Tại buổi gặp mặt truyền thống 75 năm thành lập Bộ Nội vụ cuối chiều 25/8, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung nhìn nhận, trong các nhiệm kỳ vừa qua đã làm được rất nhiều việc về công tác tổ chức, bộ máy nhà nước.

"Cảm nhận riêng tôi nhiệm kỳ này, Đảng, Chính phủ, Quốc hội làm việc rất lớn, đó là làm trong sạch đội ngũ, trong đó có đóng góp về cải cách hành chính", nguyên Bộ trưởng Nội vụ đánh giá.

{keywords}
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung

"Trả lại tên cho em"

Ông kể lại hành trình gặp gỡ, thuyết phục, vận động nhiều lãnh đạo để xin "trả lại tên cho em", trong đó có cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Lúc đó với cương vị Bộ trưởng – trưởng ban, thành viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, tôi có gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu ý kiến phải lập lại Bộ Nội vụ", nguyên Bộ trưởng Đỗ Quang Trung kể.

Sau đó, những năm tháng đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Chính phủ lúc đó (Ban cán sự Đảng Chính phủ bây giờ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng đồng thời là Bí thư Đảng đoàn báo cáo Chính phủ việc này.

"Người thứ 2 tôi gặp trước khi đưa ra Ban Cán sự Đảng Chính phủ là ông Lê Minh Hương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) bàn tiếp xem ý của anh thế nào", nguyên Bộ trưởng Nội vụ nhớ lại trong một cuộc họp, lúc giải lao ông đã nói trước với ông Hương về việc này.

Sau đó mấy ngày, ông Lê Minh Hương gặp ông Trung và nói ngay: “Tôi cũng bàn trong lãnh đạo bộ nhất trí". Trong cuộc gặp này, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung đặt thẳng vấn đề “trả tên cho em”: "Tôi nói vui là thôi chúng ta trở lại tên cũ, anh trở lại Bộ Công an, bên này là Bộ Nội vụ".

Câu chuyện gặp gỡ để được "trả lại tên cho em" sau đó ông Đỗ Quang Trung trình bày với ông Phan Văn Khải. Thời điểm này cũng là lúc Chính phủ đang chuẩn bị trình đề án Luật Tổ chức Chính phủ, cơ cấu bộ máy. Vì vậy, ông Phan Văn Khải yêu cầu chớ làm vội mà chờ bàn với anh em để đưa vào đề án Luật Tổ chức Chính phủ.

"Đấy là một sự kiện mà nói như anh Tân (Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân) cũng là một tiếp nối truyền thống, lúc tôi nói với anh Khải phải làm nhanh lúc này vì cụ Giáp vẫn còn. Khi còn Bộ trưởng đầu tiên thì quyết ra vấn đề là vô cùng quý", ông Đỗ Quang Trung nói.

Có thời điểm 14 Bộ trưởng nhưng chỉ 13 bộ

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ cho biết, cơ cấu Chính phủ lúc đó có14 bộ trưởng nhưng chỉ có 13 bộ. Trong đó, ông Cù Huy Cận là Bộ trưởng không bộ, sau này Bộ trưởng Canh nông (Bộ NN&PTNT ngày nay).

"13 bộ lúc đó sau này đều lấy ngày 28/8 là ngày thành lập và bàn bạc trong ban cán sự Đảng Chính phủ, đây là ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước. Hôm bác Giáp nói với tôi là lịch sử trong Chính phủ bao giờ Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cũng đi liền với nhau nên có thời kỳ không có 2 bộ thì cũng là do hoàn cảnh, điều kiện", ông Trung chia sẻ.

Theo ông, dù không có tên Bộ Nội vụ nhưng ngành Tổ chức Nhà nước vẫn còn và có hệ thống, xuyên suốt cả về mặt tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Đó là một đặc điểm của ngành.

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, những việc ngành nội vụ đã làm được trong những năm vừa qua là thể hiện sự xuyên suốt, nhất quán của hệ thống tổ chức nhà nước, nhất là trong giai đoạn đất nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Ông Đỗ Quang Trung chúc Bộ Nội vụ tiếp tục phát huy đoàn kết, nắm vững đường lối quan điểm của Đảng, đổi mới thiết thực, hiệu quả.

"Đặc biệt quan trọng là làm sao đóng góp xây dựng nhà nước, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh, vì dân, thật sự là công bộc như Bác Hồ đã dạy. Nói gì thì nói tổ chức công bằng thì mới hiệu lực hiệu quả, mới chuyển tải được Nghị quyết của Đảng", nguyên Bộ trưởng Nội vụ nhắn nhủ.

Đã giảm 14,6% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong 5 năm qua, Bộ Nội vụ đã làm được một số việc tuy chưa nhiều nhưng có thể nói là sự động viên trong từng cán bộ, công chức, viên chức của ngành.

Cụ thể, trong 1 nhiệm kỳ, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật, trong đó có 2 dự án luật sửa đổi, bổ sung 4 luật. 

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua 6 đề án, có những đề án quan trọng đặc biệt như sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính trong hệ thống chính trị, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đề án đổi mới toàn diện cơ chế chính sách tiền lương mới,...

Trong 3 năm trở lại đây, một số chính sách đã đạt kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Đó là từng bước đã giảm được bộ máy của các cơ quan hành chính (giảm được bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan thuộc bộ và cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh).

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh chỉ trong vòng 8 tháng, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp và tinh giản được 545 xã, 16 huyện không có vướng mắc xảy ra.

Ngoài ra, nếu tính tổng thể giảm biên chế những người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, đến nay giảm 14,6%; còn nếu những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước công chức từ cấp huyện trở lên thì đến hết 2020 cả nước giảm 8,7%. Còn lại năm 2021 chỉ còn giảm 1,3%.

Thu Hằng

Ông Vũ Chiến Thắng làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Ông Vũ Chiến Thắng làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ.