Quan niệm “hàng xa xỉ không bao giờ lỗi mốt” chưa bao giờ đúng đến thế. Năm 2023, người tiêu dùng toàn cầu mua gần 50 tỷ USD quần áo, túi xách và phụ kiện đã qua sử dụng, chiếm 12% giá trị thị trường hàng hóa xa xỉ.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) của Mỹ, riêng với mặt hàng đồng hồ xa xỉ, doanh số bán lại chiếm 30% tổng giá trị thị trường và tốc độ tăng trưởng đang vượt xa doanh số bán đồng hồ xa xỉ mới.

Trong khi một số thương hiệu xa xỉ lo ngại về tác động của thị trường bán lại đối với doanh số bán hàng mới thì các nhãn hiệu có triết lý kinh doanh cấp tiến như Gucci đang thử nghiệm các cách để kết hợp bán lại vào mô hình bán lẻ của mình. Nếu thực hiện tốt, cách tiếp cận này có khả năng thu hút tầng lớp khách hàng mới và xoa dịu mối bận tâm về tính bền vững của những người mua sắm trẻ tuổi.

methodetimesprodwebbin20b68924 d.jpg
Các nền tảng bán lại mang đến sức sống mới cho hàng xa xỉ cũ, với những khách hàng hoàn toàn mới

Quan hệ đối tác mới của Gucci với nền tảng bán lại hàng xa xỉ Vestiaire cho phép khách hàng đổi những món đồ "đã qua sử dụng" để lấy tín dụng từ cửa hàng. Gucci và Vestiaire xác thực các mặt hàng đã đổi, tân trang lại và sau đó bán ra như hàng chính hãng đã qua sử dụng.

Hầu hết người mua sắm hàng xa xỉ vẫn tìm kiếm hàng mới, nhưng ngày càng có nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi tỏ ra cởi mở hơn nhiều so với người mua sắm lớn tuổi, sẵn sàng mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng. Sự khác biệt này có thể là do mức thu nhập khả dụng thấp hơn của người mua sắm trẻ tuổi. Đồng thời, những người mua sắm trẻ thuộc thế hệ Z và Millennials đều lo ngại về việc sử dụng tài nguyên và tính bền vững. Điều này có ảnh hưởng to lớn đến sở thích mua hàng đã qua sử dụng của họ.

Cuộc khảo sát với 350.000 người tiêu dùng Mỹ cho thấy, khi khách hàng trẻ tin rằng một thương hiệu quan tâm đến tác động đối với con người và hành tinh, họ có khả năng mua sản phẩm đó cao hơn 27% so với các thế hệ cũ - một thước đo rõ ràng về sức mạnh của tính bền vững trong việc thúc đẩy quyết định mua hàng của nhóm khách này.

Đến năm 2030, người tiêu dùng thế hệ Z và Millennials ở Mỹ dự kiến sẽ có sức mua vượt trội, khi sự thay đổi lớn về tài sản giữa các thế hệ diễn ra. Các thương hiệu như Gucci áp dụng chương trình thu hồi và bán lại đang đầu tư vào lòng trung thành của nhóm khách hàng dài hạn trong tương lai, tránh bị loại khỏi lĩnh vực bán lại bởi các nền tảng bán lại kỹ thuật số đang ngày càng tăng.

Một giai đoạn phát triển mới của các nền tảng bán lại kỹ thuật số

Các nền tảng bán lại thời trang – dù chỉ dành riêng cho hàng xa xỉ hay sự kết hợp giữa thời trang xa xỉ và thời trang đại chúng – đã trở thành cơn sốt với nhiều người tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19 và có xu hướng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc hỗ trợ mua sắm bền vững, nhiều ứng dụng bán lại như The RealReal, Poshmark, ThredUp, Vinted và Farfetch còn cung cấp dịch vụ chuyên gia xác thực để đảm bảo rằng các sản phẩm xa xỉ được giao dịch trực tuyến là hàng chính hãng.

Các nền tảng bán lại hàng xa xỉ kỹ thuật số cũng phù hợp với cách người tiêu dùng trẻ tuổi, với phương thức mua sắm trực tuyến trên các thiết bị điện tử, khi họ có thời gian, thay vì phải trực tiếp đến các cửa hàng. Với các nền tảng này, ngoài việc xác thực hàng hóa, người mua có thể kiểm tra xếp hạng người bán, đưa ra lời đề nghị về sản phẩm và thường nhận được các mặt hàng đã qua sử dụng được đóng gói vận chuyển một cách cá nhân hóa nhờ sự sáng tạo của cửa hàng, tạo nên trải nghiệm dễ chịu.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, cho đến năm 2030, các nền tảng kỹ thuật số chuyên biệt là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, với mức tăng trưởng dự kiến ​​là 20-30%/năm, so với tốc độ tăng trưởng khoảng 10–15%/năm của toàn bộ thị trường bán lại hàng xa xỉ.

Nếu các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng chỉ có trên các nền tảng của bên thứ ba, khách hàng sẽ xây dựng mối quan hệ với các nền tảng đó, thậm chí là các nhà bán lẻ cụ thể trên các nền tảng đó, thay vì với chính thương hiệu.

Gucci không phải là thương hiệu cao cấp duy nhất áp dụng cách tiếp cận này. Hãng đồng hồ Rolex cũng áp dụng chương trình trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng của riêng mình, làm nổi bật độ bền và phong cách vượt thời gian của thương hiệu.

Balenciaga có một chương trình tương tự như mô hình của Gucci, với một đối tác xử lý xác thực và bán lại để khách hàng có thể “trở thành một phần của cuộc cách mạng thời trang tuần hoàn”. Thông điệp khuyến khích cả khách hàng mua mặt hàng mới khi biết rằng có thể bán lại chúng để không bị lãng phí.

Khi người tiêu dùng trẻ tuổi ưu tiên tính bền vững và các nền tảng bán lại phát triển bùng nổ, các thương hiệu xa xỉ buộc xem xét lại cách duy trì mối quan hệ trực tiếp và bền vững với những người mua sắm. Các thương hiệu phải chấp nhận hoạt động bán lại để xây dựng lòng tin và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, nhờ đó theo kịp cách thế hệ trẻ mua sắm hàng xa xỉ.

(Theo Vogue, Drum)