- Đã gần 45 năm, đôi mắt người thương binh không còn nhận biết được ánh sáng nhưng vẫn miệt mài với công tác xã hội, thậm chí còn mở lớp dạy toán cho học trò trong làng và có thể chơi một lúc 4 nhạc cụ. Người dân vùng quê này cho rằng có sự vẫy gọi và dẫn dắt của một tâm hồn và trí tuệ luôn luôn tỏa sáng. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Đăng Khoa ở xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
“Gác bút nghiên lo việc binh đao”
Ông Nguyễn Đăng Khoa |
Trong cảnh trời thu thanh bình, bỗng dưng có tiếng máy bay gầm rú, tiếp đến là những tiếng nổ làm rung chuyển đất trời, người dân Nam Đàn cùng kéo nhau ra đường nhìn về hướng Thị xã Vinh.
Cả một vùng trời bị bao phủ bởi những cột khói đen mù mịt. Vậy là Mỹ đã ném bom đánh phá miền Bắc.
Từ giây phút này ai cũng ý thức được rằng bắt đầu cuộc đối đầu sống còn với không quân Mỹ.
Lúc này, Nguyễn Đăng Khoa quyết định gác lại ước mơ trở thành một kỹ sư cơ khí để lên đường cầm súng bảo vệ quê hương, đất nước. Cũng như nhiều thanh niên thời kỳ bấy giờ, Khoa viết bức huyết tâm thư xin tình nguyện nhập ngũ để sớm được ra chiến trường.
Và rồi, gần một năm sau, ý nguyện của chàng thanh niên quê Bác trở thành hiện thực khi Nguyễn Đăng Khoa có tên trong danh sách bổ sung vào Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường, tiếp tế vũ khí, quân lương vào chiến trường miền Nam. Khoa thật sự vinh dự, tự hào khi được hòa vào đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Đầu năm 1968, trong một trận bom ác liệt, Nguyễn Đăng Khoa không may bị thương nặng ở mắt và phải chuyển về tuyến sau. Trở về với đôi mắt mù lòa, lúc đầu Khoa không tránh khỏi sự bi quan, thất vọng, có lúc tưởng chừng như cánh cửa cuộc sống tương lai đã khép lại hoàn toàn.
Nhưng nhờ sự giúp đỡ, động viên tận tình của người vợ hiền, của anh em họ hàng và chòm xóm, Nguyễn Đăng Khoa ngày càng tìm lại được niềm tin, tinh thần lạc quan để vững bước tiến lên phía trước, dù đôi mắt vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng.
Một nhạc công tài ba
Xác định không thể tiếp tục cầm súng chiến đấu, không thể cầm cuốc, cày để trực tiếp lao động sản xuất, ông Nguyễn Đăng Khoa quyết định tham gia đội văn nghệ xã Nam Lĩnh, góp phần tuyên truyền phong trào lao động sản xuất và chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Ông Khoa có thể chơi một lúc 4 nhạc cụ |
Ông kể: “Những năm ấy, làng mạc, đồng quê bị cày xới bởi bom đạn kẻ thù, khắp nơi nham nhở những hố bom, buộc con người phải nỗ lực hàn gắn vết thương cho đất, xây dựng lại những gì đã bị bom Mỹ tàn phá. Dù còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, tôi quyết phải đem hết khả năng và sức lực của mình để thúc đẩy, cổ vũ tinh thần lao động sản xuất của người dân quê hương”.
Từ đó, ông Khoa trở thành một tuyên truyền viên xuất sắc, thường xuyên tìm hiểu và nêu gương những điểm hình tiên tiến, cập nhật tiến độ sản xuất mùa vụ trên loa truyền thanh của xã. Và trong các buổi biểu diễn văn nghệ, bà con xã Nam Lĩnh thường được thưởng thức tiếng đàn vi-ô-lông của người thương binh mù đệm cho những khúc hát dân ca quê hương thêm mượt mà, sâu lắng.
Bà con càng nể phục hơn khi người nhạc công mù tài ba có lúc chơi tới 4 nhạc cụ. Miệng thổi kèn ac-mô-ni- ca, tay chơi đàn, chân phải gõ trống, chân trái chơi xập xèng, nhạc công Nguyễn Đăng Khoa có lúc giữ vai trò của cả dàn hợp xướng. Có sự góp mặt của ông, đội văn nghệ xã Nam Lĩnh luôn dẫn đầu toàn huyện về thành tích biểu diễn.
Thêm một điều đặc biệt, từ khi được tổ chức lần đầu tiên cho đến nay, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen của tỉnh Nghệ An đã trải qua lần thứ 30 (1981- 2011), và trong 30 lần ấy “người nghệ sỹ mù” Nguyễn Đăng Khoa đều góp mặt và cùng làm nên thành công cho Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Nam Đàn.
Ông tâm sự: “Mình là người dân quê Bác, được đệm đàn và hát lên những khúc ca dâng lên Người còn có niềm vui sướng nào hơn. Vì thế, trong mỗi lần biểu diễn, hình như dòng cảm xúc tuôn trào đã dẫn nhịp cho điệu khèn, nhịp đàn và nhịp trống của tôi...”.
Người thầy soạn giáo án tưởng tượng
Một lần sang nhà hàng xóm uống nước chè xanh, ông Khoa vô tình nghe được hai đứa trẻ đang trao đổi với nhau về một bài toán hình học.
“Tranh luận mãi nhưng vẫn không đứa nào chịu đứa nào, bất chợt những kiến thức hình ngày trước thức dậy trong đầu, tôi liền cầm hòn than vẽ hình giữa sân và giảng giải cho chúng”, ông Khoa kể.
Bọn trẻ trố mắt nhìn, không thể ngờ được cách giải và đáp số của ông Khoa hoàn toàn khớp với hướng dẫn trong sách giáo khoa. Từ đó, hễ gặp bài toán khó, lũ trẻ trong làng lại tìm sang nhà nhờ ông giảng giải.
Lũ học trò tìm đến ngày một đông, trong đầu ông Khoa bắt đầu hình thành ý tưởng tập hợp các em thành một lớp để tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho việc giảng giải. Lúc đầu, các thành viên trong gia đình tỏ ra ái ngại, nhưng trước quyết tâm của ông Khoa và nhận thấy đó là một phần niềm vui, hạnh phúc tuổi già của ông, về sau tất cả mọi người đều ủng hộ.
Ông thuê người đến lợp toàn bộ sân nhà để làm nơi dạy học, rồi mua sắm bàn ghế, bảng viết, sách giáo khoa và các loại đồ dùng phục vụ cho việc học tập của các cháu.
Ở mỗi lớp, ông chọn một học trò khá nhất làm “trợ giảng”, có nhiệm vụ đọc đề và giúp ông viết công thức và kẻ vẽ hình. Sau khi nghe đọc đề, ông dành thời gian suy nghĩ rồi gợi ý và hướng dẫn cách giải, cách chứng minh cho các học trò.
Hỏi “Vì sao mắt không còn nhìn thấy mà ông vẫn có thể đảm nhiệm được vai trò của một người thầy dạy toán?”, ông Khoa trả lời: “Những kiến thức toán học, đặc biệt là hình học được học ngày xưa tôi còn nhớ khá rõ. Khi nghe xong đề bài, tôi tưởng tượng trong đầu về các góc, các cạnh, rồi huy động các công thức liên quan để tìm cách giải quyết hợp lý nhất”.
Từ đó đến nay đã 10 năm và ông Khoa đã mở được 10 lớp học tại gia (mỗi lớp trên dưới 15 em, chủ yếu là bậc THCS), giúp nhiều con em vùng quê nghèo Nam Lĩnh củng cố kiến thức để vững vàng khi theo học các lớp học, cấp học cao hơn.
Em Nguyễn Thị Thu, người đang theo học lớp thứ 10 của thầy Khoa cho biết: “Thầy luôn chỉ bảo cặn kẽ, tận tình nên rất dễ tiếp thu. Được theo học thầy Khoa nên môn toán của em vững lên rất nhiều, tiếp thu bài học cũng nhanh hơn”. Điều đáng nói là dù bỏ thời gian, công sức (2 buổi/ tuần) nhưng lớp học của ông Khoa tổ chức hoàn toàn miễn phí.
Ông chia sẻ: “Mình là thương binh nặng, được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt của Nhà nước rồi, giờ giúp ích được gì cho con cháu gần xa, cho xóm giềng, cho quê hương thì lấy đó làm hạnh phúc”.
Không chỉ kiến thức về hình học, ông Nguyễn Đăng Khoa còn nắm rất vững kiến thức về lịch sử, văn hóa và xã hội. Và mỗi khi “bí” về mảng kiến thức này, lũ trẻ trong làng cũng tìm đến ông. Vừa rồi, ngành Giáo dục Nam Đàn tổ chức cuộc thi “Em yêu quê hương” cho các trường THCS trên toàn huyện, ông Khoa đã kịp thời bổ trợ những kiến thức về lịch sử, văn hóa để các em học sinh Trường THCS Nam Lĩnh dự thi thành công và giành được giải cao.
Những kiến thức ông tích lũy chủ yếu được tiếp nhận qua các phương tiện truyền thông, bởi với ông đó là những vật gần như là “bất ly thân”.
“Mình đã mất đi nguồn ánh sáng thì phải vận dụng tối đa nguồn âm thanh để tiếp nhận và khám phá thế giới bên ngoài. Vì thế, tôi thường xuyên nghe đài, ti vi và nhờ con cháu đọc báo để học tập và nâng cao kiến thức cuộc sống. Ngày nào không được tiếp nhận thông tin, ngày đó tôi thấy mình tụt hậu” - ông Khoa tâm sự.
Hỏi về những danh hiệu được tặng thưởng, ông Nguyễn Đăng Khoa trả lời: “Nhiều, nhiều lắm! Có hàng chục cái, Huân - Huy chương, Kỷ niệm chương, rồi bằng khen, giấy khen tôi để trong tủ cả. Tính tôi không thích trưng ra ngoài. Với tôi được gia đình, họ hàng, làng xóm và bạn bè quý mến là đủ”.
Bùi Công Kiên