Với mục đích giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, Hero House Bù Gia Mập được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2020 với tổng chi phí xây dựng lên tới gần 1 tỷ đồng từ kinh phí hỗ trợ của nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên và một số công ty, doanh nghiệp hỗ trợ.

Anh Phùng Mỹ Trung (trú tại Đồng Nai) là nhà sinh vật học, cha đẻ của Hero House cho biết, ngôi nhà đặc biệt này được “tái sử dụng” từ một nhà truyền thống 70 năm của người dân tộc S’tiêng bị dỡ bỏ làm củi. Nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên đã mua về và xây dựng lại theo hướng giữ nguyên tất cả từ cách thiết kế đến màu sắc và di chuyển hai cây số về đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ngôi nhà bằng gỗ gần 200 mét vuông bao gồm cả khu vực hồ trước nhà, có thể chứa nhiều nhất 20 tình nguyện viên. Ngôi nhà vẫn có khu nấu ăn, vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mọi người.

hero house Bù Gia Mập .jpg
Hình ảnh tại Hero House Vườn quố gia Bù Gia Mập. Ảnh: Mỹ Trung

Giống các Hero House khác, đây là nơi ở miễn phí cho các bạn tình nguyện viên tham gia hoạt động bảo vệ động vật hoang dã và gia đình của những nhà tài trợ, những mạnh thường quân đã đóng góp cho ngôi nhà. Ngoài ra, khách tham quan, tìm hiểu về động vật hoang dã và văn hóa dân tộc S’tiêng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập có thể lưu trú lại.

Từng tham gia sinh hoạt tại Hero House Bù Gia Mập trong đợt tình nguyện cứu trợ động vật hoang dã vừa qua, chị Lương Tử Thanh Phượng (Dĩ An, Bình Dương) không thể nào quên được những kỷ niệm tại ngôi nhà đặc biệt này. Các tình nguyện viên được học về những loài động vật hoang dã như Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, Cu li nhỏ, Voọc ngũ sắc và cả nền văn hóa bản địa của người S'tiêng. 

Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước là khu rừng nguyên sinh lớn nhất của tỉnh Bình Phước với diện tích gần 26.000 ha, độ che phủ rừng lên tới hơn 90%. Đây là rừng nhiệt đới đa dạng về động vật và thực vật. Bù Gia Mập tiếp giáp với Tây Nguyên nhưng không thuộc hệ sinh thái rừng Tây Nguyên, mang nét đặc trưng của rừng Đông Nam Bộ với đỉnh núi cao nhất 738m.

Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học tại đây cho thấy Vườn có tới 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi, 126 họ trong đó có nhiều cây gỗ quý thuộc họ đậu như Cẩm lai, Gõ đỏ, Giáng hương, Trầm hương, Kim giao. Trong đó 88 loài nguy cấp quý hiếm, 11 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 14 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007), 76 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, có 5 loài được ghi trong Công ước Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)… cùng với 278 giống cây dùng làm thuốc. Năm 2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 39 cây thuộc quản lý của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, bao gồm: Quần thể 37 cây săng lẻ, 1 cây sộp và 1 cây tung.

Hệ động vật tại đây vô cùng phong phú, trong rừng có 835 loài, gồm 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá. Có 106 loài nguy cấp quý hiếm, 9 loài trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 15 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 84 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và 40 loài được ghi trong danh lục của CITES năm 2019.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật đặc hữu phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế.

Phương Anh