Nhiều căn hộ đã được bàn giao thi thoảng mới thấy có người tới ở, những căn hộ
mới chuyển tới nội thất “lung linh”, những người chưa đóng đủ tiền nhà thì lo
lắng bị phạt 50.000 đ/ngày…
Sau khi phát hiện vụ mua bán nhà thu nhập thấp đầu tiên tại Hà Nội, rất nhiều
vấn đề cho công tác hậu kiểm được đặt ra và sẽ còn là bài toán đau đầu cho các
nhà quản lý trong thời gian dài.
Vào ở hay không: Nhiều lý do
Từ ngày bốc thăm trúng căn hộ tại tầng 12, toà nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông,
chị Lương Thị Phi Yến (Hà Đông, Hà Nội) đã nhanh chóng thuê một cửa hàng ở gần
chung cư để mở cửa hàng bán đồ ăn sáng.
“Tôi không may bốc phải căn hộ to quá, gần 80m, trị giá 800 triệu đồng nên phải
vay tiền để nộp, chật vật mãi chưa trả xong đến nay vẫn còn nợ hơn 50 triệu
đồng. Hôm rồi đọc báo thấy bảo một tháng nữa không lo trả hết thì sẽ bị tịch
thu, tôi chắc sẽ phải đi vay nóng” - chị Yến lo lắng nói.
Những căn hộ dành cho người có thu nhập thấp đẹp "lung linh" (Ảnh: T.Linh)
Cộng với số tiền vay trước đây, mỗi tháng phải trả 6 triệu đồng tiền lãi, chị
Yến đang lo phải tốn thêm 50.000 đồng/ngày do còn nợ chủ đầu tư hơn 50 triệu
đồng (đây là quy định được ghi rõ trong hợp đồng).
Chị Yến cho hay, trước đây có làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng HD Bank, nhưng
ngân hàng yêu cầu phải chứng minh được có thu nhập 10 triệu đồng/tháng. “Tôi đã
phải đi mua nhà cho người thu nhập thấp thì kiếm đâu ra 10 triệu đồng thu
nhập/tháng? Mức thu nhập đó quá cao với một người đang phải một mình nuôi ba đứa
con như tôi” - chị thắc mắc.
Cư dân có mức thu nhập thấp này cũng chia sẻ, hơn 40 tuổi, sống trong chật chội,
giờ có nhà rộng đương nhiên là thích rồi, muốn chuyển lên sống rồi nhưng vẫn
đang loay hoay với 50 triệu đồng còn lại.
Đây là một trong 20 trường hợp chưa đóng đủ tiền cho Công ty cổ phần bê tông
Vinaconex Xuân Mai để được bàn giao căn hộ. Theo ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng
Giám đốc công ty, "hợp đồng quy định nếu chậm nộp tiền các chủ căn hộ sẽ phải
nộp tiền phạt như vậy (50.000 đồng/ngày). Nhưng chúng tôi chưa thu tiền của bất
kể trường hợp nào cả và có lẽ cũng chỉ đưa ra làm nghĩa vụ thúc giục họ phải nộp
tiền đúng kỳ hạn thôi chứ công ty chắc sẽ không thu".
Trong khi đó, tính tới ngày 20/5, mới có khoảng 60% căn hộ có người ở (trong
tổng số 328 căn) dù nhiều căn đã được bàn giao từ trước Tết Nguyên đán 2011. Chị
Nga, sống tại căn hộ 1205 làm nghề tiếp thị máy lọc nước nóng lạnh cho hay, thứ
7 tuần trước chị gõ cửa các phòng để tiếp thị máy thì chỉ có khoảng 100 căn hộ
đang có người ở. Một số căn hộ chủ nhà chỉ tới một lát hoặc thi thoảng tạt đến
ngủ qua đêm rồi lại bặt tăm, hoặc chỉ có một người ở.
Về vấn đề này, ông Đa cho biết, qua tìm hiểu thực tế, rất nhiều hộ gia đình giải
thích chưa thể chuyển đến vì đang chờ con học xong năm học này. "Chính vì vậy,
chúng tôi đã đề nghị TP xem xét quy định, sau ba tháng nữa, hộ nào không chuyển
tới ở, căn hộ sẽ được bàn giao cho người khác. Có thể trong tuần tới, TP sẽ ban
hành văn bản quy định về vấn đề này" - ông Đa nói.
Giật mình vì nội thất nhà thu nhập thấp!
Sáng 20/5, khi tới thăm một số căn hộ tại CT1, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên
vì sự tươm tất ở nơi đây. Rất nhiều căn hộ không dùng sàn gạch theo thiết kế ban
đầu mà chuyển sang lát sàn gỗ với lời giải thích: "chỉ khoảng 12-15 triệu đồng
thôi".
Tại căn hộ số 1205, chị Nga cho hay, gia đình chuyển về đây từ tháng 4 sau khi
nộp đủ 600 triệu đồng tiền nhà. Chị cũng ước tính, chỉ cần thêm khoảng 100 triệu
đồng nữa là các căn hộ sẽ có nội thất "lung linh".
Chị kể về nỗi khó khăn, nghèo khó của hai vợ chồng và 2 đứa con đang tuổi ăn học
và sự vui mừng không tả xiết của gia đình nghèo khi bắt thăm được căn hộ vừa ý.
Nhưng khi hỏi về các nội thất rất đầy đủ trong nhà, chị Nga cho biết đó là quà
tặng của công ty chồng, của gia đình hai bên... tặng hoặc mua đồ thanh lý như tủ
lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, bàn ghế, các bức tranh gỗ, khảm trai...,
riêng tivi Bravia Sony 40 inch thì chồng chị tự mua!
Nhiều gia đình về đây đều tân trang lại sàn, có gia đình làm trần, ốp tường…
Tại tầng hầm để xe của cả khu, một nhân viên trông giữ xe cho hay, kể cả xe bên
ngoài gửi thì ở đây luôn có khoảng 10-15 chiếc ô tô. Có căn hộ ở tầng 7 thấy chủ
nhân đi hai ô tô, lúc xe này, lúc xe khác.
"Chính tôi còn giật mình về nội thất các căn hộ. Tất nhiên là tôi vui mừng vì
đời sống của người nghèo như thế là rất được. Nhưng thực tế, về mặt quản lý có
lẽ, khâu xét duyệt vẫn còn có vấn đề" - ông Đa chia sẻ nỗi băn khoăn.
Theo ông Đa, tiêu chí về hộ thu nhập thấp là không đóng thuế thu nhập cá nhân
thì cơ quan thuế có thể rà soát xem các đối tượng ở đây có thuộc diện đó hay
không? Nhưng với những người trốn thuế hoặc lao động tự do, không có mã số thuế
thì không biết sẽ dựa vào những căn cứ như thế nào?
Do vậy, ông Đa cho rằng, chính quyền phường, xã phải làm thật chặt khâu xác nhận
hồ sơ, bởi chỉ có ở cấp cơ sở mới có thể biết được hộ dân đó thực sự như thế
nào.
Về mặt hậu kiểm, được lực lượng liên ngành trong đó công an nắm vai trò chính,
sẽ liên tục kiểm tra đột xuất để phát hiện đồng thời rà soát toàn bộ tình trạng
các căn hộ cũng như rà soát lại hồ sơ của khu CT1 để có báo cáo lên TP vào giữa
tháng 6. Với những căn hộ không đúng tiêu chí cũng như không tới ở, cho thuê,
hay ở nhờ... chủ căn hộ phải trả lại.
Về trường hợp căn hộ 1702 bị thu hồi, ông Đa cho biết, Thành phố sẽ có ý kiến để
bàn giao căn hộ này cho đối tượng khác theo đúng tiêu chí.
(Theo Tổ quốc)