Dù bị Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cản đường, ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm vẫn thẳng tiến đi lên.
Sẩy chân vào tù
Được coi là anh cả của làng thủy sản Việt Nam, công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) dẫn đầu về vốn hóa thị trường cũng như thị phần. Chính vì vậy, khi nhắc tới thủy sản, người ta nghĩ ngay tới Hùng Vương. Và khi nghĩ tới Hùng Vương, người ta nghĩ ngay tới ông chủ Dương Ngọc Minh.
Hiện tại, ông Minh đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HVG. Ông Minh sở hữu hơn 43,6 triệu cổ phiếu HVG, tương ứng 36,37% vốn. Ông Minh là cổ đông lớn nhất tại Hùng Vương. Đứng sau ông là Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI với tỷ lệ nắm giữ 14,53%. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, SSI tuyên bố thoái vốn khỏi HVG.
Ông Minh thường xuyên nằm trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Có nhiều thời điểm ông lọt vào Top 10. Đại gia thường xuyên “tranh giành” vị trí áp chót với ông là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kinh Bắc.
Không chỉ là ông chủ lớn của Hùng Vương, ông Minh còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF). Tuy nhiên, ở 2 công ty này, ông Minh không phải là cổ đông lớn. Tại AGF, ông chỉ đại diện HVG sở hữu hơn 13 triệu cổ phiếu AGF, tương ứng 51,41% vốn.
Ông Dương Ngọc Minh và ca sỹ Mỹ Tâm |
Những người quan tâm tới doanh nhân và đặc biệt quan tâm tới thị trường chứng khoán đều biết khá rõ ông Dương Ngọc Minh. Nhưng còn với dư luận nói chung, phải tới khi ông Minh dính “nghi án” là người tình của ca sỹ Mỹ Tâm, tên tuổi của ông mới được phổ biến rộng khắp. Trước đây, thậm chí có tin đồn còn cho rằng ông Minh và ca sỹ Mỹ Tâm sắp kết hôn.
Tuy nhiên, thông tin này nhanh chóng bị bác bỏ. Hình ảnh Mỹ Tâm bên ông Minh không thể hiện mối thâm tình. Đó chỉ đơn giản là hai người bên nhau khi cùng đi làm từ thiện. Tin đồn này lắng xuống nhưng người ta vẫn nhớ tới ông Minh như là “người tình tin đồn” của ca sỹ Mỹ Tâm.
Giàu có, nổi tiếng là thế nhưng người đàn ông sinh năm 1956 này cũng đã trải qua đủ cung bậc vui buồn, đắng cay của cuộc sống.
Ông Minh đến với kinh doanh khá sớm. Sau ngày giải phóng, ông Minh tham gia Thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, Tp.HCM). Ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc nông trường Duyên Hải, đơn vị áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi.
Đến năm 1984, khi mới chỉ 28 tuổi, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Công ty Đông lạnh Hùng Vương. Hùng Vương mang cho ông nhiều trái ngọt nhưng cũng trút lên ông nhiều trái đắng. Ông được tung hô khi đưa Hùng Vương lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản.
Nhưng 11 năm kể từ ngày ông điều hành Hùng Vương, ông đã nhận án tù vì tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Nguyên nhân là tỷ giá USD tăng mạnh khiến những khoản nợ mua máy móc, thiết bị tính theo USD tăng vọt đẩy công ty lâm vào tình cảnh vỡ nợ, phá sản.
Sau 6 năm, ông được ra tù trước hạn. Ông không gục ngã và bắt đầu lại từ đầu. Năm 2003, ông thành lập công ty, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương. Ông không mất quá nhiều thời gian để đưa Hùng Vương trở lại vị trí dẫn đầu trong làng thủy sản.
Năm 2009, gần 60 triệu cổ phiếu HVG chính thức chào sàn thành phố Hồ Chí Minh với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP.
Âm thầm “thắng” Mỹ
Ngành cá tra Việt Nam luôn đau đầu vì những sự can thiệp của Mỹ. Các bản tin thời sự đã quá quen thuộc với những thông tin kiểu như Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ nên DOC tăng thuế. Mỗi lần DOC tăng thuế, Hùng Vương là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chắc hẳn ông Minh rất bất bình khi HVG bị áp thuế 2,15 USD/kg. Đây là mức thuế rất cao, có thể gây khó cho bất cứ doanh nghiệp nào. Cuối tháng 3 năm nay, DOC bớt gây áp lực khi giảm thuế cho HVG xuống 1,2 USD/kg. Tuy nhiên, đây vẫn mà mức thuế gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Bị Mỹ liên tiếp gây áp lực nhưng Hùng Vương vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn dù thời điểm ban đầu, HVG cũng khá lao đao. HVG bị DOC công bố áp mức thuế 2,15 USD/kg vào đầu tháng 9/2013 – thời điểm kết thúc quý 3 và bắt đầu quý 4. Ngay lập tức HVG bị ảnh hưởng nặng nề. Chuỗi quý lãi chục tỷ, trăm tỷ đã kết thúc. Quý 4, công ty mẹ lỗ 36 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 52 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2013, HVG vẫn lãi 250 tỷ đồng.
Dù lỗ quý 4/2013 nhưng HVG vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận 2014 là 700 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2013. Không chỉ có vậy, ông Minh tỏ ra khá hào phòng khi chi 100 tỷ đồng thưởng Tết cho nhân viên. Ngoài ra, HVG còn rót 182 tỷ đồng chào mua công khai cổ phiếu VTF và AGF. Có vẻ như tiền mặt không phải vấn đề lớn với ông Minh.
Không chỉ tự tin trong kế hoạch kinh doanh của mình, ông Minh còn thắng Mỹ ở điểm vẫn nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Bằng chứng là dòng vốn chảy vào HVG vẫn tương đối mạnh.
Tính từ đầu tháng 10, thời điểm HVG bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng thuế của DOC tới ngày 8/4, HVG vẫn tăng 6.000 đồng/CP, tương ứng 28,6%. 28,6% không phải mức tăng mạnh so với nhiều cổ phiếu khác nhưng rõ ràng đây là một điểm sáng khi HVG vẫn đang phải đối mặt với khó khăn, mà khó khăn này lại được công khai rõ ràng.
Đà tăng của HVG giúp ông Minh có thêm gần 262 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán. Tổng giá trị chứng khoán mà ông sở hữu là 1.182 tỷ đồng. Vị trí trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam của ông Minh được cải thiện 1 bậc so với cuối năm 2013 lên vị trí 12. Nếu tính cả hơn 13,1 triệu cổ phiếu AGF, tương ứng 278,5 tỷ đồng mà ông đại diện sở hữu cho HVG thì ông có thể vươn lên 1 bậc nữa để tiếm ngôi ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.
(Theo VTC)