Vừa qua, một bệnh nhân nam 37 tuổi đã được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng khó thở nặng, đau ngực, tim đập nhanh 105 lần/phút.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, anh được chẩn đoán tăng huyết áp khoảng 2 tháng qua. Một tuần trước nhập viện, anh thấy sức khỏe dần ổn định nên uống thuốc không đều, có khi bỏ thuốc cả ngày. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tim đập nhanh, ngày càng mệt mỏi, khó thở.

Tại bệnh viện, sau khi đo điện tâm đồ, bác sĩ đánh giá, việc ngưng uống thuốc khiến tần số tim của người bệnh tăng cao quá mức. Anh có thể bị suy tim, nhồi máu cơ tim nếu tình trạng này kéo dài.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết huyết áp là áp lực của máu tác động trên thành mạch còn tần số tim là số lần tim đập, co bóp trên mỗi phút.

Khi sử dụng các máy đo huyết áp điện tử thông thường, màn hình sẽ xuất hiện 3 trị số: huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, tần số tim. Người bệnh tăng huyết áp thường nhầm lẫn huyết áp và tần số tim là một, thậm chí bỏ qua tần số tim.

Vì chưa nhận thức đúng về ảnh hưởng của tần số tim nên một số người bệnh chủ quan, không tuân thủ điều trị và đối mặt với biến chứng nguy hiểm.

Người bệnh tăng huyết áp có thể gặp nhiều biến cố tim mạch và tử vong.

Tần số tim bình thường khoảng 60-100 nhịp/phút. Khi tim đập quá nhanh (trên 100 lần/phút), trái tim phải hoạt động nhiều trong thời gian dài khiến tim không còn khoẻ mạnh, có thể dẫn đến suy tim. Nếu tim đập quá chậm với chỉ số dưới 30-40 lần/phút sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở các cơ quan. Nếu thiếu máu não, người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng hoặc ngất.  

“Người có tần số tim cao thì nguy cơ tử vong do các biến cố về tim mạch sẽ cao hơn người có tần số tim bình thường. Nếu người bệnh vừa tăng huyết áp, vừa có tần số tim cao thì tỷ lệ xảy ra biến cố tim mạch và tử vong càng cao hơn nữa. Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì huyết áp ở mức dưới 130/80 mmHg, tần số tim ở khoảng 60-70 lần/phút”, Giáo sư Bình nói.

Có nhiều yếu tố gây tăng tần số tim như huyết áp cao, lo lắng, căng thẳng, ít vận động, thể lực kém, thiếu máu, thể trạng nhợt nhạt, người có thai, có bệnh tuyến giáp - cường giáp… Khi người bệnh tăng huyết áp có tần số tim cao, bác sĩ sẽ xem xét và kiểm soát các yếu tố trên.

Nếu nhịp tim vẫn còn nhanh, người bệnh sẽ được cân nhắc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Việc giảm liều hay ngưng thuốc phải do bác sĩ tim mạch chỉ định, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối để tránh biến chứng nguy hiểm.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV