Trích đoạn phần biểu diễn của Nguyễn Việt Trung
Tối 12/11, Nguyễn Việt Trung đã trở lại Học viện âm nhạc Quốc gia để tham gia Đêm nhạc Hiện Đại & Cổ điển cùng Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Wojciech Czepiel.
Nghệ sĩ piano sinh năm 1996 có màn biểu diễn xuất thần bản concerto số 23 của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart.
Nguyễn Việt Trung kết nối với khán giả bằng âm nhạc và kỹ thuật điêu luyện, trở thành tâm điểm của đêm diễn.
Nhạc trưởng của đêm nhạc là Wojciech Czepiel - vốn một violinist đã từng lọt vào bán kết của cuộc thi violin quốc tế Wieniawski ở Poznań.
Nguyễn Việt Trung từng lọt vào vòng 2 cuộc thi piano quốc tế Chopin 2021, được coi là thần đồng piano tiếp nối di sản Đặng Thái Sơn .
Bên cạnh các tác phẩm kinh điển của hai nhà soạn nhạc Mozart và Bizet, đêm nhạc cổ điển và hiện đại bùng nổ với những làn điệu Chèo và Chầu văn dưới đũa chỉ huy của Maestro Wojciech Czepiel.
Đây là lần đầu tiên Vũ điệu Chèo và lên đồng - sáng tác cho Dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc được ra mắt công chúng.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc tiến tới sân khấu cảm ơn nhạc trưởng Maestro Wojciech - người đầu tiên dàn dựng và chỉ huy tác phẩm đặc biệt này của ông.
Khán giả được thưởng thức một chương trình ấn tượng kết hợp giữa những tác phẩm nhạc cổ điển phương Tây của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới cùng bản giao hưởng của một nhạc sĩ Việt Nam sáng tác trên nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam là chèo và lên đồng .
Không chỉ có tiết mục được diễn tấu trên sân khấu, tối 12/11, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã ra mắt cuốn sách 'Tác phẩm cho hợp xướng, A Cappela, nhạc thính phòng và giao hưởng' tại Học viện Âm nhạc quốc gia.
NSND Quang Thọ chia sẻ tại buổi ra mắt sách: "Rất hay, rất quý với chúng tôi - những người dạy thanh nhạc là phần đệm piano của những tác phẩm, bài hát Việt Nam thì hầu hết những nhạc sĩ nổi tiếng không viết phần đệm piano nhưng với 60 tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đều có 60 bản phần đệm đó và người thực hiện phần đệm đó chính là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc".
Đặng Hữu Phúc ký sách cho bạn đọc. Cuốn sách đồ sộ ra mắt trước thềm ông bước sang tuổi 70.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ tại buổi ra mắt sách: "Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên số, vậy mà một thư viện điện tử cho ngành âm nhạc vẫn là ước mơ chẳng biết bao giờ mới thực hiện được. Muốn có một ngân hàng trên nền tảng số thì trước tiên phải số hoá tất cả các tác phẩm âm nhạc. Việc số hoá đó cực kỳ khó khăn, mặc dù rất cấp bách nhưng thực hiện không hề dễ dàng. Nhiều tổng phổ chưa bao giờ được vang lên. Nhạc cổ truyền của ta là truyền miệng, không có văn bản. Và ngay cả các tác giả, ý thức lưu trữ còn kém".
"Khi Viện Âm nhạc có dự án xuất bản các tác phẩm giao hưởng Việt Nam, chúng tôi gặp nhiều khó khăn nên Viện mới thực hiện được 7 cuốn và dừng lại, không biết bao giờ mới hoàn thành. Trong 7 cuốn đó, mỗi tác giả chỉ có 1 giao hưởng và mới thực hiện tới tác giả sinh năm 1933. Vì vậy nếu thực hiện từ tác giả sinh năm 1953 như nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc thì không biết đến bao giờ. Vì vậy rất may cho chúng ta là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc rất có ý thức lưu trữ và lưu trữ rất giỏi. Anh không chỉ giữ cho riêng mình và đã làm người đầu tiên ra cuốn sách cách đây 10 năm là 60 romance rất chuyên nghiệp. Và bây giờ trước thềm tuổi 70, tác giả đã ra một cuốn sách rất đồ sộ. Đây là sự kiện có ý nghĩa", nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đánh giá về cuốn sách.
NSND Quang Thọ chia sẻ về cuốn sách của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc
Bài & Video: Quỳnh An Ảnh: Nguyễn Quyết