Việc thi công, nâng cấp nhiều tuyến đường trong thời gian qua đã khiến diện mạo TP.HCM thay đổi tích cực. Tuy nhiên, ngoài hiện tượng nhà biến thành hang (Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh đầu tháng 8), hiện hơn 50 căn nhà dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng đang bị hư hỏng do ảnh hưởng của quá trình thi công đường nhưng chưa được sửa chữa.
Lún nền, nứt, gãy tường
Có mặt tại khu phố 4, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, chúng tôi chứng kiến căn nhà của ông Trần Văn Hoàng (120 Dương Văn Cam) đang bị ảnh hưởng nặng nề do quá trình thi công đường Phạm Văn Đồng. Các hạng mục như tường, cột, sàn nhà nứt toác, nền nhà lún khiến gạch lát vỡ, có nơi hở ra 3-4 cm. Không thể sống trong căn nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, ông Hoàng đã phải đóng cửa dọn đến nơi khác sinh sống gần một năm nay.
Đối diện nhà ông Hoàng, nhà của bà Bùi Thị Tâm (97 Dương Văn Cam) cũng bị rạn nứt nhiều nơi. Nặng nề nhất là khu vực bếp với một vết nứt lớn gần như chia đôi bức tường bếp. Nhiều hộ dân xung quanh cũng có hư hỏng tương tự.
Tại khu phố 6, căn nhà của ông Nguyễn Văn Đáng (45/7/5 Phạm Văn Đồng, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cũng hư hỏng nghiêm trọng. Đứng trên vỉa hè Phạm Văn Đồng có thể thấy một vết nứt lớn chạy suốt từ đỉnh bức tường xuống tận nền nhà. “Khi người ta thi công tuyến đường, nhà tôi bắt đầu nứt. Nay con đường hoàn thành đã lâu nhưng gia đình không có tiền sửa nhà. Mỗi khi trời mưa, nước theo các vết nứt đổ vào ngập đầy nhà, rất khổ sở” - ông Đáng nói.
Những vết nứt trong nhà bà Bùi Thị Tâm, 97 Dương Văn Cam, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: V.HOA |
Xây mới không được, ở không xong
Hư hỏng nghiêm trọng nhất có lẽ là nhà của bà Lê Thị Trinh (142 Dương Văn Cam). Theo biên bản kiểm tra hiện trạng của Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức và UBND phường Linh Tây lập ngày 5-5-2014, nền nhà bà Trinh sát ranh dự án bị sụt, lún nứt nặng. Khoảng 4 m2 tường đổ sập, các mảng tường gần cột nhà nứt toác. Hiện cửa nhà không thể đóng mở được. Trong biên bản, tổ công tác cho hay đã liên hệ với nhà thầu GS E&C nhưng đơn vị này không cử người tham gia kiểm tra mà chỉ đề nghị quận Thủ Đức gửi biên bản để họ giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, bà Trinh chờ hơn một năm trời nhưng vẫn không rõ mình có được hỗ trợ khắc phục thiệt hại hay không. Do căn nhà hư hại nghiêm trọng, vợ chồng bà Trinh phải dọn đến nhà người thân ở tạm, đồng thời làm hồ sơ xin phép xây dựng. Hồ sơ của bà không được quận Thủ Đức chấp thuận do căn nhà nằm trong hành lang bảo vệ đường sắt, chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng.
“Vợ chồng tôi đã gần 80 tuổi. Giờ tôi chỉ mong muốn xây dựng lại căn nhà theo hiện trạng cũ để được sống yên ổn những năm tháng cuối đời. Xây mới thì không được phép, còn nhà cũ nát quá rồi, không cách gì sửa được nên tôi đã đập bỏ. Thật sự giờ tôi bế tắc, không biết phải làm sao nữa…” - bà Trinh than thở.
Hỗ trợ sửa chữa theo hiện trạng
Cuối năm 2012, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì giải quyết mọi khiếu nại, khiếu kiện của người dân trong quá trình thi công đường Phạm Văn Đồng. Ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin trước đó Sở đã đề nghị chủ đầu tư (Công ty GS Sài Gòn) giải quyết bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Công ty này đã khảo sát 52 trường hợp theo báo cáo của quận Thủ Đức và phân ra ba loại: Nhà hư hỏng nhẹ; có hư hỏng phải sửa chữa và hư hỏng nặng.
Ông Bình cho hay đây mới chỉ là kết quả thẩm định của chủ đầu tư. Sở sẽ kiểm tra lại toàn bộ kết quả giám định này, đồng thời sẽ cùng chủ đầu tư thống nhất phương án bồi thường phù hợp. “Theo tôi, phương án chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận mức bồi thường là tối ưu nhất” - ông Bình nói.
Ngày 12-8, Sở Xây dựng cũng đã họp với chủ đầu tư và nhà thầu để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của dự án. Trên cơ sở kết quả đã khảo sát, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty GS Sài Gòn lập dự toán bồi thường, sửa chữa (và cách thức thực hiện) các căn nhà bị hư hỏng, gửi kết quả cho Sở trước ngày 30-8.
Hướng xử lý được Sở Xây dựng đưa ra là bồi thường thiệt hại theo hiện trạng chứ không phải theo dạng xây mới. “Chủ đầu tư cũng rất có thiện chí giải quyết bồi thường cho người dân. Sở Xây dựng cũng đang cùng quận Thủ Đức rà soát xem ngoài 52 trường hợp trên còn hộ nào bị thiệt hại nhưng chưa được xem xét hỗ trợ hay không” - ông Bình nói.
Ông Trần Văn Hoàng và các hộ dân khu phố 4, phường Linh Tây, quận Thủ Đức đã có đơn gửi UBND quận Thủ Đức phản ánh việc thi công dự án đường Phạm Văn Đồng gây sụt lún, nứt sàn, tường nhà của họ. Trả lời người dân, UBND quận Thủ Đức cho biết quận đã có công văn gửi Sở Xây dựng về những nội dung người dân phản ánh nhưng đến nay đã hơn một năm vẫn chưa được phản hồi. 52 căn nhà tại ba phường Linh Đông, Linh Tây và Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức bị lún, nứt do quá trình thi công đường Phạm Văn Đồng. Đến thời điểm này, các hộ vẫn chưa được giải quyết bồi thường, hỗ trợ. |
Theo Báo Pháp luật