Nhà văn Dương Thuỵ vừa có cuộc giao lưu với độc giả tại Hội sách trực tuyến 2020 phát trên địa chỉ book365.vn.
Nhà văn Dương Thuỵ vừa có cuộc giao lưu với độc giả tại Hội sách trực tuyến 2020 phát trên địa chỉ book365.vn. |
Dương Thụy là cái tên không còn xa lạ đối với nhiều độc giả trẻ. Nữ nhà văn sinh năm 1975 được biết đến khá sớm qua những bài viết trên báo Hoa Học Trò và Sinh viên Việt Nam. Hai tác phẩm Oxford thương yêu và Beloved Oxford (bản tiếng Anh) của chị đã đạt mức tiêu thụ tổng cộng 120.000 bản in tại Việt Nam. Ngoài ra, hàng chục ấn phẩm Việt ngữ và Anh ngữ của Dương Thuỵ do NXB Trẻ xuất bản cũng được đông đảo giới trẻ yêu thích.
Là người viết nhiều và đi nhiều, nhà văn Dương Thuỵ chia sẻ ở châu Âu, nhất là Nhật, mọi người đọc sách rất nhiều. “Trong thiết kế chiếc túi xách của họ đều có thiết kế một góc nhỏ để vừa đủ một cuốn sách. Lý do bởi họ luôn luôn mang sách theo mình. Ở châu Âu họ sử dụng phương tiện công cộng cũng nhiều nên trong lúc ngồi trên các phương tiện đó tranh thủ đọc. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh người ta đọc sách trên tàu điện ngầm, trên xe buýt, ngồi bất cứ đâu họ cũng đọc.
Sách ở đây rất đắt, những người trẻ thường vào thư viện mượn sách đọc, những người đi làm có điều kiện hơn mua sách về đọc và sau đó trao đổi với bạn bè. Đầu giường của họ lúc nào cũng có cuốn sách và thường trước khi đi ngủ đọc vài trang sách. Đó là một thói quen bởi họ thấy đấy là niềm vui và duy trì niềm vui đó rất lâu. Con cái thấy cha mẹ cầm cuốn sách cũng học theo. Tôi đi ra ngoài đường cứ nhìn thấy một người cầm quyển sách, tôi rất có cảm tình hơn là một người cầm điện thoại”, nhà văn Dương Thuỵ tâm sự.
Tác phẩm Oxford thương yêu của nhà văn Dương Thuỵ. |
Nhà văn Dương Thuỵ chia sẻ, chị đúc kết được rằng, một người tìm tới niềm vui đọc sách có thể thấy người đó luôn luôn muốn học hỏi thêm kiến thức, người đó sẽ rất cởi mở và thân thiện, có tấm lòng rộng mở hơn.
Nữ nhà văn nhận định, Việt Nam có rất nhiều diễn đàn đọc sách, các bạn trẻ hiện tại đọc cũng kha khá. Vậy nên chị khuyên không đọc theo phong trào, phải đọc thứ mình thích, từ đó lan toả tới bạn bè cuốn sách mình thích để cùng trao đổi về nội dung cuốn sách.
Còn về cách truyền cảm hứng cho trẻ em đọc sách, Dương Thụy cho biết mỗi trường học ở Châu Âu đều có một câu lạc bộ văn học. Các em học sinh sẽ có những buổi đọc sách hàng tuần, các giáo viên cũng tổ chức các cuộc thi viết truyện để tạo cho các em cảm ứng viết văn và đọc những tác phẩm văn học.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian sắp tới, nữ nhà văn cho biết đã hoàn thành bản thảo một tác phẩm về tình yêu dành cho các bạn trẻ, sau mùa dịch Covid-19 sẽ cho xuất bản tại Việt Nam. "Tôi vẫn viết về tình yêu, vì chỉ khi yêu người ta học được cách chia sẻ, từ đó làm chúng ta trưởng thành hơn. Mặc dù quá trình trưởng thành đó không mấy dễ dàng, nhưng sẽ cho chúng ta những giá trị hữu ích, nhân văn trong cuộc sống".
Tình Lê
99 tuổi, nhà nghiên cứu Đình Tư leo 1500 bậc cầu thang mỗi ngày và mê viết sách
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, sở dĩ ở tuổi 99 ông vẫn minh mẫn được như vậy là bởi đã rèn luyện sức khoẻ tinh thần tốt.