Giữa đêm, khi toàn thành phố đã chìm sâu dưới ánh đèn, hàng trăm người vô gia cư vẫn phải đánh vật với giấc ngủ rét mướt bởi những tấm chăn vốn chẳng đủ giữ ấm cho cơ thể. Trong số họ có những người già đã đi quá nửa đời cùng sự thiếu vắng hơi ấm gia đình trọn vẹn.
“Thế giới” của người già vô gia cư là trong bóng tối hoặc dưới ánh sáng yếu ớt hắt vào của những cột đèn đường. Nói là “thế giới”, bởi lẽ, khi bóng tối bao trùm, các cửa hàng đóng cửa, họ mới có một nơi ăn chốn ngủ.
Chỉ người vô gia cư mới khao khát bóng tối đến thế! Sau một ngày lang thang nuôi sống bản thân, họ được ngả lưng, lấy màn đêm làm nơi nương tựa.
Người vô gia cư ở đây hầu hết là những người già neo đơn. Họ cũng có quê hương, nhà cửa nhưng bỏ đi biệt xứ. Do bần hàn nên con cái không thể “giữ chân người đi”. Lên Hà Nội mưu sinh, nhiều cụ ông, cụ bà không có một đêm ngon giấc với chỗ ngủ ấm áp.
Bà Mùi (Hà Nam) |
Ngay từ mờ sáng, bà Mùi (Hà Nam) đã chống nạng đi nhặt nhạnh bao bì, ni lông, hay bất cứ thứ gì có thể bán được. Giữa trời đông lạnh, bàn chân bà không có nổi một đôi tất. Cái áo khoác hỏng khóa được đính lại sơ sài bằng chiếc ghim băng méo mó.
Nhắc đến cuộc đời bất hạnh, bà tủi thân khóc. Lau vội nước mắt bằng đôi bàn tay nhăn nheo, nứt toác bởi nẻ cùng sự nhiễm khuẩn của rác, bà tâm sự: “Con cái làm gì còn mà cấm không cho đi? Nó mất rồi. Bị tai nạn. Ông nhà tôi cũng ốm, chạy chữa nhưng không khỏi. Giờ chỉ còn mình tôi sống vạ vật cho qua ngày nhờ vào lòng thương của người đi đường”.
Bà Mùi bỏ quê lên đây cũng đã ngót chục năm. “Lúc trước khỏe còn đi nhặt rác đủ tiền thuê nhà giá rẻ. Giờ cũng 76 tuổi, hay đau chân, không đi xa được. Tiền chẳng kiếm ra nên ngủ luôn ở vỉa hè, trải bạt làm nền, xốp làm gối”. Nói rồi, bà nhoẻn miệng cười, chậm chạp trải “giường” ra làm minh chứng.
Cứ tưởng ở tuổi “gần đất xa trời”, bà sẽ được sum vầy bên con cháu. Nhưng với người phụ nữ nửa đời cô quạnh, ước mơ này lại quá xa vời.
Những mảnh bạt được trải ra làm đệm, mảnh xốp làm
gối |
Lạc lõng một góc là người đàn ông đang cầm hộp xôi của nhóm tình nguyện nào đó vừa biếu. Ông nói: “Ăn ít một mai còn có cái mà ăn”. Những người vô gia cư ở đây không ai không biết ông – một người đàn ông không nhớ nổi tên mình.
Khi được biếu đồ ăn, ông vội vui mừng chìa tay: “Cô cho tôi đồ ăn hả? Đồ ăn hết rồi. Hôm qua mới cất đây, chưa ăn đã bị chuột tha đi mất”. Hỏi ra mới biết, mấy hôm trước, ông khóc rưng rức vì biết mất sữa và tiền sau khi tỉnh dậy. “Các ông, các bà hay được biếu tiền, bánh kẹo, nhưng nào có dám tiêu. Dành dụm cất đi phòng khi đau ốm. Để ở đây thì “chúng nó” cuỗm sạch. Tiền mất, hộp sữa, hộp bánh chắc chỉ còn toàn vỏ. Bà phải gửi chỗ chú bảo vệ kia kìa, khi cần thì xin lại.” – Bà Mùi phân bua.
Không nhớ nổi tên mình, không nhớ nổi quê hương bản xứ, ông lạc lõng cô đơn ở nơi “phố là nhà” |
Không nhớ nổi tên mình, không nhớ nổi quê hương bản xứ, ông lạc lõng cô đơn ở nơi “phố là nhà”. Ai cho đồ ăn, ông giơ tay ra nhận mà chẳng cần hỏi han, thắc mắc. Ông xem đó là cảnh bình thường mà bất cứ người vô gia cư nào cũng có thể đón nhận lòng thương từ người xa lạ.
Với những người “gần đất xa trời” phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”, sợ nhất là đau ốm, sau là mưa bão: “Một thân một mình, ốm biết ai chăm sóc. Còn trời mưa rét như mấy hôm nay thì không nằm nổi, cứ phải ngồi co ro trùm áo mưa kín, úp nón lên mặt mà ngủ”.
Thúy Nga