Quyết định cho phép các nhà bán lẻ nước ngoài hoạt động tại thị trường Ấn Độ của chính phủ có thể khiến cho hàng triệu nhà buôn nhỏ lẻ tại đất nước này lâm vào tình trạng khốn khó. Thế nhưng không phải ít người vẫn bình chân như vại trước những thách thức rất lớn sắp tới.

Tự tin vì quen "sân nhà"?

Trong một cửa hàng bộn bề hàng hóa tại một khu chợ địa phương, ông Luthra bán pho mát, xúc xích xắt miếng và nhiều các loại đồ ăn phương Tây từng một thời khan hiếm khác. Hầu hết trong số chúng là do ông tự chế biến. Chúng giống như mấy loại hàng lậu trái phép được lấy ra từ một chiếc tủ lạnh nằm phía bên trong cùng cửa hàng.

Tồi tàn là vậy, nhưng lạ thay, khi mà chính sách mới của chính phủ vừa được đưa ra cho phép các chuỗi siêu thị nước ngoài bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, thì những người bán lẻ tại đây trong đó có ông Luthra vẫn tỏ ra vô cùng tự tin.

Mặc dù là 1 trong hàng triệu thương nhân nhỏ lẻ chỉ trích quyết định của chính phủ nhưng ông Luthra vẫn không quá lo lắng ngay cả khi Walmart cho biết họ hi vọng sẽ mở cửa hàng tại Ấn Độ trong khoảng 1 năm hoặc 18 tháng tới.

"Tôi đã ở đây 30 năm. Tôi biết tất cả mọi người và mọi người đều biết tôi. Làm sao mà người Mỹ có thể cạnh tranh với điều đó?", ông Luthra nói.

Bay tới sân bay quốc tế tại thủ đô Delhi sẽ nhìn thấy tòa nhà khách mới được mở cửa vào năm 2010. Nó cứ như là một mớ hỗn độn khổng lồ với kính, thép và những tấm thảm màu cam. Phải chăng đây là những thành quả của 20 năm tăng trưởng kinh tế bền vững có thể tạo ra?

Kể từ khi gói cải cách kinh tế được khởi xướng và sau đó Bộ trưởng tài chính Manmohan Singh đã chỉ đạo thực hiện vào đầu những năm 90. Ấn Độ hay nói đúng hơn là một số người Ấn Độ đã được hưởng lợi từ những tác động của tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng: 9% mỗi năm.

Số tiền được chảy vào túi những người nghèo khổ nhất thì không nhiều nhưng rõ ràng số tiền mặt khổng lồ được tạo ra là không thể phủ nhận. Báo cáo gần đây của Hội đồng quốc gia về nghiên cứu kinh tế ứng dụng Ấn Độ cho biết, tầng lớp trung lưu nổi tiếng của Ấn Độ đã tăng từ 2,7% dân số năm 1995-1996 lên gần 13% hiện nay.

Dân nghèo không cần Walmart


Tất cả những chỗ trống trong câu chuyện phát triển của Ấn Độ thường bị lơ đi tại phương Tây cũng như các nơi khác giờ đây lồ lộ một cách rõ rệt. Gói cải cách mới nhất của nước này cũng được chính Manmohan Singh - giờ là thủ tướng Ấn Độ khởi xướng. Ý tưởng về cuộc cải cách xuất phát từ nỗi lo sợ là những lỗ hổng đó sẽ nuốt chửng mọi thành quả cũng như nỗ lực trong thập niên vừa qua nếu như họ không sớm có những hành động quyết liệt. Và đương nhiên không thể phủ nhận được những lo lắng về nguy cơ mất tự tin trước thị trường quốc tế.

Nội bộ Đảng quốc đại cũng đã bị chia rẽ một thời gian dài vì những bất động xung quanh các chính sách kinh tế. Một bên thì không muốn thay đổi. Còn một bên thì háo hức thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài và giảm chi tiêu chính phủ. Và sự thay đổi đầu tiên đã xuất hiện kể từ sau đề xuất của Bộ trưởng tài chính và sau đó là chủ tịch đảng quốc đại Sonia Gandhi đã bị thuyết phục khi Singh lập luận rằng, nếu tiền không được tạo ra nhanh chóng thì những chương trình trợ cấp lớn mà bà tin là vô cùng cần thiết để cải thiện cuộc sống của rất nhiều dân nghèo Ấn Độ có thể sẽ không có nguồn tài trợ.

Trợ lý của thủ tướng cho biết, nếu không có tiền thì không thể có an sinh xã hội. Và Ấn Độ sẽ thực hiện nhiều biện pháp cải cách hơn.

Đó là một sự chuyển đổi rất lớn tại một đất nước mà dân số bằng 1/5 toàn thế giới. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ những cải cách gần đây mặc dù khá ấn tượng thì nó vẫn còn chưa đủ đối với một kế hoạch kinh tế có tầm quan trọng vô cùng lớn. Họ có thể đưa những khoản đầu tư lớn hơn một chút và an ủi các thị trường nhưng lại không thể giải quyết được những nguyên nhân bế tắc gốc rễ khiến kinh tế tăng trưởng trì trệ, chi tiêu công vượt kế hoạch, lạm phát leo thang mà người chịu thiệt nhiều nhất chính là người nghèo.

Chính vì thế, rất nhiều cải tiến mới cần phải được đưa ra trong hiến pháp ngay cả khi trợ lý của thủ tướng thừa nhận rằng, đưa ra những bộ luật mới là điều không thể.

Nếu không thay đổi, kết quả sau đó là, ít nhất cho đến kỳ bầu cử sắp tới năm 2014 hoặc có thể lâu hơn nữa, Ấn Độ sẽ không thể chứng kiến được sự đổi mới cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh.

Nó sẽ chỉ ở mức 6% là cao nhất. Đây có thể là một con số cao đối với nhiều nước phương Tây nhưng các chuyên gia cho rằng nó chỉ đủ để đáp ứng được đòi hỏi hiện nay của nền dân số đang gia tăng chóng mặt.

Bên ngoài văn phòng chính phủ, trẻ em vẫn nô đùa, người làm việc quá sức đang nằm nghỉ dưới gốc cây, những cặp tình nhân đang dạo bước trên những đám cỏ dày còn ướt nước mưa, những người bán đồ ăn trên phố vẫn đang bận rộn với công việc của mình. Và cũng giống như Luthra, không ai tỏ ra quá lo lắng về sự có mặt sắp tới của Walmart.

HUNGNINH (Theo Bi)