- Thành công ở tuổi 34, không còn mục tiêu để phấn đấu khiến T. rơi vào trạng thái chán chường, mệt mỏi. Nghe có vẻ hoang đường nhưng bệnh trầm cảm vì cuộc sống quá an nhàn, sung túc đang tấn công vào người giàu.


Trầm cảm vì thành công sớm

Vừa cầm được tấm bằng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương là N. T (Đống Đa, Hà Nội) lao vào làm việc như cái máy. Sau 3 năm "cày cuốc", T. đủ vốn mở công ty riêng. Những năm đầu khởi nghiệp, T. phải đối mặt với biết bao áp lực từ tìm nguồn vốn, đối tác, quản lý nhân viên... Công việc lúc nào cũng bộn bề, đầy thứ lo toan.

Sau gần chục năm lăn lộn trên thương trường, công ty của T. cũng đi vào guồng hoạt động, không còn khó khăn trở ngại. Ở tuổi 34, T. đã đạt được tất cả những gì mơ ước: giám đốc trẻ, công ty làm ăn thuận lợi, thu nhập trăm triệu mỗi tháng, mua được nhà mặt phố, ô tô sang, vợ hiền, con ngoan.

Rối loạn cảm xúc. Ảnh minh họah: tamthantw2

Ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ cuộc sống đáng mơ ước của T. nhưng ít ai biết rằng, chính sự thành công sớm khiến T. cảm thấy cuộc sống vô vị, không còn mục tiêu phấn đấu, mất hết động lực sống.

Từ khi công ty đi vào quỹ đạo, không còn khó khăn trở ngại nào nữa T. thấy hụt hẫng, cuộc sống vật chất an nhàn đầy đủ khiến T. thấy mình ù lì, không còn xông xáo như thời trẻ. Vốn là con người của công việc, giờ đến công ty chỉ ký vài giấy tờ, hết 8 tiếng lại về nhà ăn cơm, chơi với con khiến T. cảm thấy chơi vơi.

Dư dả tiền bạc, lại có thời gian rảnh, T. muốn tụ tập bạn bè nhưng nhìn lại xung quanh mình chẳng còn ai thân thiết. Thời gian khởi nghiệp, lao vào làm việc như điên dại, T. đã từ chối hết mọi buổi ăn uống, họp lớp. Thậm chí bạn bè mời cưới T. cũng chỉ gửi phong bì chứ không đi dự.

Cũng vì một thời gian dài tập trung vào công việc, quên bẵng đi sở thích cá nhân nên khi nhàn rỗi, muốn tìm một sân chơi để tham gia ở cái tuổi 34 T. cảm thấy e ngại.

Công việc nhàn nhã, có tiền, có thời gian rảnh mà không có ai tụ họp, một thời gian dài chán nản, bế tắc, T. rơi vào trạng thái trầm cảm phải tìm gặp bác sĩ tâm thần để điều trị.

Nhàn quá cũng sinh bệnh

Câu chuyện của Thúy Hoa (Dịch Vọng, Cầu Giấy) là một ví dụ điển hình cho chứng trầm cảm vì quá nhàn. Hoa làm văn thư ở một ủy ban phường, công việc hết sức nhàn nhã. Nhưng rảnh rỗi quá khiến Hoa cảm thấy chán, cô muốn gặp bạn bè trò chuyện nhưng ai cũng bận rộn cả. Công việc văn thư chỉ là ghi chép sổ sách nên hầu như kiến thức học được ở đại học Hoa không cần động tới. Không có mục tiêu phấn đấu, cô rơi vào trạng thái chán nản, mất ngủ triền miên.

Công việc nhiều áp lực, vất vả dễ khiến con người ta mệt mỏi, chán nản, và ở thái cực ngược lại, công việc an nhàn quá cũng dễ khiến người ta chán. Đó là câu chuyện trầm cảm của những bà nội trợ ở nhà chăm con và những người làm công việc nhà nước nhàn hạ.

Bác sỹ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) đã từng điều trị chứng trầm cảm cho nhiều bà nội trợ chỉ ở nhà chăm con.

Bác sĩ Dũng kể về một trường hợp bệnh nhân 36 tuổi, người Hà Nội. Chị này có cuộc sống vật chất đầy đủ, không phải lo lắng bất cứ điều gì. Chồng giỏi kiếm tiền nên chị nghe lời chồng bỏ việc ở nhà chăm sóc gia đình. Nói vậy, nhưng nhà có người giúp việc nên chị cũng chẳng phải mó tay vào bất cứ việc gì.

Ngày ngày chị chỉ ôm con, đi siêu thị mua sắm, làm đẹp. Mãi rồi cũng chán, chị muốn tụ tập bạn bè, đồng nghiệp cũ để tám chuyện nhưng mọi người đều đi làm, tất bật với công việc. Chán chường, chị chẳng muốn mua sắm, làm đẹp gì nữa, chỉ suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Cứ như vậy chị cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ.

Bác sĩ Dũng cho biết, nhiều chị em phụ nữ, nhất là những người đã từng đi làm, giao tiếp rộng khi phải bỏ công việc để chỉ ở nhà nấu cơm, chăm con rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm vì thấy mình lạc hậu với thời cuộc hay cảm thấy lép vế trong gia đình vì không kiếm được thu nhập.

Với trường hợp này cách điều trị tốt nhất là người phụ nữ nên đi làm lại, bất kể công việc gì phù hợp với hoàn cảnh của mình. Công việc giúp họ qua được thời gian nhàn rỗi. Nó khiến họ luôn bận rộn và không có gì phải phiền não.

Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, không nên để tình trạng stress kéo dài, nên xây dựng lối sống lành mạnh như dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, ngủ đủ thời gian và có chất lượng, tập thể dục thể thao, tham gia các loại hình giải trí mà mình yêu thích... cũng là cách phòng bệnh hiệu quả. Xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè, đồng nghiệp và có quan điểm sống tích cực, tập thái cực quyền, yoga... cũng có thể giúp làm giảm cảm xúc lo âu.

Trầm cảm vì quá sướng, căn bệnh của người giàu?

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số người bị trầm cảm sống ở các nước phát triển giàu có chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều, đặc biệt cao nhất ở Pháp và Mỹ (số liệu dựa trên kết quả phỏng vấn 89.000 người ở khắp 18 quốc gia).

Trong khi 15% số người đang sống ở các nước giàu có thừa nhận rằng mình đã ít nhất một lần vật vã với những cơn trầm cảm vì quá sung sướng thì chỉ có 11% số người ở những nước nghèo cho rằng mình gặp khó khăn về tinh thần trong cuộc sống. Chỉ trong năm 2010 đã có tới 5,5% dân số các nước thuộc top thu nhập cao báo cáo bị chứng trầm cảm hành hạ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc chứng trầm cảm dẫn đến tự tử có khả năng tấn công ở các nước có thu nhập cao hơn so với những nước nghèo rất nhiều. Một câu chuyện thật như đùa đã xảy ra vào cuối tháng 10/2011, khi một cặp vợ chồng trẻ người Ấn Độ làm việc trong ngành công nghệ thông tin, cho rằng quá thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình nên đã treo cổ tự tử tại nhà riêng ở Merces, ngay ngoại ô thành phố Panaji của bang Goa (Ấn Độ).

Hiện nay trên thế giới có gần 121 triệu người đang phải chịu đựng chứng trầm cảm.

La Hoàn
(còn nữa)