-Nghịch lý đang diễn ra tại nhà N3 Nguyễn Công Trứ, sau hơn 6 năm mong mỏi chờ đợi đến nay khu nhà đã hoàn thành nhưng người dân lại chưa chịu về.
Mỏi mòn chờ đợi, xây xong không về
Dự án cải tạo tập thể Nguyễn Công Trứ là dự án được thí điểm cải tạo đầu tiên của Hà Nội. Tháng 12/2002, thành phố Hà Nội có văn bản giao Cty xây dựng và Phát triển nhà Hai Bà Trưng (nay là Cty CP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico7) lập dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Sau hơn 6 năm mong mỏi chờ đợi nhà N3 đã hoàn thành nhưng người dân lại chưa chịu về. |
Dự án nhà N3 được xây dựng trên nền của nhà A1 và A2 khu Nguyễn Công Trứ cũ, với 19 tầng nổi, 3 tầng hầm. 242 hộ dân được tái định cư là những hộ sinh sống tại hai nhà A1, A2 và khu đất xung quanh trước đây. Đến nay sau hơn 6 năm mong mỏi chờ đợi khu nhà đã xây dựng xong. Tuy nhiên, tại đây đang diễn ra một nghịch lý là nhà xây xong nhưng người dân lại chưa chịu về.
Đại diện chủ đầu tư cho biết hiện mới chỉ có 26 hộ nhận nhà tái định cư. Đây là những hộ gia đình có diện tích vượt định mức không nhiều. Còn lại hơn 200 hộ vẫn “bám trụ” lại khu nhà ở Vĩnh Hoàng (Hoàng Mai). Theo những hộ dân này mức giá 26 triệu/m2 diện tích ngoài hệ số tái định cư tại dự án là quá cao. Đây là mức giá được tính với phần diện tích dôi dư mà người dân phải nộp.
Trao đổi với PV VietNamNet về thực trạng bất bình thường tại dự án, ông Nguyễn Mạnh Minh- Chủ tịch HĐQT Handico7 cho biết, liên quan đến suất đầu tư để có cơ sở tính giá trị đối với phần diện tích dôi dư mà người dân phải nộp theo phương án tái định cư đã được Thành phố phê duyệt khi chúng tôi tính đủ chi phí về tạm cư, chi phí về lãi vay thì suất đầu tư được Sở Xây dựng thẩm định lên khoảng 26 triệu/m2 . Sau đó TP đã phê duyệt cơ chế chính sách chính thức nhà N3 cụ thể là hai chi phí lãi vay, tạm cư được TP hỗ trợ thì suất đầu tư giảm xuống còn 21 triệu/m2. “Chúng tôi đã có thông báo tới người dân. Với mức giá 21 triệu/m2 trong thời gian tới chúng tôi cũng mong muốn người dân hợp tác và nhận căn hộ theo đúng phương án đã được phê duyệt” – ông Minh nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 6/4, chủ đầu tư cũng đã có thông báo (lần 2) về việc di chuyển nhận nhà N3. Tại thông báo này, Handico 7 cho biết, từ ngày 6/4-30/4/2016, các hộ gia đình còn lại khẩn trương đến làm thủ tục nộp tiền và nhận căn hộ tái định cư nhà nhà N3 theo phương án đã được UBND quận phê duyệt. “Đối với các hộ dân được bố trí tạm cư nhưng không ở và cho thuê lại, yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê. Sau ngày 30/4/2016 công ty sẽ ngưng các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng căn hộ” – thông báo nêu rõ.
Từ câu chuyện nghịch lý tại nhà N3 Nguyễn Công Trứ có thể thấy để đi đến cuối cùng của bài toán cải tạo chung cư cũ vẫn còn đó nhiều vướng mắc.
Tăng tầng chung cư cũ: Còn nhiều băn khoăn
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội, theo đó cho phép xây cao 21 - 25 tầng đối với nhiều dự án cải tạo chung cư cũ ở các khu vực trung tâm.
Theo quy chế các khu chung cư cũ được xây cao từ 21 – 25 tầng. |
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội cho phép xây dựng công trình cao tầng trong trường hợp xây dựng lại các khu chung cư, tập thể cũ, chỉ ra số tầng cao chi tiết đối với 17 dự án.
Chẳng hạn như khu chung cư Nguyễn Công Trứ được quy định chiều cao 25 tầng; khu chung cư Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh có chiều cao 21 tầng; khu chung cư Quỳnh Mai có chiều cao 24 tầng; riêng khu Văn Chương được cao tối đa 18 tầng. Quy chế cũng nêu rõ, đối với dự án tái thiết đô thị là chung cư cũ có quy mô 2ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng cây xanh, diện tích công cộng.
Trong lúc vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đang ách tắc, thì việc ban hành Quy chế này được cho là giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp này lại đang gây lo ngại về việc gia tăng mật độ dân số, gây quá tải cho hạ tầng giao thông, đô thị.
Ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đất nội đô bao giờ người ta cũng sử dụng mật độ rất cao không chỉ Việt Nam, như ở HongKong, Singapore… nhưng không có nghĩa cứ cao là sống chen chúc.
“ Ở đây vấn đề tầng cao cũng không cần quá lo lắng mà phải nghĩ đến chuyện đồng bộ hạ tầng với mật độ xây dựng. Muốn cải tạo khu chung cư cũ thì phải quy hoạch lại khu đó khu quy hoạch sẽ phải cân đối lại hạ tầng của cả khu. Vấn đề là ngoài khu đó hạ tầng có cân đối hay không cho nên TP cần phải quy hoạch cải tạo đô thị, tái thiết đô thị đồng bộ. Không nên sợ chiều cao vấn đề chiều cao chỉ có hại khi không cân đối với hạ tầng” – ông Nghiêm nói.
Một chủ đầu tư đang thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội cũng cho rằng, tầng cao không nói lên vấn đề là việc cho chất tải dân cư như thế nào. Chỉ số quy hoạch quan trọng là định mức về mặt dân cư.
Việc UBND thành phố Hà Nội cho phép xây cao tầng khi cải tạo chung cư cũ là bước quan trọng để giải quyết, gỡ nút thắt là mâu thuẫn về lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân ở chung cư cũ. Hà Nội hiện có 23 khu chung cư cũ với hơn 20 vạn dân, nhưng chỉ có khoảng 2 triệu mét vuông sàn. Bình quân mỗi người chưa được 10 m2 diện tích nhà ở. Trong khi đó, theo định hướng Hà Nội phải đạt 30 m2 diện tích nhà ở/người vào năm 2020. Đây là một yêu cầu khó khăn, sau những bước tiến “ì ạch” trong suốt thời gian qua Hà Nội cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo diện mạo mới cho đô thị.
Hồng Khanh