Sáng 30/9 tại Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất.
Tới dự hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm…
Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định kể từ thế hệ nhà văn đầu tiên đi theo tiếng gọi của non sông vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho đến bây giờ, nhiều người đã không còn nữa. Nhưng chúng ta vẫn được gặp họ trong giấc mơ làm người cao cả và trong khát vọng sống bất diệt của một dân tộc. Những gì họ sống, những gì họ viết đã hoá thành trầm tích trong dòng chảy vô tận của văn hoá dân tộc.
“Tôi nghĩ về nền văn học Việt Nam giống như dòng chảy của một con sông lớn. Một dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn, thế hệ nước hôm nay tiếp thế hệ nước trước đó để tạo ra vẻ đẹp huy hoàng của dòng sông. Cũng như thế hệ nhà văn này tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học.
Mỗi thế hệ nhà văn luôn tiếp nhận giá trị và sự truyền cảm của thế hệ nhà văn đi trước. Chúng ta không thể tách rời con nước hôm qua với con nước hôm nay. Không thể tách rời các thế hệ nước ra khỏi con sông. Mọi sự gắn kết đều làm nên sức mạnh, mọi sự chia tách đều dẫn tới suy tàn”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Thay mặt thế hệ nhà văn lão thành, nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trước bao thăng trầm của chiến tranh, văn học giúp con người vượt qua những phút xao lòng sau mất mát đau thương. Với những tác phẩm đi vào lòng người, văn học đã phát huy truyền thống “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo", làm rạng danh chủ nghĩa nhân văn thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ Việt Nam không chỉ là tên gọi một cuộc chiến tranh mà còn là tên gọi của một nền văn hiến lâu đời.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá, chưa bao giờ đề tài viết về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông thu được nhiều thành tựu như những năm gần đây. Nhiều bộ tiểu thuyết đồ sộ khái quát cả một triều đại, tôn vinh các võ công oanh liệt chống ngoại xâm, có công lao khai phá, mở mang bờ cõi, tái hiện những tranh đoạt trong chốn nội cung và các cuộc nội chiến kéo dài, đồng thời rút ra những triết lý, chiêm nghiệm sâu sắc qua sự thăng trầm của lịch sử. Nhiều tồn nghi trong quá khứ được giải tỏa, trả lại sự thật, danh dự, phẩm giá cho những người chịu oan khuất hàng mấy trăm năm. Những tác phẩm nói trên đã lấp một khoảng trống của văn học và trả món nợ to lớn với lịch sử.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng khi tại hội nghị này được gặp gỡ các nhà văn lão thành, trong đó rất nhiều người là “nhà văn chiến sĩ”, đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại như những “đoàn quân” đặc biệt với sức mạnh tinh thần Việt Nam bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của các nhà văn mang nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình và đồng thời phản ánh chân thật, sâu sắc về con người; góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hoá và đi ngược lại xu thế của thời đại… Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn.
“Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Do vậy, Chủ tịch nước mong có sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và nhà văn trẻ. Đấy là sự gắn kết của tình yêu thương, sự thấu hiểu, sự tôn trọng cá tính sáng tạo và vì một sứ mệnh lớn lao chung là sáng tạo ra tác phẩm hay góp phần làm phong phú, làm đẹp hơn đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Sự dâng hiến không vụ lợi và những sáng tạo của các nhà văn lão thành cho dân tộc đã trở thành di sản vô giá trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam và là một phần quan trọng trong hành trang của các thế hệ nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình.
Chủ tịch nước tin rằng, với nền tảng mà những nhà văn lão thành đã gây dựng được cho nền văn học và văn hóa Việt Nam, những người viết trẻ sẽ không lạc lối, đủ bản lĩnh, tỉnh táo và lòng dũng cảm để dấn thân, đam mê, khám phá và sáng tạo, tìm kiếm những giá trị mới, cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao chạm đến xúc cảm của công chúng, những tác phẩm xứng đáng với Tổ quốc, con người Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh các tác phẩm văn học có giá trị.