Dư luận đã phẫn nộ khi bác sỹ TMV Cát Tường (Hà Nội) làm chết một khách hàng rồi vứt xác phi tang nhưng không bị truy tố về hành vi Giết người. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với một vụ án cũng đang “dậy sóng” ở thời điểm này - vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) bị oan sai - sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về khái niệm “suy đoán vô tội” trong Tố tụng Hình sự….

Bị can có “Quyền được im lặng”?

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2003 chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Nhưng theo một số chuyên gia, nguyên tắc này đã được “ẩn” trong một số nguyên tắc khác và các quy định trong BLTTHS.

{keywords}
BS Nguyễn Mạnh Tường

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, bản chất của nguyên tắc “suy đoán vô tội” phải được hiểu một cách sâu hơn, cụ thể hơn là: Khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không vững chắc hoặc chỉ ở mức độ 50/50 thì Cơ quan Tiến hành tố tụng (THTT) phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

Từ chỗ đang suy đoán có tội, nếu không đủ chứng cứ thì phải trở thành suy đoán vô tội. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, ngoài việc quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì nên quy định về “quyền được im lặng” của bị can, bị cáo...

Cho dù hiểu theo một trong hai quan điểm trên thì việc đề cao và tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong Tố tụng Hình sự cũng đều hướng tới việc xử lý đúng người, đúng tội và tránh oan sai cho người vô tội. 

Thiết nghĩ, trong khi chưa quy định cụ thể nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong BLTTHS thì chỉ cần những người THTT thực hiện một cách nghiêm chỉnh, triệt để các quy định hiện tại trong điều tra, truy tố, xét xử cũng đã có thể tránh được nhiều vụ oan sai đáng tiếc. 

Hiện nay, trong một số vụ án, ngay cả những nguyên tắc cơ bản được quy định trong BLTTHS cũng đã không được tôn trọng. Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án “tù chung thân” về tội “giết người” 10 năm về trước là một ví dụ:

Tòa án căn cứ kích thước dấu chân của ông Chấn “gần đúng” với kích thước dấu chân thu được ở hiện trường để quy kết ông Chấn có mặt ở hiện trường để thực hiện hành vi phạm tội.

Chứng cứ thiếu cơ sở này đã lấn át cả chứng cứ ngoại phạm là việc ông Chấn bấm máy điện thoại vào thời điểm xảy ra vụ án...

Sẽ không còn suy đoán kiểu “mọi người không đánh thì chỉ có bị cáo đánh”?

Tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội” đồng nghĩa với việc phải loại bỏ triệt để tư tưởng “suy đoán có tội” hay trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo kiểu “gọt chân cho vừa giầy”.

Vụ oan sai mới đây tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cũng là một điển hình cho lối suy đoán tội phạm này mà kết quả là VKSND huyện Sơn Dương phải bồi thường cho anh Dương Văn Hữu (xã Hợp Thành, Huyện Sơn Dương) gần 70 triệu đồng do đã truy tố oan người không phạm tội.

Trước đó, anh Hữu bị các cơ quan THTT huyện Sơn Dương quy kết là “đánh nhầm” vào anh anh Đinh Văn Dương, gây tổn hại 52% sức khỏe.

Trong khi đó, Hữu một mực kêu oan và cho biết, lời khai nhận tội ban đầu khi bị tạm giam là do điều tra viên đánh đập. Bản thân bị hại cũng khăng khăng rằng, người đánh mình là anh Bắc (công nhân Lâm trường đi bắt gỗ của dân) chứ không phải anh Hữu.

Hữu bị quy kết đánh anh Dương nhưng không có lời khai nhân chứng nào thể hiện việc đánh này ra sao. Lời khai nhận tội của Hữu thì mâu thuẫn với lời khai của bị hại cả về trình tự đánh, cách đánh, vị trí đánh….

Thế nhưng Tòa cấp sơ thẩm vẫn kết luận Hữu đánh gậy sắt vào đầu anh Dương vì suy đoán: “Chỉ có Hữu cầm tay kích xe công nông đi vào hiện trường” và “anh Bắc không đánh anh Dương”.

Cùng suy đoán tội phạm kiểu “loại trừ” như trên là Kiểm sát viên (KSV) của VKSND tỉnh Hưng Yên trong phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phùng Thị Hưởng về tội “cố ý gây thương tích”.

Để bảo vệ quan điểm “ý án sơ thẩm” của mình thì KSV này lập luận: Thương tích của bị hại là có thật. Phía chị Hưởng có 3 người ở hiện trường mà hai người kia không đánh thì chỉ có Hưởng đánh mà thôi.

Luật sư Phạm Hồng Hải khi đó đã lập tức phản bác rằng, cách luận tội của KSV này mang tính chủ quan, không thể chấp nhận việc suy đoán kiểu “mọi người không đánh thì chỉ có bị cáo đánh bị hại” như vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh những vụ án tồn tại kiểu “suy đoán có tội” trên thì mới đây, một vụ án gây xôn xao dư luận tại Hà Nội lại cho thấy việc tuân thủ nguyên tắc “suy đoán vô tội” khá chuẩn.

Đó là vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị CQ ĐT- Công an Hà Nội khởi tố và tạm giam về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” mặc dù hậu quả mà bác sỹ này gây ra là chết người.

Theo lời khai của bị can thì nạn nhân đã bị chết trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ rồi mới bị ném xác xuống sông. Trong khi đó, CQĐT cũng chưa thể xác định được nguyên nhân chết của nạn nhân, chưa thể biết bị can đã ném nạn nhân xuống sông khi còn sống hay đã tử vong.

Trong tình trạng chưa có chứng cứ khẳng định bị can giết người như trên thì việc khởi tố bị can về 2 tội danh như vừa qua là một sự thận trọng cần thiết, mặc dù vẫn còn một số ý kiến bức xúc về hành vi vứt xác phi tang của bác sĩ Tường.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Những chứng cứ xác định vô tội ít được quan tâm
"Tôi cho rằng pháp luật Tố tụng Hình sự của chúng ta có thể còn có những khiếm khuyết, nhưng cơ bản là phù hợp, vấn đề chủ yếu ở đây là tổ chức thực hiện pháp luật, là nhận thức pháp luật, là tuân thủ quy trình thủ tục tố tụng. 
Do đó, liên quan tới hoạt động tố tụng thì người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm quán triệt đầy đủ các nguyên tắc của Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra, tòa án, kiểm sát trong việc xác định sự thật vụ án một cách khách quan, đầy đủ, có trách nhiệm. Không chỉ làm rõ những chứng cứ xác định có tội mà còn phải làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội. 
Tuy nhiên, trên thực tế trong rất nhiều trường hợp chúng ta cũng chỉ quan tâm chủ yếu đến những chứng cứ và xác định có tội chứ phần những chứng cứ xác định vô tội là rất ít được quan tâm.

(Theo Pháp luật Online)