- Anh chồng tiến sỹ gửi đơn xin ly hôn, ra đến tòa, người vợ tìm mọi cách để chứng minh với HĐXX, đó chỉ là một “màn kịch”...

Đầu tháng 5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp ly hôn giữa anh M. và chị T. (cùng 32 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội). Là nguyên đơn, anh M. vắng mặt vì đang ở nước ngoài.

Trong lá đơn xin ly hôn, anh M. trình bày: Năm 2007, anh và vợ kết hôn và sau đó có chung con trai 7 tuổi. Quá trình sinh sống, giữa hai người đã nảy sinh mâu thuẫn không thể hàn gắn.

Tháng 9/2008, anh M. sang Pháp học tiến sỹ theo Đề án 322 của Nhà nước. Khoảng cách địa lý khiến tình cảm vợ chồng anh càng lạnh nhạt rồi lịm tắt dần. Người chồng mong muốn được ly hôn vợ và sẵn sàng chu cấp cho con trai mỗi tháng 5 triệu đồng.

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Bị triệu tập đến tòa để giải quyết chuyện ly hôn, là bị đơn, chị T. một mực cho rằng, việc chồng chị gửi đơn xin ly hôn chỉ là một “màn kịch” đã được cả hai bàn bạc trước đó.

Khai báo việc ly hôn chỉ là giả dối, chị T. cho biết, tình cảm vợ chồng chị vẫn mặn nồng.

Theo trình bày của chị T.: Đã có một bằng thạc sỹ, năm 2014, chị xin cơ quan tạo điều kiện để đi du học Pháp tự túc, những mong được gần gũi, chăm sóc chồng. Gửi lại con nhỏ cho ông bà ngoại, chị bay sang Pháp để được gần chồng.

Chị T. trình bày, ở Pháp, vợ chồng chị thuê căn hộ chung sống hạnh phúc. “Anh ấy chu cấp cho tôi toàn bộ mọi chi phí như ăn ở, thuê nhà, cả tiền học phí. Tôi không phải lo gì cả”, chị nói.

Theo lời chị T., chị rất yêu thương chồng. Và để được định cư tại Pháp, vợ chồng chị đã bàn nhau quay về Việt Nam, làm ly hôn giả, rồi sau đó quay lại Pháp kết hôn với người bản địa. Khi mọi việc xong xuôi, vợ chồng họ sẽ kết hôn lại.

“Khi về nước, tôi cảm thấy việc làm này rất rủi ro, trái pháp luật và không tốt cho hôn nhân của mình. Suy đi tính lại, tôi không đồng ý kế hoạch này”, chị T. trình bày.

Nghe bị đơn trình bày, HĐXX hỏi: “Chị nói vợ chồng chị giả mạo ly hôn, chị có chứng cứ gì để chứng minh không? Ví dụ như tin nhắn, email?” Chị T. lắc đầu buồn bã.

HĐXX hỏi tiếp: “Nếu anh chị đã bàn bạc với nhau và bản thân chị không đồng ý với cách làm trên, vậy sao khi chị về nước, anh vẫn đưa đơn ly hôn?”.

Chị T. đáp: “Thời gian anh về nước, tôi đang chú tâm thi cử ở Pháp nên không biết tâm tình của chồng. Sau đó, tôi hỏi thì anh bảo chỉ có cách này mới chắc chắn. Còn bây giờ tôi không đồng tình. Đến giờ phút này, tôi muốn chia sẻ với quý tòa, tôi chỉ mong muốn gia đình được đoàn tụ.”

Chủ tọa giải thích, ý định giả ly hôn là vi phạm pháp luật, lừa dối Chính phủ 2 nước. Một vị Hội thẩm nhân dân lên tiếng: “Trong trường hợp này, người chồng sẽ không bao giờ hành động như vậy. Một người bảo xin ly hôn, một người nói không phải. Người nghe cảm thấy khó chấp nhận lắm. Tòa rất ủng hộ nếu giữa hai người còn tình yêu, nếu không còn, chị suy nghĩ lại để chúng tôi quyết định đúng bản chất của vụ việc.”

Đứng trước tòa, chị T. một mực khẳng định: “Hai vợ chồng tôi vẫn yêu thương nhau. Dù ở Pháp hay Việt Nam, chúng tôi vẫn là một gia đình”.

Được mời đến tòa, bố đẻ của chị T. cho biết, ở Pháp, mỗi tuần anh M. vẫn liên lạc với gia đình qua facetime để trò chuyện với con trai. Khi về nước, con rể ông vẫn ở cùng nhà với vợ. Ông tỏ ra rất bất ngờ khi nhận được giấy triệu tập của tòa. Gọi điện hỏi con rể, anh M. nói, đó là ý đồ giữa hai vợ chồng.

Sau khi nghị án, nhận thấy mục đích ly hôn của anh M. và chị T. là không chính đáng, HĐXX đã bác đơn xin ly hôn của anh M.

T.Nhung