- Không riêng Giám đốc Sở Quy hoạch Nguyễn Văn Hải mà cả Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình đều khẳng định tại phiên chất vấn của HĐND thành phố sáng nay (9/12) rằng Hà Nội sẽ quyết tâm giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo và lộn xộn quy hoạch, như Đà Nẵng đã từng làm được.

Phiên chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch đầu buổi sáng tập trung làm rõ việc thực hiện nghị quyết của HĐND ban hành 10 năm nay về giải phóng mặt bằng, quy hoạch tuyến phố hai bên đường mới mở.

4 lý do không thực hiện tốt quy hoạch  mà Giám đốc Nguyễn Văn Hải nêu đã "châm ngòi" cho 14 lượt câu hỏi chất vấn, đặc biệt là so sánh cách làm của Hà Nội với Đà Nẵng, Vũng Tàu, đồng thời nhắc lại bài học về tuyến đường "đắt nhất hành tinh" Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Những câu trả lời ngắn gọn của Giám đốc Sở mới khiến các ĐB nhiều lần lắc đầu.

ĐB Ngô Văn Ny: Sao Đà Nẵng giải quyết được nhà siêu mỏng mà Hà Nội không làm được?
Đặc biệt, khi ĐB Ngô Văn Ny nêu thắc mắc, không biết lãnh đạo Sở thống nhất chỉ đạo như thế nào mà trả lời trên VTV1 mới đây, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch nói Đà Nẵng giải quyết được nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng Hà Nội không làm được thì Giám đốc Sở Nguyễn Văn Hải chắc nịch: "Tôi xin hứa chắc chắn sẽ làm được. Không phải Đà Nẵng làm mà Hà Nội lại không làm được”.

Phải hỏi tại sao dân không đồng thuận

Trước đó, Giám đốc Sở Quy hoạch khẳng định, nhờ nghị quyết của HĐND, thành phố đã mở được nhiều tuyến đường kết hợp xây cảnh quan hai bên ở các khu đô thị mới như đường Lê Văn Lương kéo dài, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Hoàng Đạo Thúy.

Nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn như ngân sách hạn hẹp lại không kêu gọi được nhà đầu tư đủ lớn vừa mở đường vừa giải phóng mặt bằng. Thành phố chưa nhận được sự đồng thuận của dân, nhất là khâu đền bù. Quy định pháp lý lại chưa đủ chặt chẽ....

Những lập luận này đã bị phản bác ngay sau đó.


ĐB Trần Trọng Hanh: Có sai thì nhận, không nên né tránh

Theo ĐB Vũ Đức Tân, nếu cho rằng khó nhất là sự đồng thuận của dân thì chính quyền cũng phải đảm bảo thực hiện lời hứa, dân cũng  buộc phải tuân thủ pháp luật. "Nhưng có những dự án dân thường để thành phố có mặt bằng làm công trình nhưng đến khi thỏa thuận thì thành phố làm chưa đúng lắm. Nhiều năm nay tôi đã phản ánh tình trạng 15 hộ dân trên đường vành đai 3 mà thành phố chưa giải quyết dứt điểm cho họ. Cùng một loại dự án phải đền bù như nhau nhưng thực chất nơi đền bù kiểu này, nơi kiểu khác", ĐB Tân nói.

ĐB Nguyễn Hoài Nam bổ sung, 10 năm trước, khi ban hành Nghị quyết 09, HĐND đã lường hết các khó khăn trên và ra nghị quyết là để gỡ khó nên không thể lập luận như vậy, chưa kể, khó như vậy tại sao Đà Nẵng đã làm được mà Hà Nội thì không?

Giám đốc Sở Quy hoạch giải thích, thành phố thực hiện quy hoạch các tuyến đường trong điều kiện các văn bản pháp quy chưa đầy đủ, nhiều thông tư, nghị định mãi đến 2005 mới ban hành. Hướng tới đây là đề xuất phải quy hoạch được duyệt là công cụ pháp lý để bắt buộc người dân tuân thủ. Việc chưa đồng bộ giữa mở đường và xây dựng hai bên tuyến mới còn lúng túng và vướng ở khâu phân kỳ chỗ nào đầu tư trước, chỗ nào sau, đặc biệt ở khâu thuyết phục dân.

Riêng nhà siêu mỏng, siêu méo, trong chiến dịch cao điểm giải quyết vài ba năm trước, nhiều quận như Long Biên đã xử lý được tương đối nhiều. Song nói chung thành phố vẫn chưa làm được triệt để, tới đây sẽ phối hợp cùng ủy ban để làm.

ĐB Trần Trọng Hanh tiếp tục "truy": "Nguyên nhân đưa ra không chính đáng và như cách trả lời hô khẩu hiệu của Giám đốc Sở thì Thủ đô sẽ không bao giờ có được những con đường như ý muốn".
Phó Chủ tịch TP Phí Thái Bình: Nhiều vấn đề là quyết định ở "trên", Hà Nội không thể can thiệp

Theo ông Hanh, nói thiếu căn cứ pháp lý là chưa xác đáng bởi từ năm 1993, Hà Nội đã có những quy định còn tiến bộ hơn bây giờ. Chưa kể, quy định nằm trong tầm tay lãnh đạo thành phố, mà cơ quan tham mưu là Sở nếu thấy thiếu là phải trình, không thể vin vào lý do "xin ông nọ bà kia". Có chăng là các văn bản chỉ nằm trong "ống" không được đem ra vận dụng.

Ông Hanh cho rằng đổ tại "dân không đồng tình" thì cũng phải hỏi tại sao dân không đồng tình.

"Cũng là nước Việt Nam, sao chỗ này đồng tình còn chỗ khác lại không? Phải làm thế nào để dân đồng tình với mình... Có sai thì nhận, không nên né tránh"
, ông Hanh góp ý.

Giám đốc Sở Quy hoạch giải thích lại, "cơ bản là dân đồng tình nhưng nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn chưa".

Theo ông Hải, trong quá trình làm quy hoạch chi tiết, thành phố đã xin ý dân trước khi Chủ tịch thành phố phê duyệt. Nhưng khi triển khai thì dân lại chưa đồng tình.

Ông Hải cũng thừa nhận, vẫn chưa thực hiện được quy định trong luật là phải để từng người dân có thể biết chi tiết quy hoạch.

"Qua 3 đời chủ tịch"

Chia lửa với Giám đốc Sở, ông Nguyễn Đức Biền, trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho rằng, công khai quy hoạch, truyền thông mạnh mẽ đến dân và quản lý chặt chẽ quy hoạch thì không có chuyện dân không biết và không đồng thuận .Mọi trục đường mới mở phải công khai chỉ giới quy hoạch.

Giám đốc Sở Quy hoạch Nguyễn Văn Hải: Còn vướng ở khâu thuyết phục dân

Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực thành phố cho rằng, ĐB phải thông cảm với những hạn chế vì đây là vấn đề do lịch sử để lại. Chưa kể, nhiều vấn đề là quyết định ở "trên", Hà Nội không thể can thiệp.

Ông Bình dẫn chứng, khi mở đường Phạm Hùng và Lê Văn Lương, Bộ Xây dựng yêu cầu quy hoạch công trình xung quanh phải thấp hơn so với trung tâm hội nghị quốc gia. Nhưng mấy năm sau lại yêu cầu phải xây cao hơn. "Trước bảo thấp, sau lại bảo cao, thành phố phải đánh vật với quy hoạch", ông Bình cho hay.

Cũng theo Phó Chủ tịch Phí Thái Bình, Hà Nội sẽ kiên quyết, dứt khoát xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, không thể so sánh với các tỉnh thành khác. Đà Nẵng có diện tích đất rộng hơn Hà Nội nên đền bù cho dân cũng dễ dàng và nhanh chóng đạt được đồng thuận hơn.

"Rất khó, nhưng thành phố kiên quyết làm",
ông Bình nói.

Chia sẻ với lãnh đạo ủy ban, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho rằng, tới đây phải xem xét nếu cần điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 09 thì thành phố phải để xuất sửa đổi.

Cũng phải "thông cảm" vì nghị quyết đi qua 3 đời Chủ tịch thành phố và nhiều đời giám đốc Sở Quy hoạch. Tuy nhiên, kết quả triển khai nghị quyết vẫn rất khiêm tốn. Toàn thành phố chưa thấy được thành quả một tuyến đường nào rõ rệt.

•   Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng