Liên tiếp các vụ gian lận trong mua nhà thu nhập thấp (TNT) được phát hiện cộng với hơn 21% trên tổng số nhà TNT ở CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) được bàn giao nhưng chưa có người đến ở đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc bán nhà TNT.

TIN BÀI KHÁC


Có nhà chưa cần về ở

Đầu tiên là vụ mua bán trao tay trái phép căn hộ số 1702 tại dự án CT1, Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Cơ quan công an phát hiện bà Cao Thị Loan, người được suất mua nhà thu nhập thấp đã bán căn hộ này với giá 1,1 tỉ đồng cho người khác.

Một cán bộ Sở Xây dựng (Hà Nội) nhận định, đây rất có thể là hình thức "mượn tên" mua suất của các đối tượng buôn bán chuyên nghiệp. Biết bà Loan thuộc diện được ưu tiên, các đối tượng này đã chủ động làm hồ sơ mua suất sau đó bán luôn căn hộ giúp bà Loan để kiếm chênh lệch.

Tiếp sau vụ việc trên, cơ quan công an đã phát hiện thêm 4 trường hợp bất thường khác. Các trường hợp này không mua bán trái phép nhưng lại thuộc diện không đủ điều kiện là đối tượng được mua nhà thu nhập thấp.


Bao nhiêu người mua nhà thu nhập thấp có thu nhập thấp? (ảnh minh họa)

Chưa hết, tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) - vừa bốc thăm suất mua nhà đầu tháng 6.2011, một đối tượng đã gửi đơn tới Sở Xây dựng Hà Nội để "tự thú" về việc đã có miếng đất rộng 82m2 với giấy chứng nhận mang tên mình nhưng vẫn "lỡ" trúng suất mua nhà giá rẻ!..

Không chỉ hàng loạt các vụ gian lận mua bán nhà trái phép đã được phát hiện, theo báo cáo mới nhất của công ty cổ phần Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư dự án chung cư đầu tiên của Hà Nội dành cho người TNT - hiện vẫn còn 69 căn hộ tại tòa CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, tuy đã nhận bàn giao được 3 tháng nhưng vẫn chưa dọn tới ở, tương đương 21% tổng số căn hộ.

Đáng chú ý, lý do được các hộ dân đưa ra là do con cái họ phải học hết năm học này tại nơi cu trú cũ; có lý do chưa chọn được ngày đẹp để dọn nhà, hay chưa đủ tiền để sắm đồ đạc cho căn hộ mới... Xin được nói lại, đây là những người đã đăng ký trong hồ sơ mua nhà là đang không có nhà hoặc có diện tích quá chật chội.!

Bên cạnh đó, mục sở thị một vài căn hộ TNT ở tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm đã về ở, không khó để nhận ra một cuộc sống không quá khó khăn về kinh tế như người ta thường nghĩ nếu không nói là có phần khá giả để được có một suất ưu tiên mua nhà ở đây.

Khó để xác định thu nhập

Nhằm ngăn chặn tình trạng “bỏ trống” và gian lận trong mua bán nhà TNT, mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà TNT trên toàn thành phố bổ sung một số nội dung mới vào hợp đồng mua bán căn hộ. Cụ thể, sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ, nếu bên mua không đến ở thì coi như không có nhu cầu ở và cơ quan quản lý sẽ thu hồi căn hộ.

Sở cũng yêu cầu thêm vào hợp đồng điều khoản “nếu bên mua cho người khác sử dụng nhà hoặc vi phạm quy chế quản lý nhà thì sẽ chấm dứt hợp đồng mua nhà” cũng như bổ sung ảnh các thành viên hộ gia đình trong hồ sơ mua nhà…


Việc xét duyệt hồ sơ mua nhà TNT nên giao cho cơ quan nhà nước thực hiện (ảnh minh họa)

Có thể thấy, thực tế đây chỉ là cách giải quyết “bề nổi” bởi điều khó khăn nhất hiện nay trong việc xác minh đối tượng đủ điều kiện mua nhà TNT chính là xác định thu nhập và thực trạng về nhà ở.

Rõ ràng, vấn đề thu nhập của những người đang hưởng lương ngân sách nhà nước luôn là một dấu hỏi lớn trong dư luận, bởi nếu thực sự họ chỉ sống bằng đúng đồng lương thì riêng việc chi tiêu trong gia đình cũng sẽ không đủ, nói gì đến mua nhà.

Trong khi đó, thói quen sử dụng tiền mặt trên thị trường đã khiến việc xác định thu nhập của mỗi người là khó khả thi. Và từ đó, chúng ta cũng không thể biết đối tượng được mua nhà đã có nhà chưa và có bao nhiêu cái, khi mà việc xác nhận tình trạng nhà ở cũng chỉ khoanh vùng trong một phạm vi hẹp!

Và ở góc độ doanh nghiệp, chủ đầu tư đáng lẽ chỉ cần quan tâm đến việc xây nhà để bán cho khách hàng dựa trên những quy định khung của thành phố như bảo đảm chất lượng xây dựng, lãi suất theo quy định… thì họ lại phải làm thêm nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ, phối hợp cùng phát hiện, xử lý sai phạm…

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, ông Lê Khắc Hiệp, thật khó cho doanh nghiệp khi phải đứng ra xét duyệt hồ sơ mua nhà giá rẻ. Việc này nên giao cho cơ quan Nhà nước.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên phát triển loại hình nhà cho thuê dành cho các đối tượng chính sách. Như vậy, thay vì xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, thì nên hình thành quỹ nhà do Nhà nước hỗ trợ một phần để cho người thu nhập thấp thuê, trả tiền hàng tháng hoặc theo kỳ.

Với điều kiện phải đặt cọc trước một khoản tiền hợp lý trước khi ký hợp đồng thuê, việc quản lý nhà cho thuê sẽ bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích và tránh gian lận.

Đây cũng là cách để bảo đảm bảo sự công bằng cho những đối tượng khác trong xã hội – những người chưa bao giờ được xác nhận là có thu nhập thấp trong khi thực chất lại có thu nhập thấp hơn nhiều người được nhờ ưu đãi này mà có nhà.

(Theo Dân trí)