"Chuyện tình kể trong đêm mưa" là một trong nhiều những truyện ngắn xuất sắc của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Xuyên suốt truyện, trời mưa như là một bức nền của toàn bộ câu chuyện. Những nút gỡ, nút thắt, lý giải... đều được đưa ra trong cái nền mưa ấy. Đó là cơn mưa rừng trong căn lán của ông giáo viên người xuôi cắm bản, cuộc tình đau đớn, nhân cách của Muôn, của Bạc Kỳ Sinh; mối quan hệ của họ…Bài hát của Bạc Kỳ Sinh và Muôn có cơn mưa rừng làm chứng. 

Tôi vẫn nói về cơn mưa - một "nhân vật" rất hảo dụng xuyên suốt tác phẩm. Cuối truyện ngắn, vẫn là cơn mưa, nhưng là một cơn mưa khác, cơn mưa bên đất Mỹ, khi tác giả tình cờ nhận ra Bạc Kỳ Sinh nhờ bài hát trong đêm mưa rừng mấy chục năm trước.

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền.

Nhờ có cơn mưa đêm dẫn dắt mới bột phát ra tình huống Bạc Kỳ Sinh ê a hát; Muôn hát bài hát của cô, về ước mơ có ngôi nhà với chiếc cửa sổ rộng, ước mơ cho thấy tính cách, bản chất của Muôn: một cô gái Thái mạnh mẽ, hoang dại, phong tình, nhưng cũng đầy khó lường.

Và cuối cùng, Muôn đã bật qua cánh cửa sổ rộng trong  bài hát mà cô hát, để rời bỏ Bạc Kỳ Sinh đến với Ngân, chàng Thiếu úy thắng cuộc đua trên con ngựa giống Sông Đông lừng lững, và để lại một vết thương không bao giờ lành trong trái tim Bạc Kỳ Sinh, dù đã chạy trốn sang tận nước Mỹ xa xôi, gã vẫn ôm ngực thú nhận: "Nó buốt ở chỗ này!".

Nguyễn Huy Thiệp là người kiệm lời. Đời sống bên ngoài, ông luôn kiệm lời. Trong tác phẩm của mình, ở vai người kể chuyện, cũng rất kiệm lời! Ông chỉ im lặng quan sát, và, đối thoại với nó theo cách của mình, như sự im lặng của cơn mưa rừng, cái đêm trong ngôi lán dẹo dọ ở men đồi ấy.

Hiếm có tác phẩm nào, Nguyễn Huy Thiệp hiện diện nhiều như trong "Chuyện tình kể trong đêm mưa". Toàn bộ cuộc đời của ông, những người gắn bó và hiểu về ông, sẽ thấy ông ở giai đoạn thanh niên sôi nổi và hừng hực, rời miền xuôi lên miền ngược cõng chữ cắm bản; sau đó về xuôi, vẫn làm bạn với chữ - sáng tác; khi tên tuổi của ông nổi danh trong làng văn… Ông là một trong số hiếm các nhà văn sang Mỹ ở giai đoạn khá nhạy cảm mấy chục năm về trước. Và chuyến công tác ấy, ông được hội ngộ với nhân vật của mình - Bạc Kỳ Sinh, gã trai người Thái Mường La cứng cỏi, cá tính, mạnh mẽ nhưng đầy nội tâm... năm nào.

{keywords}
Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Kết thúc có hậu đối với Bạc Kỳ Sinh, đó là cuộc đời của gã được đưa vào Văn học. Gã may mắn bởi những thời điểm bước ngoặt, biến cố quan trọng xảy đến với gã, được chứng kiến của một nhà văn. Và may mắn hơn hết, Nhà văn đó lại là Nguyễn Huy Thiệp.

Bởi, những khoảnh khắc của lịch sử, nó chỉ được biết đến nhờ người chép sử. Nếu không, nó sẽ chỉ là một sự kiện như muôn vàn sự hàng ngày. Nhưng, người chép sử, viết sử tài ba, là người khai sinh ra tên tuổi, định danh cho sự kiện đó.

Nếu Bạc Kỳ Sinh biết tin Nhà văn đã ra đi, nếu còn sống, nếu là tôi, tôi nghĩ, chắc chắn gã nên trở về, để tạm biệt tri kỷ, tạm biệt ân nhân của chính mình!

Nói chuyện một mình

Ông Nguyễn Huy Thiệp dường như là người may mắn hơn hết thảy những nhà văn, nhà thơ đương đại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. 

{keywords}
Trang phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong "Viết & Đọc" số mùa xuân 2021, ảnh Dương Minh Long

Cuối năm 2020, Nhà sách Đông A dường như đã rất chiều lòng bạn đọc, những người yêu văn Thiệp, khi ấn hành tác phẩm Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp bản đặc biệt: đặc biệt về chất lượng giấy in, đặc biệt về cách trình bày, với Lời dẫn của tác giả, với những họa sỹ - toàn những tên tuổi nổi tiếng, tinh hoa của Mỹ thuật Việt Nam đương đại, những người vẽ tranh minh họa trong các tác phẩm của Ông...

Phần cuối cuốn sách, có phần "Nói chuyện một mình" - thay Lời bạt của chính tác giả, mà ai cũng hiểu, đó là góc tâm sự, nhân sinh quan, quan điểm nghệ thuật... của Nguyễn Huy Thiệp.

Dù là ai, dù như thế nào, đã đọc truyện ngắn ông viết, đã đọc phần "Ghi chú cuối truyện", nghĩa là người đó đang là bạn văn chương của ông, đang đối đáp với ông.

Điều này, chưa từng có tiền lệ trong văn chương (đương đại), chưa có tác giả nào, tác phẩm nào, người viết - người đọc lại có cuộc trò chuyện với nhau, cuộc đối thoại trong im lặng, trên trang giấy, xảy ra như thế. Cảm như, Nguyễn Huy Thiệp đọc được cả suy nghĩ của người đọc văn mình, để ông lý giải, đối đáp lại theo cách không giống ai, và chưa ai làm! 

Nếu tôi là Bạc Kỳ Sinh, nhất định tôi sẽ về, để không bao giờ phải nói: "Tôi không biết. Tôi vẫn thường đau ở trong ngực này...".

Người khảnh ăn, khảnh uống, khảnh nói

Đó là một chiều mưa cuối năm 1996, khi đó, tôi là cậu học trò trường làng, 15 tuổi. Khi đó, tôi không biết Nguyễn Huy Thiệp là ai. Lại càng chưa biết gì về đời sống văn học thuở đó.

Người đọc cho lũ học trò chúng tôi nghe Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là một thầy giáo dạy văn phố huyện. Thầy đọc một cách dè sẻn, và say mê. Dè sẻn bởi thời gian có hạn. Dè sẻn bởi thầy phải chọn những truyện phù hợp với tâm hồn non nớt, chưa hiểu đời, biết đời của lũ học trò 15 tuổi chúng tôi khi đó.  Nhưng, ông vừa đọc, vừa dừng lại giảng giải, đọc đi đọc lại những đoạn ông tâm huyết, rồi lý giải, cắt nghĩa thực sự say mê...

Truyện ngắn "Sang sông". Thầy lược bỏ chi tiết chàng trai luồn ngón tay vào quần cô gái lúc ở trên đò, nhưng đọc đi đọc lại phần tranh cãi của các nhân vật khi có tình huống cậu bé bị giắt tay trong chiếc bình cổ, bị đe dọa chặt tay để giữ chiếc bình, hoặc đập bỏ chiếc bình cổ để cứu cậu bé...

Rồi ông giải thích: đó là giai đoạn cần sự lựa chọn của lịch sử. Phá bỏ cái cũ (chiếc bình cổ) để giữ tương lai (cậu bé) hay giữ cái cũ, không dám hy sinh... Ông chiết tự, rồi giảng giải mãi về tính biểu tượng của các nhân vật trong truyện.

"Hay lắm các em ạ. Sâu lắm các em ạ. Thấm lắm các em ạ..." - thầy giáo của chúng tôi nói, như trong một cơn mê sảng. Đương nhiên, làm sao chúng tôi hiểu được những tâm tư, dằn vặt, đau đáu... của những người viết lương tri, trách nhiệm, nhất là khi họ hàm ý qua một tác phẩm văn học.

Tôi cứ nhớ mãi những câu truyện và hình dung về một Nguyễn Huy Thiệp - hiện tương văn học cận đương đại qua những lời kể, những câu chuyện... của thầy giáo dạy văn năm nào.

Mai này, khi đã trưởng thành, có đôi ba lần được gặp Nguyễn Huy Thiệp ngoài đời, bằng xương bằng thịt, như trong một cuộc rượu nho nhỏ của những người bạn kết giao với ông. Tôi nhận thấy, Nguyễn Huy Thiệp khá kiệm lời. Ông khảnh ăn, khảnh uống, khảnh nói. Những người trong cuộc không có biểu hiện gì giận ông cả. Họ nhìn ông, đối đãi với ông bằng sự kính trọng!

Và bây giờ, Nguyễn Huy Thiệp sẽ chẳng nói một câu nào, như nhân vật Biền của ông...

Nếu tôi là Bạc Kỳ Sinh. Tôi sẽ về để chào ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một lần cuối. Bởi, cuộc đời gã trai người Thái Mường La, những khúc quanh quan trọng nhất, được ghi lại trong một truyện ngắn văn chương. Và may mắn hơn cả, người ghi lại là Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp!

Nguyễn Huy Thiệp: Bóng dài đổ mãi

Nguyễn Huy Thiệp: Bóng dài đổ mãi

'Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!' - nhà văn Nguyễn Văn Thọ.  

 

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 24/3 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào lúc 15h30 cùng ngày tại Đông Anh, Hà Nội.

Di Linh