Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh việnn Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở lứa tuổi học sinh mầm non. Bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Năm nay, dịch tay chân miệng chủ yếu do virus Enterovirus (EV71) gây ra. Đây là virus gây biến chứng nguy hiểm và là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào năm 2011 và năm 2018. Hằng năm, cao điểm của bệnh tay chân miệng vào khoảng từ tháng 9-11. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các mụn nước mọc ở các vị trí trong khoang miệng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần tăng cường các biện pháp phòng dịch này. 

W-hoc-sinh-mam-non-2.png
Học sinh cần ăn sạch, sống sạch, chơi sạch ngăn ngừa tay chân miệng. 

Vào năm học mới, bác sĩ Khanh lo ngại dịch có nguy cơ lan rộng. Bởi vì, khi trẻ tới lớp sẽ chơi đùa, tiếp xúc với nhau nhiều. Nếu các cơ sở giáo dục không có biện pháp phòng chống, dịch sẽ lây lan rất nhanh. Tay chân miệng lành tính có thể tự theo dõi tại nhà nhưng nếu trẻ gặp biến chứng thần kinh sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Để ngăn chặn tay chân miệng trong trường học, nhà trường cần đảm bảo thực hiện “nguyên tắc 3 sạch”. Học sinh cần được thực hiện:

- Ăn uống sạch: Các thực phẩm đồ ăn sạch, dụng cụ đựng thức ăn, cốc uống nước sạch.

- Ở sạch: trẻ được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.

- Chơi sạch: Đồ chơi ở lớp học cần được vệ sinh thường xuyên.

Tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và dự phòng chủ yếu qua việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi. Nhà trường nên phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và cách ly để hạn chế sự lây lan. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ ở nhà để tránh tiếp xúc lây lan sang các bạn khác.

Ngoài ra, việc thực hiện 3 sạch cũng góp phần phòng ngừa nhiều bệnh khác trong môi trường giáo dục như cúm, đau mắt đỏ, bệnh đường hô hấp, sốt xuất huyết.

Lê Na và nhóm PV, BTV