Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về ICT trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam. Hướng dẫn này xác định một số nguyên tắc chính, đơn cử như: tập trung cho công dân và tất cả các bên liên quan, hệ sinh thái dữ liệu mở, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trung lập về công nghệ và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của các thành phố.
Về triển khai thực tế, hiện nay một số kế hoạch, lộ trình phát triển đô thị thông minh đã được các tỉnh, thành phố phê duyệt. Một số dự án xây dựng thành phố thông minh đã được khởi động. Nhiều đối tác quốc tế đã được mời tham gia tư vấn, phát triển và triển khai dự án đô thị thông minh tại các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng cho rằng, hiện nay, điều quan trọng là phải triển khai hành động phù hợp với thông lệ quốc tế và các tổ chức quốc tế chuyên về đô thị thông minh như ITU, ISO, WeGO trong lĩnh vực ứng dụng ICT mới này.
Tại hội nghị quốc tế về Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử 2018, Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson cho biết, hiện nay các thành phố trên khắp Việt Nam đang bắt tay vào cuộc chuyển đổi kỹ thuật số. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã được chọn là một phần của Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Những sáng kiến đô thị thông minh mới này sẽ tạo ra cơ hội, thị trường mới cho ICT và các cơ hội hợp tác quốc tế mới. Đó là lý do để xây dựng sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, nơi có hơn 2,1 tỷ cư dân đô thị, nơi hơn 2/3 dân số sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050.
Ông Malcolm Johnson chia sẻ thêm: “ITU có một nhóm nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn quốc tế để cho phép phát triển phối hợp các công nghệ IoT ở các thành phố thông minh. Việc triển khai các công nghệ này dự kiến sẽ kết nối khoảng 50 tỷ thiết bị vào mạng vào năm 2020, gây áp lực to lớn lên phổ tần số vô tuyến, một lĩnh vực khác mà ITU đóng một vai trò quan trọng”.
Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đô thị hóa đang diễn ra rộng rãi ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2009 Việt Nam có hơn 600 đô thị và hiện nay con số này là trên 800 đô thị. Với sự bùng nổ dân số đô thị, các thành phố ở 63 tỉnh thành trên cả nước đang phải đối mặt với những thách thức mới trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng cũng như làm sao để quản lý hiệu quả nguồn lực.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang giới thiệu các giải pháp bền vững nhằm xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.
Mới đây, trong một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tính từ đầu năm 2018, dự án thành phố thông minh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14/7/2018 tại Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… là dự án lớn nhất.
Nguyên tắc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi xây dựng đô thị thông minh được xác định là nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, nhiều Hội thảo về An toàn, An ninh thông đã được tổ chức. Các chuyên gia đều cho rằng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh sẽ nảy sinh rất nhiều thách thức, trong đó có việc phải bảo đảm an ninh hệ thống.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chuyên gia an toàn bảo mật VNPT IT, đang trình bày tại một hội thảo về an toàn an ninh thông tin- Ảnh: H.Đ |
Một trong những đặc thù của thành phố thông minh là rất nhiều thiết bị IoT kết nối vào mạng lưới. Các thiết bị này rất đa dạng và chiếm số lượng lớn, từ điện thoại di động đến các cảm biến, với những phương thức kết nối khác nhau dẫn đến khó kiểm soát.
Một thách thức nữa của thành phố thông minh chính là phạm vi tấn công của hacker rất lớn. Với một đô thị chứa hàng triệu thiết bị kết nối với nhau, hacker có rất nhiều điểm để tấn công vào. Khi đó việc bảo đảm an toàn cả hệ thống sẽ rất khó khăn.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề này. Dữ liệu khi truyền qua hệ thống đô thị thông minh cần được mã hoá mạnh, đồng thời có các phương thức xác thực 3 yếu tố đối với thiết bị đầu cuối như điện thoại di động. Các thiết bị cá nhân cũng được phân quyền nhằm hạn chế truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm.
Đối với các dịch vụ trọng yếu của người dân như điện, nước, các vấn đề môi trường,... luôn có hệ thống backup để không bị gián đoạn hoạt động khi hệ thống gặp sự cố.
Ngoài ra, hệ thống cần có phương án vận hành thủ công phòng khi hệ thống điều khiển từ xa bị hư. Tuy vậy, vẫn cần một đột giám sát tập trung hoạt động 24/24 nhằm phát hiện các sự cố và đưa ra biện pháp xử lý để không xảy ra tình trạng ngưng trệ.