Các chuyên gia lo ngại sự gia tăng các bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện game, đặc biệt sự gia nhập của trò chơi Pokemon mới đây tại Việt Nam.

 

Có thể tự tử, giết người

TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi có game mới lạ như Pokemon Go gần đây, xu hướng chung của giới trẻ luôn muốn chơi, tìm tòi để khẳng định mình. Chơi rồi ham mà không biết mình nghiện lúc nào.

 

{keywords}

Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm luôn chen chúc game thủ rình bắt Pokemon. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo TS Dũng, khi chơi game có 4 mức độ: Chơi một chút, chơi từng đợt, lạm dụng và cuối cùng là nghiện. Khi nghiện sẽ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, giảm thích thú. Nếu chơi quá 7 tiếng/ngày sẽ gây ra rối loạn tâm thần.

“Khi rối loạn tâm thần kéo dài sẽ gây mệt mỏi, suy nhược, có những hành vi khác lạ, thiếu kiểm soát có thể dẫn đến tự tử hoặc tấn công dữ dội nhất là giết người”, TS Dũng cảnh báo và cho biết nghiện game cũng nguy hiểm như nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện sex…

BSCK II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng cho rằng, với sự mới lạ và hấp dẫn của các game gần đây, đặc biệt là Pokemon Go đang khiến giới trẻ say sưa và dự báo sẽ có nhiều trường hợp phải vào viện tâm thần điều trị.

“Tất cả những trò chơi nào cuốn hút sẽ gây nghiện rất nhanh. Mỗi ngày chỉ cần chơi tăng thêm 1-5 phút thì chỉ vài tháng là nghiện rồi. Với những bé 10-12 tuổi, bố mẹ có thể cấm được nhưng những thanh niên 16-17 tuổi thì bất lực”, BS Cương nói.

Nguy cơ mất một thế hệ

BS Cương cho biết ông đã từng gặp nhiều trường hợp nghiện game nặng vào viện không đi lại được, phải có người dìu như trường hợp một nam sinh viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách Khoa Hà Nội.

“Cậu thanh niên này không chịu ăn uống khiến cơ thể suy kiệt nghiêm trọng, chỉ nằm một chỗ, không đi lại được nhưng vẫn có thể ngồi dậy để chơi game. Gia đình làm mọi cách cũng không thể kéo con ra khỏi màn hình”, BS Cương chia sẻ.

Theo BS Cương, với những người nghiện game nặng, trước mặt luôn hiện ra một màn hình ảo nên bố mẹ có khuyên ngăn cũng chỉ nghe để đó, biết là sai mà không thể cai được.

Ngoài tác hại đến sức khỏe, dần dần người nghiện game bị biến đổi nhân cách sâu sắc, chống đối gia đình, xã hội, thậm chí hung hãn, tấn công người khác.

Do đó khi thấy con nghiện game, cha mẹ phải có giải pháp mạnh chứ không dừng ở khuyên nhủ. Tuy nhiên ít gia đình muốn tách con và đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị vì coi chữ “tâm thần” nặng nề.

“Có gia đình cho con đến bệnh viện 2-3 tuần xong lại xin về. Có người thì chỉ gọi điện xin tư vấn xong rồi để đó. Không cách ly kịp thời thì đứa trẻ sau đó dễ bị trầm cảm, rối loạn tâm thần”, BS Cương cảnh báo và dẫn chứng cách đây 5-7 năm, Nhật Bản từng mất cả một thế hệ thanh niên vì nghiện game.

BS Cương cho biết, sau khi nhiều bạn trẻ cai nghiện game thành công đã tâm sự rằng rất tiếc nuối vì đã đánh mất quá nhiều thời gian, giờ muốn quay lại cũng không được nữa.

Với những trường hợp nghiện game, các bác sĩ sẽ tập trung cách ly là chính, sau đó dùng các thuốc chữa triệu chứng như thuốc bổ, thuốc trị mất ngủ…

T.Hạnh