuất, bí thư đoàn thanh niên đã ủng hộ và cùng đi quyên góp.
Thế là lão
đi trước, các cầu thủ nhí đi sau, mỗi người
1 thúng (vật để thóc lúa của bà con nông dân) tới
vận động nhân dân giúp đỡ. Lúc đó dân còn nghèo nên
chỉ có thể ủng hộ thóc gạo thôi. Gần 600.000 đồng số tiền
từ bán thóc gạo thời bấy giờ khiến lão mừng phát khóc,
vì “từng ấy ngày xưa là nhiều lắm, cỡ cả chục triệu
so với hiện nay ấy chứ”.
Rồi lão xin phép dùng số tiền đó cho mọi người vay với lãi suất thấp, tiền thu được dùng mua sắm và hỏi han, động viên các cầu thủ và gia đình những lúc hiếu hỉ, ốm đau. Lão tự hào lắm khi cái “văn hóa” ấy vẫn được toàn đội duy trì suốt 20 năm qua.
|
Hình ảnh lão nông ngày ngày bám sân tập, theo sát các học
trò ở làng Nghiêm Xá đã trở nên quá đỗi quen thuộc
(Ảnh: Ngô Vinh) |
Tiếng tăm của lão dần được khẳng định qua những thành tích đáng nể của đội bóng nữ quê ông khi liên tiếp giành giải cao từ vô địch tỉnh đến hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Rồi khi các học trò của lão rời đội bóng “phủi” ở quê lên chơi ở giải quốc gia, mang vinh quang về cho Tổ quốc “đời lão mà nói, chẳng còn gì sung sướng hơn”.
Càng phấn khởi hơn khi Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã tin tưởng giao cho lão phụ trách đội bóng năng khiếu của xã (do sở quản lý) với trợ cấp 1 triệu đồng/tháng, cộng thêm 1,5 triệu đồng trợ cấp chất độc da cam. Cuộc đời xem ra đã trả lại cho lão thật công bằng và xứng đáng với một trái tim, một tình yêu hiếm có với “nghiệp quần đùi áo số” này.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi, chiếc điện thoại nồi đồng cối đá dắt bên hông của lão tíu tít đổ chuông. Học trò của lão gọi điện về thường xuyên, tâm sự với thầy cũng có, hỏi thăm sức khỏe thầy có, mong thầy lên thăm các con thi đấu được có,..ôi là mọi chuyện.
Lão thì cười xòa: “Giờ mình có tuổi rồi, ra thành phố đi lại đông như mắc cửi, sợ lắm”. Song hơn cả là “nếu lão mà đi, ai ở nhà dạy các trò nhỏ?” Đấy chẳng phải đơn giản là phân tích mà là triết lý sống của lão: học bóng đá cũng là học làm người. Và kỷ luật cần đặt lên hàng đầu.
Mải nói chuyện ấy mà quên. Lão bảo phải về gấp, chiều nay đội bóng nam đá ở SEA Games. Lão bắt tay tôi thật chặt rồi lóc cóc dắt “con ngựa sắt” với cái cuốc cài sau xe đạp (ra để sửa lại mặt cỏ sân) vội vã đạp về nhà để kịp giờ bóng lăn.
- Văn Chung