- Quy hoạch của Hà Nội thì rất rành mạch, nhưng thực tế thực hiện thì lại khác. Vậy thì không phải là quy hoạch hay quản lý quy hoạch có lỗ hổng. Tôi cho là 'lỗ hổng' nằm ở lợi ích - TS Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhận định.

Hà Nội hiện có những khu đô thị lớn như Linh Đàm, Văn Khê, ... có mật độ xây dựng dày đặc, lượng người tập trung quá đông gây áp lực lớn lên hạ tầng. Theo ông có phải quản lý quy hoạch còn có lỗ hổng để cho các tập đoàn địa ốc lách luật?

TS Phạm Sỹ Liêm: Quy hoạch của Hà Nội thì rất rành mạch, nhưng thực tế thực hiện thì lại khác. Vậy thì không phải là quy hoạch hay quản lý quy hoạch có lỗ hổng. Tôi cho là 'lỗ hổng' nằm ở lợi ích.

"Anh" Mường Thanh làm như thế không phải muốn là làm được và làm được không phải không mất tiền. Cũng giống như dự án 8B Lê Trực, có phải muốn xây cao lên là lên được đâu? Những cái đó hiện nay không ai muốn đi sâu cả. Nhưng nếu không muốn đi vào gốc của vấn đề thì cũng không giải quyết được gì cả.

{keywords}
Hà Nội ùn tắc khủng khiếp (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân). Ảnh: Phạm Hải

Hà Nội đã có chủ trương di dời trường học, bệnh viện, công sở ra khỏi nội thành để giảm áp lực giao thông nội đô. Đây được coi là giải pháp cấp bách để giảm ùn tắc cho nội thành. Theo ông việc này đã đem lại hiệu quả chưa?

TS Phạm Sỹ Liêm: Nếu chuyển trường học, bệnh viện ra ngoài thì cũng phải có khu nhà ở để những người làm việc ngay tại đó để không phải đi lại nhiều. Hiện nay mới thấy đề cập vấn đề di dời, còn vấn đề quy hoạch nơi mới như thế nào thì chưa thấy nói.

Trước kia Hà Nội với Hà Đông (Hà Tây cũ) đi lại vốn đã đông, từ ngày sáp nhập, một số cơ quan của Hà Nội đặt ở Hà Đông, rất nhiều người sống ở Hà Đông lại ra làm việc tại các cơ quan ở trung tâm Hà Nội và ngược lại làm tăng lưu lượng đi lại khiến giao thông thêm khó khăn.

Vấn đề thứ 2, khu công nghiệp chuyển đi rồi, như khu Cơ khí Hà Nội ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) - nhưng thay vào đó lại là một khu đô thị người chật như nêm mà chỉ có mỗi cửa ngõ con con đi ra đi vào thì tất yếu sẽ tắc nghẽn.

Một số khu đô thị mới ngoài rìa đô như Ciputra, Mỹ Đình, Cầu Giấy, Linh Đàm hầu hết mọi người không làm việc ở đấy mà đi vào trung tâm. Giờ cao điểm bao nhiêu người đi - về lại gây tắc.

Quy hoạch phải tính hết những chuyện ấy chứ không phải cứ có đất thì làm khu đô thị, không xem người dân sống ở đó đi lại như thế nào cho phù hợp.

{keywords}
Trên khu đất của công ty may Thăng Long (250 Minh Khai) đã mọc lên chung cư làm đường Minh Khai càng thêm tắc nghẽn. Ảnh: Đình Vũ

Diện tích dành cho giao thông ở Hà Nội quá ít. Ông đánh giá như thế nào?

TS Phạm Sỹ Liêm: Hà Nội không chỉ thiếu diện tích đất dành cho giao thông mà bố trí giao thông cũng không hợp lý. Hà Nội thời Tây đường như ô bàn cờ, chỗ này đông thì vòng chỗ khác rất nhanh. Nhưng bây giờ đường Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương dòng người đi vào quá đông, trong khi cứ đi một đoạn lại dừng chờ đèn đỏ, nếu không bố trí đường ô cờ thì sẽ rất khó.

Để giải quyết bài toán quá tải của Hà Nội - nhất là giao thông, vấn đề là phải tổ chức hạ tầng như thế nào cho hợp lý.

Trước mắt cái có thể làm được ngay là ở các tiểu khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Thành Công... phải cải tạo và quy hoạch lại theo tư duy hệ thống giao thông ô cờ. Người Hồng Kông ở rất chật, thậm chí leo cả lên núi để ở nhưng giao thông không tắc nghẽn vì được tổ chức tốt. Tắc nghẽn giao thông thì kinh tế không thể phát triển được.

Đất cho giao thông: Quy hoạch 25%, thực tế chỉ 7%

Trao đổi với VietNamNet, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia cho biết, Quy hoạch đô thị của Hà Nội rất đẹp, trong đó quy định rất rõ đất dành cho giao thông và xây dựng các tuyến đường sắt đô thị cũng như các đô thị vệ tinh đều khá hợp lý.

Thế nhưng thực tế, khả năng tổ chức thực hiện lại có vấn đề!

Cụ thể, trong quy hoạch, đất dành cho giao thông là 25% nhưng trên thực tế hiện chỉ chiếm hơn 7%.

Ông Hùng cho rằng trong việc thực hiện quy hoạch, Hà Nội không có lộ trình ưu tiên cụ thể và mọi thứ không ăn nhập với nhau.

Ông Hùng lấy ví dụ về khu đô thị lớn trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) được phát triển mạnh mẽ nhưng không ăn nhập với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hay việc phát triển khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hầu như không có công trình kết cấu hạ tầng vận tải hành khách lớn đi cùng.

Trường học, bệnh viện, nơi làm việc rất ít so với tổng nhu cầu của người dân. Việc làm, ăn uống và các dịch vụ khác không được tích hợp đồng bộ nên người dân buộc phải di chuyển đến nơi khác, càng làm tăng nhu cầu đi lại, dẫn tới ùn tắc nặng hơn.

Hơn nữa các "siêu đô thị" như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm ra đường là tắc bởi vì không có tàu điện ngầm, không có đường sắt đô thị, bắt buộc người dân phải đi bằng phương tiện cá nhân.

Để cải thiện, theo ông Hùng, Hà Nội không nên tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông ra ngoài vành đai 4 nữa mà nên tập trung phát triển hạ tầng giao thông bên trong vành đai.

Lúc đó chi phí đầu tư vào khu vực trung tâm Hà Nội quá cao sẽ tạo cơ hội cho các đô thị xung quanh phát triển thành đô thị vệ tinh. Hơn nữa khi khả năng tiếp cận đất đai Hà Nội không còn thì nhà đầu tư phải tìm đi nơi khác. Đây là chìa khóa để không tăng thêm dân số cơ học.

Cùng với đó cần tập trung tối đa và đẩy nhanh tiến độ các công trình đường sắt đô thị kết nối các khu chung cư, khu văn phòng nhà cao tầng để giảm áp lực tham gia giao thông.

Vũ Điệp