- Truyện dài “Người yêu dấu” của nhà văn Dạ Ngân mang tầm vóc tiểu thuyết, khẳng định một dấu ấn mới của nhà văn đặc trưng Nam Bộ khiến độc giả khóc, bất ngờ, xúc động. 

Ngắn gọn, cô đọng nhưng vẫn mang tầm vóc của một tiểu thuyết, “Người yêu dấu” của nhà văn Dạ Ngân vừa ra mắt trong những ngày đầu tiên của năm mới 2017 (nằm trong tập “Người yêu dấu và những truyện khác”, NXB Phụ Nữ ấn hành) ghi thêm một dấu mốc quan trọng cho đời văn của nữ tác giả. 

“Người yêu dấu” khiến độc giả nghẹn lời, tức thở, thậm chí khóc ròng từ dòng đầu cho tới dòng cuối bởi tình yêu thật nhất, người nhất, và cũng khác biệt nhất trong từng nhân vật. 

{keywords}

Tập truyện gồm một truyện dài có độ nén của tiểu thuyết (Người yêu dấu) và 9 truyện ngắn, Dạ Ngân dựng lại khung cảnh đời sống xã hội hậu chiến, khi thân thể đất đai vẫn còn hằn dấu đạn bom, những cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc và hàng triệu người thanh niên tiếp tục lên đường, bỏ lại nơi chiến địa cả tuổi xuân, sức sống và tình yêu. 

Dạ Ngân tự sự: “Tôi được hoài thai trong cuộc chiến thứ nhất, tham dự cuộc chiến thứ hai và may mắn sống sót. Tôi đi Campuchia bốn lần, năm 1979 khi vừa mới giải phóng, tất cả là hoang tàn; năm 1981, chúng tôi giúp nước bạn dựng lại từng mái trường, trạm xá. 

Năm 1984, tôi hành quân cùng bộ đội sang tận gần biên giới Thái Lan, vùng rừng già Tà Sanh, giai đoạn chiến sự ác liệt nhất. Mất mát nhiều vô kể, những người lính, những đại đội trưởng, đại đội phó vừa chia tay chúng tôi sau đó đã được tin hy sinh toàn bộ. Tất cả đều còn rất trẻ. Lần nào nhắc chuyện này, tôi cũng không kìm được nước mắt - nhà văn nghẹn ngào kể - Ba cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ, ai cũng là chiến binh. Tôi phục họ, những người lính thiện chiến. Họ hy sinh, trả giá. Chúng tôi không viết về họ thì ai viết?”

{keywords}

Nhà văn Dạ Ngân khóc khi nhắc lại ký ức chiến địa trong buổi ra mắt cuốn sách

Không chỉ cái chết, ký ức chiến địa đầy rẫy những thân thể trai tráng bị mìn sát thương cắt cụt chân, cắt đi cả phần khẳng định nam tính của họ, hình ảnh những đôi chân trận mạc bị cưa “sống” giữa khói bom, quẳng lịch bịch vào cái xô đẫm máu khiến người anh họ bác sĩ hễ cứ nhắc tới món giò heo là muốn ói. Cái ôm siết chặt đến đau đớn, tức thở của người nữ nơi chiến trường với người nam đã bị những cơn sốt rét rừng quật ngã, bào mòn, rút hết từng giọt sinh lực chảy tràn trong những dòng mồ hôi cứ trào ra mải miết, như thác, như lũ, không cách gì dừng lại được. 

Trang viết của Dạ Ngân về chiến tranh rất “đời”, rất thật và rất “người” với cái tình sâu kín đến độ nghẹn ngào chẳng thể nào thốt được thành lời nhưng lúc nào cũng trào dâng ngùn ngụt hơn mọi lửa cháy, bom rơi đạn nổ hay rào cản cách ngăn. Xót lòng bật khóc khi lời yêu chỉ được “nói” ra theo một cách thức đau đớn, trong di bút đẫm đặc cái tình sâu nặng của người trở về đã yên lòng nằm lại nơi mé vườn, sau khi đã trút bỏ mọi sinh lực mà tạo hoá ban cho vào cuộc chiến. 

Nhà văn tự sự, chị tâm huyết với quan niệm “Văn học là ký ức loài người” nên quyết liệt đóng cửa một mình trong ngôi nhà vắng, hai năm viết “Người yêu dấu”, chồng chị cũng phải dăm lần bẩy lượt “di tản”, con gái và các cháu ngoại cũng không được “bén mảng” để chị được một mình sống với trang viết. Cho đến ngày đón đứa con tinh thần mới ra đời, chị mới nói được lời cảm ơn với chồng, con và các cháu – những người đã bảo bọc nhà văn được sống đúng là mình. 

Trên những trang viết không có bóng dáng cá nhân của nhà văn, đó là câu chuyện ám ảnh với cô giáo Liêm Chi, với bà má miền Nam khắc nghiệt nhưng lòng “nhân” vô bờ, với người anh hùng trận mạc Thế Cang, với tất cả những hy sinh, đớn đau, chịu đựng và hụt hẫng đi qua chiến tranh, ôm trong lòng tình yêu vô vọng rực cháy, hướng về những trong sáng vô ngần. 

Dạ Ngân nói: “Nhà văn phải chìm xuống để nhân vật nổi lên”. Đàn bà trong Người yêu dấu có tính cách như nước, mềm như nước mà sắc cũng như nước. Sức mạnh nữ tính đưa họ qua biến cố can qua, những mẹ, những chị, những người con gái giản dị, quê mùa trong truyện đầy thông tuệ, mang tính biểu tượng. 

Đàn ông hiện lên trong văn Dạ Ngân với cái đẹp mạnh mẽ của sức trai, tuổi thanh xuân quăng mình vào cơn gió bụi. Tất cả các nhân vật đều chứng kiến tận cùng đau khổ, tận cùng hy sinh, sự khốc liệt phi nhân tính của con quái vật chiến tranh. Khi trở về kiệt quệ, người trai chiến trận cố gắng hé mắt nhìn dòng sông, rặng dừa, ngắm người con gái ngồi cạnh trong lần cuối cùng của một đời sống, để ghi dấu mãi mãi yêu thương: “Hôn em, nụ hôn dài bằng cả tuổi thanh xuân của chúng ta!”.

{keywords}

Đông đảo độc giả, bạn bè văn nghệ tri âm tri kỷ của đôi vợ chồng nhà văn Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân đã đến chia vui, cùng đón “đứa con tinh thần” mới của nữ nhà văn

Chính những tình cảm thiêng liêng mà tác giả đã trao cho từng người trong truyện lại là biểu tượng đau khổ, giằng níu, trói buộc lẫn nhau của loài người. “Người yêu dấu” đã khẳng định sức nặng của truyện không phụ thuộc vào độ dày trang sách, bởi độc giả cảm nhận được sự tôn trọng mà tác giả dành cho họ khi kiệm từng chữ, chọn từng lời. Còn lại cuối cùng là một tình yêu sâu sắc, rung động khiến người đọc phải bật khóc, không phải những giọt nước mắt bi lụy, mà vì đã bị/được đánh động lương tâm, làm thức dậy cảm xúc về cái Đẹp tuyệt vời. 

Dấu mốc mới sau “Gia đình bé mọn”

Dạ Ngân là tác giả của nhiều tiểu thuyết và tập truyện đã ấn hành. “Người yêu dấu và những truyện khác” được các nhà phê bình đánh giá cao và được coi là dấu ấn mới đột phá về nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn sau các cuốn sách đã in: Gia đình bé mọn đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp; Quãng đời ấm áp, 1986; Con chó và vụ ly hôn, 1989; Cõi nhà, 1993; Dạ Ngân – truyện ngắn chọn lọc, 1995; Nhìn từ phía khác, 2002; Nước nguồn xuôi mãi, 2007; Chưa phải ngày buồn nhất, 2012… 

Hoà Bình