(VietNamNet) - Dù Nguyễn Nhật Ánh khẳng định sách của mình luôn êm đềm, và không có yếu tố sex, nhưng những tình tiết gây sốc thì đã xuất hiện trong cuốn truyện mới nhất của nhà văn này.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cuốn sách mới nhất của nhà văn ăn khách Nguyễn Nhật Ánh vừa được Nhà xuất bản Trẻ mua tác quyền để tung ra thị trường từ ngày 9/12 tới.

Ngoài bản in thông thường, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có 2.000 bản đẹp, bìa cứng, kèm miếng đánh dấu sách in ảnh tác giả, chữ kỹ và lời đề tặng bạn đọc. Đây là những bản in "duy nhất" trong đợt phát hành đầu tiên, không tái bản.

Cuốn sách như một tập nhật ký với 81 câu chuyện nhỏ về những điều diễn ra xung quanh nhân vật chính. Ngoài những nút thắt mở có phần khốc liệt đối với thế giới quan của trẻ thơ, lần đầu tiên, trong tác phẩm của nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi này, người ta thấy có nhân vật... phản diện.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh


Nguyễn Nhật Ánh: - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khác với những cuốn sách trước đây của tôi. Ở cuốn này, tôi đưa vào những hoàn cảnh tương đối khắc nghiệt hơn so với những hoàn cảnh êm đềm trong những cuốn trước. Tình huống trong truyện đặc biệt hơn, nhân vật cũng đa dạng hơn. Đặc biệt, lần đầu tiên trong tác phẩm của tôi xuất hiện nhân vật phản diện, điều mà những cuốn sách trước đây không có.

Cuốn sách có nhiều nhân vật cá tính mạnh mẽ. Bởi tôi muốn phê phán sự vô tâm, cái ác của con người. Tôi muốn nói đến cái ác của sự vô tâm. Người xấu mà làm điều ác thì không có gì đặc biệt, người xung quanh có thể cảnh giác được. Nhưng ở đây có những con người bình thường, lương thiện, rất tốt, nhưng thỉnh thoảng họ ác một cách vô tâm. Đó mới là điều đáng cảnh báo.

Tôi viết những cuốn sách có nội dung trong sáng, lãng mạn, thơ mộng cũng là một cách giúp bạn đọc nhỏ tuổi hướng tới lối sống trong sáng, trong hoàn cảnh đời sống hiện đại có nhiều thú vui, trò chơi mà ngoài những yếu tố tốt thì đồng thời các em cũng tiêm nhiễm cái tiêu cực.

Đặc biệt tác phẩm của tôi không có yếu tố sex. Các em đến bây giờ vẫn tìm đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh nghĩa là các em vẫn tìm đến một điều gì đó tươi đẹp. Đó là điều tôi cảm thấy rất vui.

Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lâu nay được biết với phong cách hài hước, hồn nhiên, nhưng cuốn mới nhất lại có phần khắc nghiệt. Do thực tế cuộc sống không còn ngọt ngào nữa hay anh muốn làm mới mình?

- Cái chính vẫn là muốn làm mới mình. Nhu cầu đổi mới mình thì nhà văn nào cũng vậy. Trong một xã hội mà người ta sống vô tâm, lạnh lùng với nhau nhiều quá, thì những tác phẩm ngọt ngào, trong đó có những quan hệ tốt đẹp giữa người với người, thì chúng cũng có giá trị nhất định. Đó là một liều thuốc kháng sinh cho tinh thần chống lại đời sống thực dụng.

Tác phẩm không phải lúc nào cũng nhăm nhăm phản ánh hiện thực mà còn theo hướng lãng mạn, trữ tình, giúp cho hiện thực nhẹ nhõm hơn và giúp cho con người thấy cần có một cuộc sống như vậy.

Nhưng cũng không có nghĩa là tôi không bị tác động bởi hiện thực xã hội. Đọc trên báo, internet, xem youtube thấy học trò đánh nhau, nữ sinh lột quần áo nhau xuất hiện nhan nhản. Tôi nghĩ đây chỉ là một hiện tượng, không phổ biến, nhưng khi được đưa lên phương tiện truyền thông thì có cảm giác nó xuất hiện rất nhiều.

Tuy nhiên, dù ít dù nhiều thì cũng cho thấy con người, đặc biệt ở lứa tuổi học trò mà đối xử nhau như vậy là thể hiện sự bất ổn về mặt đạo đức xã hội. Đó là điều làm tôi phải suy nghĩ, để thêm một động cơ viết sách.

Gần đây xuất hiện nhiều vụ bạo hành trẻ em, phản ứng của một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, về điều này như thế nào? Liệu anh có... viết một cuốn sách từ hiện tượng này không?

- Phản ứng trước những sự việc như bảo mẫu hành hạ trẻ em, thì không chỉ nhà văn mà bất cứ ai cũng đều phẫn nộ. Tuy nhiên, phản ánh trực tiếp là việc của báo chí chứ không phải nhà văn. Có thể viết báo, viết trên diễn đàn nào đó để phê phán trực diện việc làm đó, chứ không phải bất cứ cảnh đời nào cũng đưa vô sách được. Nếu thế thì cuốn sách dù có dày như cuốn từ điển cũng không thể nào phản ánh hết hiện thực cuộc sống.

Tuy nhiên, điều này cũng nhấn vào nhà văn, tạo cho người viết một ý thức rằng trong tác phẩm của anh, phải đưa thông điệp thế nào để con người sống tốt hơn và bớt làm điều ác hơn. Còn hoàn cảnh, tình tiết cụ thể thì nhờ sự hư cấu, thiết kế của nhà văn trong thế giới văn chương của mình, nhằm cuối cùng đạt được thông điệp con người hãy sống tốt hơn.

Với việc thay đổi phong cách liên tục trong bốn đầu sách gần đây, từ Tôi là Bêtô, Đảo mộng mơ, đến Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và cuốn mới nhất này, khi đọc lại tác phẩm của mình, anh có thấy cảm giác lạ?

- Người đọc sẽ có cảm giác chính xác hơn nhà văn. Bản thân người viết như tôi, trước khi cuốn sách được in ra, tôi đã đọc nhiều lần để sửa chữa, lúc đầu sửa chính tả, mo rát, sau đó sửa câu văn, đọc lại lần nữa để xem tính logic của chương trước với chương sau có gì lầm lẫn hay không.

Nói chung, trước khi tác phẩm này thành sách, tôi đã đọc đi đọc lại khoảng chục lần. Đến khi sách in ra thì tôi không còn cảm giác gì nữa! Vì mất hết cảm giác, nên hỏi tôi có cảm giác ra sao khi đọc sách thì tôi chịu thua. Phải đợi 2 - 3 tháng sau đọc lại thì khi đó tôi mới... hoàn hồn, mới biết cuốn sách hay hay dở và cảm giác thế nào.

  • L.H