Chị Minh cho biết, bé Hiền Mai (con chị) rất chịu khó ăn. Vì vậy, việc phát triển cân nặng của bé được các bác sĩ nhận xét là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cùng đợt sinh nở với con chị Minh ở công ty, có hai bé khác cũng 8 tháng mà đã mọc được 2 răng, trong khi con mình vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng nên chị Minh mới sốt ruột đưa con đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám cho bé Hiền Mai, các chuyên gia dinh dưỡng mới
cung cấp cho chị Minh một số những thông tin cần thiết về các vi chất dinh dưỡng
có trong các loại thức ăn cũng như những vi chất dinh dưỡng cần phải được uống
bổ sung để giúp trẻ có được sự phát triển toàn diện nhất. Lúc này, chị Minh mới
biết mình đã sao nhãng trong việc bổ sung vitamin D cho con.
Cũng đưa con 5 tháng tuổi đến bệnh viện để khám với những triệu chứng thường
xuyên quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, và ra nhiều mồ hôi. Anh Hùng
(Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, bé cũng được các chuyên gia dinh dưỡng chẩn đoán
là do thiếu vi chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin D, nên yêu cầu anh cho bé
uống bổ sung ngay.
Không nghi ngờ gì về kết luận của bác sĩ, anh Hùng thừa nhận, vì chưa có kinh
nghiệm nuôi con, nên ngay từ khi sinh, vợ chồng anh thường cho bé ở trong nhà,
tránh ra ngoài vì sợ gặp phải gió lạnh, nhưng lại quên mất việc cho con uống
vitamin D bổ sung.
Ảnh minh họa. |
Theo Ths - bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Thế Thanh, Trung tâm Dinh dưỡng bệnh viện Bạch Mai, trường hợp trẻ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin D dẫn đến các biểu hiện như trên không phải là hiếm gặp đối với trẻ em Việt Nam.
Đối với mỗi trẻ em, nhu cầu vitamin D hàng ngày là 100mcg = 400 đ.v/ngày. Tuy nhiên, thực tế nguồn vitamin này đến từ khẩu phần ăn chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ thể, 80% còn lại lấy từ ánh nắng mặt trời.
Vì vậy, đối với trẻ em sinh vào mùa đông ở miền Bắc, miền Trung, việc bổ sung vitamin D bằng cách cho trẻ uống là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo, việc uống bổ sung vitamin D vẫn nên kết hợp với tắm nắng cho trẻ, mỗi lần từ 5 phút, sau tăng dần đến 15, 30 phút, trước 8h30 phút sáng, và sau 4h30 chiều hàng ngày.
“Việc tắm nắng phải đảm bảo ánh nắng được tiếp xúc trực triếp với da của trẻ, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào mắt và gáy trẻ. Tuyệt đối, không được phơi nắng cho trẻ qua cửa kính.
Sau khi tắm nắng, trẻ cần phải được lau khô mồ hôi, để tránh bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp hoặc viêm phổi”- Ths Thế Thanh nói.
Dấu hiệu trẻ thiếu một số vi chất
Thiếu kẽm: Chiều cao kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ nhão. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà. Thiếu sắt: Trẻ mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, da xanh xao, viêm lưỡi, teo lưỡi, viêm mép, lõm móng tay, hội chứng Plummes Vinson (màng thực quản). Tuy nhiên, khi thiếu sắt ở mức độ nhẹ chưa gây thiếu máu thì thiếu chất sắt cũng gây một số hậu quả như: làm giảm khả năng nhận thức, thay đổi hành vi và chậm phát triển thể chất ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, với trẻ em tuổi học đường, làm suy giảm tình trạng miễn dịch và gia tăng tỉ lệ tử vong với bệnh nhiễm trùng ở mọi lứa tuổi. Thiếu vitamin C: Lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Chất này có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót. Thiếu vitamin D: Trẻ hay quấy khóc, chậm mọc răng, chậm biết lẫy, bò, đi... ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy, thóp mềm và chậm liền. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, và
qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan |
Vũ Lụa