Chị Hoàng Dạ Thư, con gái cả của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết: "Bố tôi ra đi thanh thản lúc 2h30 sáng 24/7".

Con gái nhà văn cũng chia sẻ, sau đám tang của cha, gia đình sẽ đưa di hài nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và bà Lâm Thị Mỹ Dạ (vợ ông, mất cách đây 18 ngày) ra Huế - nơi gắn bó với hai người lúc sinh thời.

Gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ nhà văn vào ngày 30-31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế). 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 tại Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp Ban Việt Hán - trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, tốt nghiệp Cử nhân Triết học - Đại học Văn khoa Huế.

Từ năm 1966, Hoàng Phủ Ngọc Tường tham gia hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ. Ông từng là Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh năm 1998, nhưng với khát vọng sống mãnh liệt, ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh suốt 20 năm qua. 

Ông viết rất nhiều tác phẩm, nổi tiếng nhất là Ai đã đặt tên cho dòng sông, từng được giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài bút ký thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, lối viết giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.

Một số giải thưởng và tặng thưởng văn học của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa Nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Văn học Hội nhà văn Việt Nam: Rất nhiều ánh lửa (1980 - 1981), tặng thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam: Miền gái đẹp (2001), Giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2003)… Ngoài văn xuôi, ông còn sáng tác thơ.